Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), tháng 8 sản xuất thép xây dựng của các công ty thành viên trong Hiệp hội thép vẫn tăng 3,63% so với tháng trước và tăng 7,06% so với cùng kỳ năm 2012, đạt 384.101 tấn. Tuy nhiên, tiêu thụ chỉ đạt khoảng 368.025 tấn, giảm 6,86% so với tháng trước. Nguyên nhân chính do tháng 8 rơi vào mùa mưa bão kéo dài nên các công trình xây dựng hoạt động cầm chừng, nhưng nếu so với cùng kỳ năm 2012 lại tăng trưởng 3,31%.
Tính chung 8 tháng đầu năm 2013, các DN trong Hiệp hội thép đã sản xuất được 3.012.236 tấn, tăng khoảng 0,92% (tương đương tăng 27.382 tấn); tiêu thụ được 3.035.389 tấn, tăng 3,04% (tăng tương ứng khoảng 89.660 tấn).
Đã có kinh nghiệm đối mặt với thị trường trong lúc khó khăn, các DN luôn bám sát thị trường, sản xuất chỉ đủ nguồn cung để tránh dâng tồn kho. Do đó lượng thép xây dựng tồn ở các DN tính tới 31/8/2013 là 325.034 tấn, đây là mức tồn kho bình thường và đủ gối đầu cho thị trường thép trong tháng tới. Ngoài ra, lượng phôi thép tồn tại các DN, kể cả sản xuất và nhập khẩu trong tháng 8/2013, tương đương 520.000 tấn. Lý giải về lượng tồn kho, VSA cho rằng, con số này cũng hoàn toàn đáp ứng đủ nhu cầu phôi cho các nhà máy cán thép trong nước.
Điều khó khăn lớn nhất trong thời gian này là các DN trong nước còn phải đối mặt với hàng nhập khẩu. Theo thống kế của Tổng cục Hải Quan, tính đến ngày 15/8/2013, tổng lượng thép và nguyên liệu sản phẩm thép nhập khẩu vào Việt Nam lên tới hơn 8 triệu tấn; kim ngạch nhập khẩu đạt hơn 5,1 tỷ USD, trong đó, phôi thép là 275.597 tấn, bằng 81% so với cùng kỳ năm 2012; thép tấm lá đen là 3.046.241 tấn, bằng 108% so với cùng kỳ; thép cuộn 104.944 tấn, bằng 85% so với cùng kỳ; thép phế 2.052.963 tấn, bằng 100% so với cùng kỳ năm 2012.
Đối với thép cuộn nhập khẩu năm nay tuy có giảm nhưng không đáng kể, trong khi lượng thép cuộn hợp kim chứa nguyên tố Bo lại tăng mạnh.
Về xuất khẩu, tổng lượng thép xuất khẩu của Việt Nam tính từ ngày 1/1/2013 đến 31/7/2013 đạt hơn 1,656 triệu tấn, kim ngạch nhập khẩu đạt hơn 1,434 tỷ USD.
Trong lúc tiêu thụ cầm chừng thì giá nguyên liệu đầu vào cho sản xuất thép tiếp tục có xu hướng tăng nhưng giá bán thép lại giảm liên tục nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả sản xuất kinh doanh của DN. Đặc biệt, giá thép tại khu vực phía Bắc đã liên tục, điều này liên quan tới việc các DN đã có sự cạnh tranh quyết liệt, thậm chí có cả cạnh tranh không lành mạnh để mở rộng thị phần của mình.
Ngày 22/8, Hiệp hội Thép Việt Nam đã tổ chức cuộc họp với các nhà sản xuất thép phía Bắc để thống nhất từng bước khắc phục khó khăn ở nhiều đơn vị sản xuất. Tuy nhiên, sau đó một số DN đã không thực hiện nghiêm túc các giải pháp mà cuộc họp đã thống nhất đưa ra, gây bất ổn cho thị trường.
VSA cảnh báo, nếu các DN sản xuất kinh doanh thép không nghiêm túc thực hiện các giải pháp thì khó khăn của thị trường thép có khả năng kéo dài. Và trong 2 tháng tới khi thêm một nhà máy sản xuất ống thép có công suất 30.000- 40.000 tấn/năm đi vào sản xuất thì sức ép cạnh tranh sẽ càng gay gắt hơn, do đó các DN phải tự ý thức thực hiện các biện pháp đã thống nhất, tránh tình trạng lấn sân không lành mạnh, dẫn tới “gậy ông đập lưng ông”.
Nguồn tin: Công thương