Cuối cùng, trần lãi suất cho vay cũng được đưa ra như một giai pháp để cứu các doanh nghiệp trong nước. Nhưng xét ở góc cạnh nào đó, chính sách này có thể khó phát huy hiệu quả trong việc hỗ trợ nền kinh tế như mong muốn bởi sự ra đời muộn màng của nó.
Quá muộn
Sau bao nhiêu lần bàn thảo ở các cấp độ, sự nỗ lực của Chính phủ và những lời kêu cứu thảm thiết từ các hiệp hội, các doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã quy định lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế.
Theo đó, lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND của TCTD đối với khách hàng vay tối đa bằng lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VND có kỳ hạn từ 1 tháng trở lên do NHNN quy định cộng 3%/năm. Các lĩnh vực áp dụng là: Nông nghiệp, nông thôn quy; Thực hiện phương án, dự án sản xuất - kinh doanh hàng xuất; Phục vụ sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa; Phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ
Trần lãi suất cho vay được đưa ra trong bối cảnh các doanh nghiệp trong nước đang ở trong tình cảnh vô cùng khó khăn và hệ thống ngân hàng đang ổn định trở lại.
Các số liệu gần đây cho thấy, hệ thống NHTM Việt Nam đang trong tình trạng thừa tiền do huy động được nhiều nhưng không cho vay được do lãi suất cao và các doanh nghiệp không thẩm thấu được khi mà cả nền kinh tế đang đình trệ. Tăng trưởng tín dụng quý I/2012 đạt âm 1,96%.
Thừa tiền đã khiến các ngân hàng buộc phải đem mua trái phiếu với lãi suất rất thấp. Số liệu vào cuối tháng 4/2012 cho thấy, lãi suất tín phiếu kỳ hạn 28 ngày, 91 ngày và 182 ngày giảm mạnh xuống tương ứng là 6,2%, 9,4% và 10,34%/năm.
Không chỉ thế, lãi suất cho vay liên ngân hàng cũng xuống thấp nhất trong nhiều tháng qua. Lãi suất trên thị trường liên ngân hàng đã xuống 3%/năm với lãi suất qua đêm, 4-5% lãi suất kỳ hạn dài hơn.
Một nghịch lý là mặc dù thừa tiền như vậy, nhưng lãi cho các doanh nghiệp trong nước vay vẫn đang ở mức 18-20% khiến một bộ phận không nhỏ các doanh nghiệp đã lỗ hoặc mất hết lãi ngay trong quý I/2012 vừa qua.
Không những thế, tình trạng phá sản, đóng cửa vẫn đang tiếp diễn theo chiều hướng rất xấu. Theo số liệu công bố của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sau 4 tháng đầu năm, cả nước đã có khoảng 14.000 doanh nghiệp phá sản hoặc dừng hoạt động. Con số này thực sự là một tín hiệu báo động đối với nền kinh tế.
Đánh giá về thực trạng kinh tế hiện nay, các lãnh đạo cấp cao Nhà nước và các chuyên gia đều cho rằng tình hình kinh tế hiện rất khó khăn, tăng trưởng đang chậm lại và cần được khơi thông nhanh chóng.
Phát biểu tại phiên thảo luận về phương án phân bổ sử dụng nguồn dư dự toán chi và vượt thu ngân sách Trung ương năm 2011 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chiều 4/5, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng nhấn mạnh cho rằng tình hình kinh tế đang rất xấu, suy giảm và giảm phát đã rất rõ ràng.
Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân, thành viên hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia cũng cho rằng, đã đến lúc Chính phủ cần có giải pháp hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Việc áp dụng trần lãi suất cho vay ở thời điểm hiện tại vẫn được coi là một biện pháp cần thiết nhưng với nhiều người chính sách này là chưa đủ và được ban hành quá chậm trễ.
Hạ lãi suất cho người tiêu dùng?
Có một thực tế là rất nhiều doanh nghiệp trong nước đang gặp rất nhiều khó khăn. Khó khăn không chỉ phải là thiếu vốn, lãi suất cao mà quan trọng hơn là doanh nghiệp không tiêu thụ được hàng hóa do sức cầu của nền kinh tế rất thấp.
Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến tính đến thời điểm 1/4 đã tăng hơn 32% trong khi chỉ số tiêu thụ xét cùng thời điểm chỉ tăng 3,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Một số ngành chỉ số tồn kho tăng tới hơn 100%.
Các số liệu này cho thấy sức mua trong nước vẫn chưa được cải thiện, tổng cầu vẫn đang giảm một cách đáng lo ngại.
Trong một nền kinh tế mà tốc độ quay vòng vốn đã giảm từ 2,3 - 2,5 lần/năm xuống còn 0,8 lần/năm thì việc khôi phục và phát triển sản xuất kinh doanh không chỉ phụ thuộc ở những chính sách đưa ra mà còn là lòng tin của thị trường. Chỉ khi có lòng tin thì người dân mới dám tiêu dùng, ngân hàng mới dám cho vay và doanh nghiệp mới dám mở rộng sản xuất.
Với khó khăn như hiện tại, nhiều khả năng cùng với trần lãi suất cho vay giảm, ngay trong quý này Chính phủ sẽ có nhiều biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp khác. Điều này đã được khẳng định trong phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 4/2012 và gói giải pháp cứu trợ thông qua giảm, hoãn, giãn thuế đã được Bộ Tài chính trình lên và chờ quốc hội xem xét.
Theo dự báo của T.S Võ Trí Thành, phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương, với những cam kết và hành động của Chính phủ thì tháng 6 sẽ thoát khỏi đáy tăng trưởng.
Mặc dù vậy, ông Thành cũng lưu ý nền tảng kinh tế vẫn còn yếu và vĩ mô của kinh tế Việt Nam cũng như thế giới còn nhiều rủi ro, hơn nữa phương cách điều hành kinh tế của Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập.
Cũng như ông Thành, theo đánh giá của nhiều nhà đầu tư, cách thức điều hành kinh tế của Việt Nam trong vài năm gần đây đang có khá nhiều bất ổn.
Trong thời gian qua, các chính sách tiền tệ thường đi sau thị trường, thông thường là đi sau các con số.
Trên thực tế, ở nhiều quốc gia phát triển, việc điều hành tiền tệ phải biết nhìn xa trong rộng, phải biết dự báo nền kinh tế sẽ đi về đâu trong 6 tháng đến 1 năm. Từ đó, các chính sách phải đi trước công chúng và thị trường, chứ không thể phụ thuộc vào các con số đã công bố gây choáng váng kiểu như lạm phát vọt lên 20%, tồn kho tăng như núi, hay giờ đây là tình trạng phá sản, thấp nghiệp đáng lo ngại...
Trên thực tế, NHNN đã có những báo cáo rất chính xác về tình trạng thanh khoản "được cải thiện rất nhiều" ngay từ đầu năm 2012. Thanh khoản sau đó đã liên tục được cải thiện và tình trạng dư thừa tiền được chính các ngân hàng như ACB, SeABank lên tiếng mạnh mẽ. Tuy nhiên, dường như việc bảo vệ sự ổn định của hệ thống ngân hàng là nhiệm vụ cao cả nhất. Các doanh nghiệp sẽ là đối tượng ưu tiên thứ hai. Tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thành công, tất nhiên sau đó, các doanh nghiệp sẽ được cứu.
Nhiều người lo ngại, các chính sách còn chạy sau thị trường thì nền kinh tế sẽ còn lao đao. Tình trạng giảm phát của nền kinh tế hiện tại có thể nói không thể không có liên quan gì tới các chính sách tiền tệ ưu ái cho các ngân hàng như thời gian vừa qua. Việc huy động với lãi suất 12-14% trong khi cho vay lên tới 18-25% trong những tháng cuối năm 2011 và 2012 là một hiện tượng hút máu nền kinhh tế, không khác nhiều so với tình trạng cho vay nặng lãi kiểu xã hội đen.
Hơn thế, cũng có một thực tại khác là, cho dù có áp trần lãi suất thì các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận với vốn vay lãi suất thấp này không phải dễ. Ngân hàng vẫn đang đối mặt với nợ xấu và lợi nhuận chủ yếu từ tín dụng thì việc đẩy mạnh cho vay với lãi suất thấp là không ai muốn.
Việc kích thích nền kinh tế nên chăng tập trung vào kích cầu tiêu dùng, nhằm giảm bớt gánh nặng hàng tồn kho của đa số các doanh nghiệp.
Nguồn tin: VEF