Căng thẳng thanh khoản xuất hiện khi buộc phải tuân thủ trần lãi suất 14%/năm. Nguy cơ nợ xấu của ngân hàng tăng vọt. Những sức ép này có thể “kích hoạt” cho một đợt tái cấu trúc hệ thống ngân hàng một cách mạnh mẽ.
Trần lãi suất huy động có giúp giảm lãi suất cho vay?
Với mục tiêu hạ lãi suất, ngày 17-9-2011, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành Chỉ thị 02 về việc chấn chỉnh lại những quy định về lãi suất tại Thông tư 02 và Thông tư 14 ban hành từ hồi đầu năm. Theo đó, NHNN dùng nhiều “biện pháp mạnh” đối với các ngân hàng huy động lãi suất vượt mức trần 14%/năm. Đến nay, đã có ba ngân hàng bị xử lý vì đã vi phạm quy định về trần lãi suất huy động theo chỉ thị này.
Còn nhớ Thông tư 02 được ban hành ngày 3-3-2011 nhằm đưa cơ chế lãi suất trần trở lại sau hơn một năm bị hủy bỏ. Thực tế hầu hết các ngân hàng đều lách luật để huy động lãi suất cao hơn rất nhiều so với quy định trước sự bất lực của NHNN. TS. Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, đã từng phát biểu rằng “chưa bao giờ hệ thống tài chính bị tàn phá về đạo đức ghê gớm như hiện nay”. Điều này cho thấy lúc đó trần lãi suất gần như không phát huy hiệu quả như mong muốn của những người ra chính sách.
Những người ủng hộ thì cho rằng việc áp dụng trần lãi suất là cần thiết để giảm lãi suất cho vay của các ngân hàng. Họ lý giải, giảm lãi suất đầu vào sẽ làm giảm lãi suất đầu ra. Ngoài ra, quan điểm này còn cho rằng áp trần lãi suất là cần thiết để chặn đứng cuộc đua lãi suất của các ngân hàng nhỏ trên thị trường. Tuy nhiên, cả lý thuyết lẫn thực tế dường như không ủng hộ cho hai lập luận trên.
Thứ nhất, áp lãi suất trần thấp hơn mức cân bằng của thị trường sẽ làm nghẽn dòng tín dụng vào ngân hàng. Tiền trong ngân hàng bị rút ra vì lãi suất thấp hơn kỳ vọng của người gửi tiền. Số liệu cũng cho thấy tăng trưởng tín dụng trong tháng 9-2011 giảm 1,07% so với tháng trước. Như vậy, một khi nguồn vốn huy động của ngân hàng bị giảm thì ngân hàng cũng không có vốn để cho vay và điều tất yếu là lãi suất sẽ tăng lên. Thực tế, trong một môi trường cạnh tranh chúng ta không thể trông chờ vào “lòng tốt” hay “đồng thuận” của ngân hàng rằng huy động thấp sẽ cho vay lãi suất thấp.
Thứ hai, các ngân hàng nhỏ cũng không đủ sức để trở thành “tội đồ” của cuộc đua lãi suất mà bấy lâu nay người ta vẫn nghĩ. Thực vậy, thị trường tiền tệ của Việt Nam có gần 60 ngân hàng hoạt động (không tính các chi nhánh ngân hàng nước ngoài) cho nên rất khó xảy ra tình trạng “bỗng dưng lãi suất tăng”. Hơn nữa, 12 ngân hàng đứng đầu đã chiếm hơn 80% thị phần, do vậy những ngân hàng nhỏ còn lại không thể là tác nhân chính làm tăng lãi suất thị trường.
Khi cơ chế trần lãi suất được NHNN áp đặt trở lại kể từ năm 2008, hiện tượng các ngân hàng thương mại vi phạm trần là khá phố biến. Không ít lần những cam kết đồng thuận trần lãi suất của các ngân hàng nhanh chóng bị phá bỏ. Như vậy, ắt hẳn việc ngân hàng thương mại lách luật có những nguyên nhân sâu xa khác.
Đến nay, thị trường tiền tệ bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu bất ổn sau hơn một tháng quyết liệt ngăn chặn các ngân hàng phá trần lãi suất huy động. Huy động vốn của các ngân hàng giảm mạnh làm cho nhiều ngân hàng gặp căng thẳng về thanh khoản. Lãi suất liên ngân hàng tăng vọt lên trên 20%. Từ đầu tháng 9 cho đến cuối tuần trước, dù NHNN đã bơm ròng vào hệ thống ngân hàng qua thị trường mở hơn 30.000 tỉ đồng, và nâng thời hạn lên 14 ngày nhưng vẫn không xoa dịu được cơn khát vốn của thị trường.
Có thể thấy việc áp lãi suất trần thực sự không phải là giải pháp căn cơ để hạ lãi suất và cũng không phải là giải pháp hợp lý nhằm dập tắt “cuộc đua” tăng lãi suất của các ngân hàng nhỏ. Ngoài ra, liệu lãi suất trần huy động 14% có hợp lý không khi mà lãi suất tái cấp vốn là 15%, lãi suất thanh toán điện tử liên ngân hàng qua đêm là 16% và cũng thấp hơn nhiều so với lạm phát?
Nợ xấu và yêu cầu tái cấu trúc ngân hàng
Mới đây, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã quyết định cơ cấu lại hệ thống ngân hàng và xem đây là một trong ba lĩnh vực quan trọng cần tái cấu trúc của nền kinh tế. Hãy thử nhìn lại quá trình phát triển của hệ thống ngân hàng trong các năm qua.
Năm 2006, Chính phủ ban hành Nghị định 141. Theo đó, các ngân hàng phải tăng vốn điều lệ lên tối thiểu 3.000 tỉ đồng cuối năm 2010. Tuy nhiên, sau đó thời hạn được lùi lại một năm do nhiều ngân hàng không thể hoàn thành. Cho đến nay vẫn còn một số ngân hàng chưa đáp ứng được mức vốn điều lệ này. Còn với những ngân hàng mới tăng vốn lên 3.000 tỉ cũng được cho là không “thực chất” vì vốn tăng lên chủ yếu là do các ngân hàng sở hữu chéo lẫn nhau và tiền góp vốn điều lệ có thể có nguồn gốc từ “tiền vay”.
Sự yếu kém của hệ thống ngân hàng Việt Nam cũng là một hệ quả khó tránh khỏi khi tăng vốn quá nhanh. Rất nhiều ngân hàng cách đây vài năm quy mô vốn chỉ hàng trăm tỉ đồng bỗng chốc tăng vọt lên hàng ngàn tỉ. Khi tốc độ tăng trưởng nhanh nhưng trình độ quản lý và công nghệ không theo kịp tất yếu dẫn đến ngân hàng không thể quản lý được rủi ro. Ngoài ra, việc quá nhiều ngân hàng trong một nền kinh tế có quy mô nhỏ dẫn đến sự cạnh tranh đào thải cũng sẽ diễn ra khốc liệt. Chính vì vậy, việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng là điều không thể tránh khỏi.
Hiện tại, hệ thống ngân hàng đang đối diện với nhiều khó khăn. Bên cạnh việc căng thẳng do lãi suất cao thì nguy cơ lớn nhất hiện nay chính là nợ xấu.
Với gần 50.000 doanh nghiệp, chiếm hơn 10% số doanh nghiệp cả nước bị phá sản hoặc dừng hoạt động sẽ làm cho không ít khoản nợ biến thành nợ xấu. Trong đó, nhiều doanh nghiệp rất lớn trong ngành thép, xi măng buộc phải dừng hoạt động nhưng vẫn đang nợ ngân hàng ngàn tỉ đồng.
Thêm vào đó, thời gian gần đây xảy ra hàng loạt vụ vỡ nợ với con số cũng lên đến cả ngàn tỉ đồng. Chắc chắn số vụ vỡ nợ không dừng lại mà có thể còn ở quy mô lớn hơn nhiều. Điều đó cho thấy nguy cơ về tác động dây chuyền có thể làm cho nợ xấu nhiều ngân hàng tăng vọt. Theo báo cáo chính thức của Việt Nam thì nợ xấu trong hệ thống ngân hàng tính đến cuối tháng 6-2011 chưa đến 3%, tuy nhiên con số ước tính của Fitch Rating lại lên đến 13%.
Hiện tại, nhiều ngân hàng nhỏ gặp căng thẳng về thanh khoản nhưng lại không thể huy động được vốn do lợi thế cạnh tranh lớn nhất là tăng lãi suất đã bị chặn lại. Vì vậy, khó khăn lại tăng lên gấp bội đối với những ngân hàng nhỏ. Thêm vào đó, những ngân hàng này thường có tỷ lệ cho vay bất động sản lớn. Với tình trạng đóng băng của thị trường thì nợ xấu từ bất động sản cũng không hề nhỏ.
Trước hiện trạng đó, nhiều ngân hàng nhỏ đứng trước áp lực bị buộc phải sáp nhập để tái cấu trúc, tăng quy mô vốn. Tuy nhiên, mặt trái của nó chính là hệ thống ngân hàng sẽ phải đối diện với rất nhiều rủi ro. Thêm vào đó, cũng cần lưu ý tăng vốn điều lệ cũng không phải là vấn đề chính trong tái cấu trúc mà quan trọng hơn là phải nâng cao trình độ quản lý, minh bạch hóa hoạt động của các ngân hàng.
Nguồn tin: Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online