Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Tràng vỗ tay và thống đốc

Chính sách được thiết kế tốt và kịp thời nhưng yếu kém trong điều hành thực thi đã làm điêu đứng nhiều doanh nghiệp vốn bị sức ép nặng nề từ suy thoái kinh tế

Những tràng vỗ tay rộ lên và những ánh mắt đổ dồn về hướng người đàn ông đứng tuổi tóc hoa râm khi ông kết thúc đối thoại với thống đốc. Giám đốc công ty Thương mại và chế biến thực phẩm Thông Tấn, Nguyễn Văn Tấn, với giọng cay đắng kể về trường hợp của doanh nghiệp mình. Ông nhận euro của đối tác nước ngoài, mang trả nợ cho ngân hàng trong nước nhưng không được chấp nhận. Ông phải ra thị trường tự do đổi euro ra USD về trả nợ ngân hàng đó. Do tỷ giá chênh lệch lớn nên mỗi lần giao dịch, công ty ông mất đứt 300 triệu đồng. Vì làm không có lãi, doanh nghiệp của ông đã buộc phải tạm dừng sản xuất nửa tháng nay. Ông nói gay gắt: “Thưa thống đốc, ông là người ban hành chính sách vĩ mô chính, tôi mong ông làm làm sao để doanh nghiệp chúng tôi đỡ khổ”.

Những tràng vỗ tay như trên còn diễn ra nhiều lần nữa trong phòng họp chính tại trụ sở của diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam VCCI ngày 16.5 vừa qua, khi thống đốc Nguyễn Văn Giàu tiến hành đối thoại lần đầu tiên với các doanh nghiệp về vướng mắc với ngân hàng. Kiến nghị của ông Tấn lên thống đốc, tuy không liên quan trực tiếp đến chủ đề chính của cuộc đối thoại là về chính sách hỗ trợ lãi suất 4% của Chính phủ, nhưng điều đó phản ánh tâm trạng chung cho cộng đồng doanh nghiệp. Họ muốn một chính sách của Chính phủ phải được thiết kế tốt, cũng như thực hiện tốt bởi hệ thống thực thi cấp dưới.

Thực ra, chính sách hỗ trợ lãi suất 4% cho doanh nghiệp, một trong những chính sách kích cầu quan trọng nhất hiện nay của Việt Nam là một dấu hiệu của việc “trả nợ” của Chính phủ cho doanh nghiệp. Nó bắt đầu bằng sự lúng túng trong điều hành vĩ mô, như ông chủ doanh nghiệp Tấn nhận xét. Câu chuyện bắt đầu vào khoảng thời gian này năm ngoái, khi ngân hàng Nhà nước đã đột ngột tăng lãi suất lên rất cao nhằm kiềm chế lạm phát. Theo một nghiên cứu vừa công bố của đại học Kinh tế quốc dân kết hợp với diễn đàn phát triển Việt Nam, nhiều doanh nghiệp đã phải vay với lãi suất cao tới 20,35%/năm, và thậm chí lên tới 26%/năm trong giai đoạn từ cuối năm 2007 đến tháng 9.2008, giai đoạn Chính phủ thắt chặt tiền tệ. Nghiên cứu cho thấy, có tới hơn 63%/năm các doanh nghiệp được hỏi nói là rất khó tiếp cận vốn trong giai đoạn này. “Lãi suất cao như thế làm đóng băng các hoạt động của doanh nghiệp, của nền kinh tế”,  tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sơn, tác giả nghiên cứu nói.

Cho đến tháng 11 năm ngoái, ông Giàu, và các thành viên chính phủ khác đã rất đau đầu khi phải lựa chọn các chính sách có thể nhằm cứu vãn nền kinh tế đang rơi vào suy thoái. Sau một năm lạm phát tăng cao, thâm hụt ngân sách, thâm hụt tài khoản vãng lai, các nhà điều hành Việt Nam đã bị giới hạn về việc triển khai chính sách tiền tệ như lãi suất, tỷ giá,… nhằm kích thích nền kinh tế. Bây giờ chọn chính sách gì? Tính toán kỹ, Chính phủ mới quyết định đưa ra chính sách hỗ trợ lãi suất 4% cho doanh nghiệp, bắt đầu vào ngày 1.2 vừa qua.

Nhận xét về chính sách này, nguyên bộ trưởng thương mại Trương Đình Tuyển nói: “Yếu kém trong điều hành làm doanh nghiệp khổ chứ không phải tự họ. Có những anh tự thua lỗ thì không tính, nhưng còn những anh trước nay hoạt động bình thường, bây giờ rơi vào khó khăn là do chính sách của chúng ta, và tình hình kinh tế thế giới, chứ không phải do họ. Nay để họ chết thì bất công bằng, gây ra những bất ổn an sinh lớn…”.

Cho đến 13.5, đã có gần 282 ngàn tỉ đồng được vay từ chương trình này, theo ngân hàng Nhà nước. Tuy vậy, đang nổi lên nhiều ta thán từ cộng đồng doanh nghiệp vì những khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn thiết kế để cấp cứu nền kinh tế này.

Khó khăn đó là gì? Nhấn mạnh từng từ một, nguyên bộ trưởng Kế hoạch và đầu tư Trần Xuân Giá nói: “Tất cả các ngân hàng không trừ một anh nào cả phải cho vay theo chế – độ – tín – dụng – thông – thường”. Ông nói tiếp: “vậy nên một loạt doanh nghiệp rất khó khăn, cần vốn mà không thể tiếp cận được đến gói hỗ trợ này”.

Ông Giá nói: “Có nghĩa ông doanh nghiệp khó khăn đến với ngân hàng, mà không đủ tiêu chuẩn, thì xin lỗi, ông về đi nhé. Ông phải về tay không thôi”.

Những khó khăn như thế này và hơn nữa của doanh nghiệp, liệu thống đốc có biết? Chắc chắn là ông biết, thậm chí là rất rõ. Tại buổi đối thoại với doanh nghiệp tại Hà Nội hôm đó, thống đốc cũng tỏ ra cầu thị, khi cam kết tháo gỡ khó khăn về vốn cho từng trường hợp một. Đó là điều tích cực. Nhưng, những tập đoàn và tổng công ty nhà nước – những anh cả của nền kinh tế – đã không tham dự buổi đối thoại đó với thống đốc, theo ban tổ chức. Có lẽ, họ hiểu khó mà được gì trong một buổi thảo luận công khai này. Những tràng vỗ tay chắc chắn sẽ còn tiếp diễn khi thống đốc tiến thành đối thoại với doanh nghiệp tại TP.HCM trong thời gian tới.

SGTT

ĐỌC THÊM