Bộ Công Thương cho phép nâng vốn dự án thép Guang Lian Dung Quất lên 4,5 tỷ USD, đưa công suất lên 7 triệu tấn một năm. Lập tức, Hiệp hội Thép Việt Nam bày tỏ lo ngại về tính khả thi của dự án này.
Mới đây, Hiệp hội Thép Việt Nam đã gửi văn bản lên Chính phủ phản ứng với việc điều chỉnh quy mô sản xuất lẫn vốn đầu tư của dự án đầu tư nhà máy liên hợp thép tại Khu kinh tế Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi.
Thống kê của Bộ Công Thương, hiện có nhiều dự án thép quy mô lớn bị chậm từ hai đến ba năm so với tiến độ đăng ký ban đầu. Trong đó có một số dự án của Tổng công ty thép Việt Nam (VSC) như dự án thép Thái Nguyên giai đoạn 2 chậm đến 3 năm kể từ ngày khởi công; Nhà máy liên hợp thép Lào Cai chậm 2 năm so với giấy phép đầu tư. Dự án thép liên hợp Hà Tĩnh của Tổng Công ty thép Việt Nam liên doanh với tập đoàn thép TATA (Ấn Độ), công suất 4,5 triệu tấn một năm cũng bị chậm. Dự án nhà máy liên hợp thép Dung Quất (Quảng Ngãi) động thổ từ tháng 10/2007 công suất 5 triệu tấn sản phẩm một năm nhưng gần ba năm qua vẫn ì ạch, mới thi công xử lý nền móng. |
Hiệp hội Thép đề nghị Bộ Công thương và tỉnh Quảng Ngãi “điều tra kỹ lưỡng năng lực tài chính thực tế của chủ đầu tư, trước khi quyết định điều chỉnh dự án”. Hiệp hội cho rằng, việc điều chỉnh công suất dự án thép Guang Lian, tăng vốn đầu tư là điều không dễ dàng, trong khi thực tế dự án triển khai lại quá chậm.
Phó chủ tịch Hiệp hội thép Việt Nam Nguyễn Tiến Nghi nói với VnExpress.net: “Ngoài các nguyên nhân thiếu vốn, vướng mặt bằng, một nguyên nhân sâu xa khác dẫn đến việc các dự án thép quy mô lớn bị chậm tiến độ chính là các địa phương chạy theo thành tích thu hút vốn đầu tư, không thẩm tra, đánh giá đúng năng lực tài chính, kinh nghiệm chuyên môn thực sự của chủ đầu tư trước khi cấp phép”.
Đại diện Công ty TNHH Guang Lian Dung Quất, chủ đầu tư dự án thép này, cũng thừa nhận đã chậm trong việc triển khai dự án. Nguyên nhân là ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008 khiến tiến độ mua thiết bị máy móc chậm kéo dài. Ngoài ra những vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng khiến cho ngày khởi công giai đoạn 1 buộc phải dừng lại trong thời gian dài.
"Đến tháng 3 năm nay, một số vướng mắc về thủ tục và thu xếp vốn đã được tháo gỡ, dự án thép Guang Lian Dung Quất khởi động trở lại”, đại diện chủ đầu tư nói.
Trong khi đó, lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi mặc dù chia sẻ với lo lắng của Hiệp hội thép, song cho rằng nếu không đáp ứng đề nghị của chủ đầu tư dự án thép Dung Quất sẽ ảnh hưởng đến thu hút đầu tư nước ngoài trên địa bàn.
Trao đổi với VnExpress.net về vấn đề này, ông Lê Quang Thích, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi nhấn mạnh: “Chúng tôi hoàn toàn thông cảm trước sự lo lắng của Hiệp hội thép Việt Nam". Tuy nhiên, theo ông Thích, tỉnh nhận thấy ngoài nhà máy gang thép Thái Nguyên sản xuất từ quặng, còn các nhà máy thép khác trong nước thì đều nhập phôi hoặc thép phế. Hiện tại, Việt Nam vẫn chưa có ngành thép sản xuất từ khâu luyện quặng đến sản xuất thép kỹ thuật. Do vậy, việc xây dựng nhà máy luyện cán thép quy mô lớn như Guang Lian là phù hợp với chiến lược phát triển ngành công nghiệp thép Việt Nam.
Dự án nhà máy thép Guang Lian Dung Quất khởi động trở lại với hạng mục đóng cọc nhồi xử lý nền móng trước khi xây dựng. Ảnh: Trí Tín
Ông Thích cũng cho biết, tỉnh Quảng Ngãi hoàn toàn tin tưởng năng lực tài chính cũng như kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất thép của Tập đoàn E-United và Tycoons. Hiện tại, nhiều nhà máy chế tạo thiết bị của chủ đầu tư ở nước ngoài có nhu cầu cung ứng sản phẩm thép rất lớn. Do đó hàng từ nhà máy thép Guang Lian Dung Quất một phần cung ứng cho thị trường Việt Nam, còn lại chủ yếu xuất khẩu ra nước ngoài chứ không lo “bội thực” nội địa.
Với quan điểm này, hôm qua, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã gửi giải trình bổ sung điều chỉnh dự án thép báo cáo đến Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải. Lãnh đạo tỉnh cho biết, vào cuối những năm 1990, Tổ chức JICA (thực chất là các chuyên gia của Tập đoàn thép Nippon Stell - Nhật Bản) đã đến nghiên cứu hai địa điểm là: Dung Quất và Vũng Áng cho dự án tổ hợp luyện cán thép đầu tiên của Việt Nam. Mãi đến cuối năm 2004, tỉnh Quảng Ngãi đã tiếp cận với Tập đoàn E-United và Công ty Tycoons (Đài Loan) để kêu gọi đầu tư dự án nhà máy thép tại Dung Quất. Sau đó chỉ có Tycoons đồng ý nghiên cứu.
Cuối năm 2006, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án này với tổng vốn hơn một tỷ USD, công suất 5 triệu tấn sản phẩm một năm. Tuy nhiên do hạn chế về khả năng huy động nguồn vốn lớn, lại thiếu kinh nghiệm về xây dựng nhà máy thép quy mô lớn, Tycoons mời Tập đoàn E-United tham gia với tỷ lệ góp vốn lên đến 90%. Dự án thép Dung Quất được đổi tên là Guang Lian Dung Quất.
Dự án động thổ từ cuối tháng 7/2007. Tính đến cuối tháng 7, chủ đầu tư đã ký hợp đồng cung cấp thiết bị, đàm phán nhà thầu thi công các gói thầu chính, đàm phán về nhập quặng sắt. Dự kiến trong hai tháng tới sẽ thi công cảng và lò cao (hạng mục chính của nhà máy thép)...
Nguồn: Vnexpress