Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Trần lãi suất huy động 14%/năm đã ‘lỗi thời’

Giảm lãi suất đang là vấn đề nóng, thu hút sự tham gia hiến kế của các chuyên gia, nhà quản lý, sự chờ đợi của doanh nghiệp và người dân.

Ông Cao Sỹ Kiêm.

Trả lời phỏng vấn của Đất Việt, ông Cao Sỹ Kiêm, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, Nguyên thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cho biết, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang cân nhắc đến việc áp trần lãi suất cho vay trong hệ thống tổ chức tín dụng, bỏ trần lãi suất huy động 14% như hiện nay.

- Những thông tin về việc có thể NHNN áp trần lãi suất cho vay và bỏ trần lãi suất huy động 14% đang làm xôn xao thị trường tài chính. Cương vị là thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, ông có thể cho biết nên đưa ra trần lãi suất cho vay không?

- Vấn đề bỏ trần lãi suất huy động, áp trần lãi suất cho vay đang bàn thảo. Nhưng việc này cũng phải được cân nhắc, vì thực tế trần lãi suất huy động hiện nay chỉ nói cho có, chứ thực tế các ngân hàng thương mại đã đẩy lên quá xa, còn lãi suất cho vay có nơi đã lên 27 - 28%... quá sức chịu đựng của nền kinh tế.

Quan điểm của tôi là cả lãi suất đầu vào và đầu ra nếu không có trần vẫn hay hơn, điều tiết theo thị trường vẫn tốt hơn. Nhưng trong thời điểm lãi suất hỗn loạn như hiện nay thì việc bỏ trần lãi suất huy động và áp trần lãi suất cho vay lại là điều nên làm, vì không làm thì sẽ càng hỗn loạn và không thể kiểm soát nổi. Việc áp trần lãi suất cho vay, theo tôi sẽ sớm được NHNN đưa ra, vì lãi suất hiện nay đã căng quá rồi. Khi khống chế được trần lãi suất cho vay thì sẽ tạo được sự ổn định về nguồn vốn của doanh nghiệp. Các ngân hàng thương mại nếu có nguồn vốn vay rẻ thì sẽ khó “tranh thủ lợi nhuận”, những ngân hàng huy động cao sẽ phải tính đến việc hạ lãi suất huy động để giữ lợi nhuận cho mình. 

- Nhiều người cho rằng, trần lãi suất huy động còn không giữ nổi, thì trần lãi suất cho vay chỉ là một “bờ chắn tạm” mà bất cứ ngân hàng nào cũng dễ bước qua?

- Lo lắng về việc lách trần lãi suất cho vay nếu trần được đưa ra không hề thừa. Tuy nhiên, khi đưa trần lãi suất cho vay, NHNN phải tính đến hai vấn đề: mức trần nào là hợp lý, phải làm kiên quyết và xử lý mạnh mẽ với sự nhất quán từ đầu đến cuối. Ngoài ra, còn phải tạo được sự nhất trí như một nhạc trưởng chỉ đạo một dàn nhạc dao hưởng.

Trong thời điểm lãi suất hỗn loạn như hiện nay thì bỏ trần lãi suất huy động và áp trần lãi suất cho vay là điều nên làm.

Nhìn lại việc lách trần huy động 14%, chúng ta thấy có hai cái đáng bàn: đó là mức 14% hiện chưa phù hợp và cái quan trọng hơn là NHNN không xử lý kiên quyết ngay từ đầu, nên tạo thành một tâm lý ở các ngân hàng là thích nâng lãi suất huy động lên bao nhiêu thì nâng, bởi “có ai xử đâu”. Vì thế, trần lãi suất cho vay có là “bờ chắn tạm” hay không sẽ phụ thuộc vào hai việc là hợp lý, và phải xử lý nghiêm. Đây là điều tối quan trọng của điều hành thị trường lãi suất hiện nay.

- Theo ông, trần lãi suất cho vay mức nào là hợp lý, khi mà tâm lý “lạm phát” đẩy lãi suất lên cao đang được sử dụng như một vũ khí tối dụng trong các ngân hàng thương mại và cả kỳ vọng của người gửi tiền?

- Tôi cho rằng, trần lãi suất cho vay hợp lý hiện nay khoảng 17 - 18% một năm. Đưa ra mức này, tôi chắc chắn sẽ khiến nhiều tổ chức tín dụng, ngân hàng cảm thấy “phật lòng”. Nhưng trên thực tế, lạm phát của chúng ta là lạm phát kỳ vọng theo lạm phát từng thời điểm. Ví dụ, trong tháng 4, tháng 5, lạm phát của chúng ta cao, và các ngân hàng viện cớ lạm phát này đẩy lãi suất huy động lên cao, cũng như đẩy lãi suất cho vay quá sức chịu đựng. Nhưng, nhìn lạm phát, chúng ta không chỉ lấy một tháng, hai tháng. Tính từ tháng 1 – 5/2011, mức lạm phát của chúng ta chỉ khoảng 11% một năm, như vậy, lãi suất huy động cao hơn mức đó một ít và lãi suất cho vay 17%, 18% là hoàn toàn phù hợp.

- Một trong những lý do mà nhiều ngân hàng đua lãi suất huy động lên cao, ngoài ăn theo lạm phát còn do thanh khoản. Theo ông, phải làm gì để vừa thực hiện nghiêm việc áp trần lãi suất cho vay,  hạ lãi suất xuống mà vẫn kiềm chế được lạm phát?

- Đến lúc này, NHNN cần phải sử dụng cả dự trữ bắt buộc ngoại hối và đồng nội tệ đối với hệ thống ngân hàng. Và cũng cần khai thác công cụ thị trường mở nhiều hơn, để vừa điều hành chính sách lãi suất, vừa đảm bảo tính thanh khoản cho hệ thống ngân hàng. Và chúng ta cũng thấy, mới đây, lãi suất trên thị trường mở lại được điều chỉnh nâng lên.

Còn vấn đề lạm phát, chúng ta không thể chỉ trông chờ vào chính sách tiền tệ, chính sách lãi suất. Để hạ được lạm phát, cần rất nhiều chính sách đồng bộ bên cạnh chính sách lãi suất, tiền tệ, như chính sách xuất khẩu, chính sách điều hành tỷ giá linh hoạt…

- Xin cảm ơn ông!

Nguồn:Đất Việt

ĐỌC THÊM