Tin từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, tiêu thụ điện của hai ngành sản xuất sắt thép, xi măng trong quý I/2012 vẫn chiếm sản lượng lớn, với tỷ trọng hơn 10% mức tiêu thụ điện của cả nước.
Thiếu điện đổ cho thép?
Trong đó, các nhà máy xi măng đã ngốn 1,116 tỷ kWh, chiếm tỷ trọng 4,88% điện thương phẩm. Các nhà máy thép tiêu hao 1,264 tỷ kWh, chiếm tỷ trọng 5,53% điện thương phẩm.
Các mức tiêu thụ điện như trên vẫn là cao trong bối cảnh, nhiều nhà máy thép, xi măng hoạt động ngưng trệ, sản xuất đi xuống, như xi măng sản xuất giảm 6,5%, tiêu thụ giảm 9,5%, sắt thép sản xuất giảm tới 8,9% và tiêu thụ gảim 2,2% trong 4 tháng đầu năm.
Nếu mức tiêu thụ điện như vậy được duy trì trong 3 quý tới, cả năm ngành thép có thể tiêu thụ tới hơn 5 tỷ kWh và ngành xi măng cũng có thể ngốn tới gần 4,5 tỷ kWh. Mức tiêu thụ điện chung của 2 ngành này sẽ vào gần 9,5 tỷ kWh.
Đây chính là lý do mà nhiều lần, ngành điện lên tiếng kêu thép và xi măng vỡ quy hoạch, đã gây sức ép lên cung ứng điện quốc gia. Mới đây, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, Đặng Huy Cường đã tỏ ý rằng, có thể sẽ cần một cơ chế giá điện riêng cho thép và xi măng trong định hướng cơ chế giá điện theo thị trường trong thời gian tới.
Năm 2011, Bộ Tài chính đã kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ, áp dụng thuế suất thuế xuất khẩu cho phôi thép và sản phẩm thép xuất khẩu là 3%. Lý do là lợi nhuận từ xuất khẩu của ngành thép có sự góp phần của giá điện thấp. Nhờ giá điện thấp mà mỗi tấn thép xuất khẩu ngành thép có lãi khoảng từ 10-15 USD/tấn.
Theo ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép VN, thì con số tiêu thụ điện năng của sản xuất thép mà EVN đưa ra cần có sự xem xét kiểm định lại. Quý I/ 2012 vừa qua ngành thép gặp khó khăn nhiều nhà máy đã phải ngừng, giãn sản xuất, sản lượng thép đạt thấp, làm sao có thể sử dụng sản lượng điện lớn như thế. Theo ông Cường con số này không chính xác.
Thép phản pháo
So sánh giá điện trong giá thép xuất xưởng, Hiệp hội Thép cho biết, giá điện hiện nay chỉ chiếm 5,14% giá phôi thép, 0,77% giá thép cán xây dựng, 0,62% giá thép ống hàn, 0,65% giá thép mạ kim loại và 0,91% giá thép cán nguội.
Như vậy hiện chỉ có phôi thép là tiêu hao nhiều năng lượng nhất, tới 600kWh/tấn, còn lại, thép cán xây dựng là 100kWh/tấn, thép mạ là 120kWh/tấn và thép cán nguội là 114kWh/tấn. Trong đó, tăng sản xuất phôi trong nước là chủ trương của Nhà nước để giảm bớt phụ thuộc vào phôi nhập khẩu từ nước ngoài, chứ không nhằm mục tiêu xuất khẩu phôi.
Năm 2011 vừa qua xuất khẩu thép đạt khoảng 2.000.000 tấn, nhưng trong đó không có xuất khẩu phôi, chỉ xuất khẩu 300.000 tấn thép xây dựng, còn lại chủ yếu là các sản phẩm thép ống, thép mạ... mà những sản phẩm này thì nguyên liệu là thép tấm lại phải nhập khẩu.
Về ý kiến cho rằng việc giá điện rẻ của Việt Nam đã hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực sắt thép, ông Cường cho biết, các nhà đầu tư nước ngoài tính đến lâu dài chứ không phải "ăn xổi". Đến năm 2020, Việt Nam sẽ cơ bản trở thành nước công nghiệp và nhu cầu sử dụng thép đến lúc đó chắc chắn sẽ nhiều hơn, theo tính toán, tối thiểu là 300 kg/người (hiện nay mới có 120-130 kg/người). Trong khi, từ nay đến lúc đó, giá điện cũng sẽ tăng chứ không thể giữ mãi như hiện nay được.
Trong thời gian qua, mới chỉ có duy nhất một dự án thép đầu tư nước ngoài dùng đến điện của EVN là Posco Việt Nam (sản xuất thép cán nguội) ở Bà Rịa - Vũng Tàu, công suất 1,2 triệu tấn/năm. Còn lại các dự án khác chưa hề dùng đến điện như dự án thép Formosa (Đài Loan) ở Vũng áng (Hà Tĩnh) hiện đang trong quá trình san lấp mặt bằng; dự án nhà máy thép Guang Lian (Trung Quốc) ở Dung Quất (Quảng Ngãi) tính đến thời điểm này đã thay đến 4 chủ đầu tư mà vẫn chưa khởi động được; dự án thép không gỉ của Đài Loan cũng đã phải thu hồi giấy phép bởi không thực hiện được; dự án thép của Tata (Ấn Độ) liên doanh với Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSteel) cũng vẫn chưa nhận được giấy phép đầu tư; dự án thép Lion Group (Malaysia) liên doanh với Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) đã bị rút giấy phép.
Các dự án thép đang đầu tư phải 5 năm nữa mới đi vào hoạt động và các nhà đầu tư cũng ý thức được khi đó giá điện của Việt Nam sẽ tăng, không còn như hiện nay nữa. Nhiều dự án thép đầu tư vào Việt Nam đã có kế hoạch xây dựng nhà máy điện để tự lo điện cho sản xuất thép, chẳng hạn dự án của Formosa (Đài Loan) ở Vũng áng (Hà Tĩnh) sẽ xây dựng nhà máy điện 600 MW trong khu liên hợp để tận dụng hơi, nhiệt từ sản xuất thép. Vì vậy không thể nói đầu tư vào sản xuất thép tại Việt Nam là để tận dụng giá điện rẻ.
Theo ông Cường, Hiệp hội Thép đã đề nghị được tính giá điện cho sản xuất thép theo giá thị trường. Năm 2011, ngành điện cho biết, giá điện tính đủ để EVN không lỗ là 1.777 đ/KWh, thì Hiệp hội Thép cũng đã đề nghị tính giá đó cho sản xuất thép. Như vậy EVN sẽ không có gì để kêu ca nữa và giá điện tăng, những DN thép có mức tiêu hao điện năng lớn sẽ gặp khó khăn bị đào thải và những DN nào tiêu hao ít sẽ tồn tại cũng là hợp lý, không có gì phải boăn khăn cả.
Trong nhiều năm qua, bản thân ngành điện chưa bao giờ thực hiện tốt các quy hoạch điện đề ra, quy hoạch luôn bị vỡ và điện thiếu cũng cần xem lại mình, không nên đổ lỗi cho các ngành khác, ông Cường nói.
Nguồn tin: VEF