Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Tránh tạo tiền lệ xấu

Hiệp hội Thép Việt Nam đang kiến nghị Bộ Công Thương không cho phép xuất khẩu quặng sắt nhằm tránh tạo tiền lệ xấu

 Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) hôm 26-9 đã gửi văn bản tới Bộ trưởng Bộ Công Thương kiến nghị không cho phép xuất khẩu 100.000 tấn quặng sắt mà Công ty cổ phần Khoáng sản Thăng Long khai thác được.

 Nhiều nhà sản xuất thép lớn ở phía Bắc cũng đồng loạt có kiến nghị tương tự. Tại sao VSA và các doanh nghiệp phản ứng như vậy?

 

Đàm phán không xong thì xin xuất khẩu

 

Xuất phát điểm của câu chuyện này là từ một văn bản hỏa tốc của Bộ Công Thương hôm 23-9, do Phó vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng Ngô Văn Trụ ký, gửi tới VSA và bốn nhà sản xuất thép lớn nhất miền Bắc gồm Tổng công ty Thép Việt Nam, Công ty TNHH Vạn Lợi, tập đoàn Hòa Phát và Công ty cổ phần Thép Đình Vũ.

 

Trong văn bản này, Bộ Công Thương cho biết Công ty Thăng Long có xin phép bộ cho xuất khẩu 100.000 tấn tinh quặng sắt (là nguyên liệu để sản xuất phôi thép mà Việt Nam đang nhập khẩu tới 50% nhu cầu hàng năm). Chủ trương của bộ là vừa giải quyết ách tắc trong việc tiêu thụ quặng cho các doanh nghiệp khai thác vừa hạn chế việc xuất khẩu như chỉ đạo của Chính phủ, vì vậy bộ yêu cầu các doanh nghiệp trong nước ngồi lại với nhau để thỏa thuận về việc mua bán và báo cáo bằng văn bản về bộ trước ngày 29-9.

 

Sau đó một vài ngày, các nhà sản xuất phôi lớn như Vạn Lợi, Hòa Phát, Đình Vũ đều gửi văn bản đồng ý mua hết số quặng trên để chuẩn bị khởi động các dự án lò cao trong quí tới.Tuy nhiên, vấn đề rắc rối xảy ra là việc đàm phán giá mua - bán.

 

Theo Công ty Thăng Long, nguyên tắc đàm phán giá bán tinh quặng là trên mặt bằng giá quốc tế tại thời điểm mua, bán sau khi trừ đi các khoản phí vận chuyển, thuế xuất khẩu. Nhưng công ty cũng cho biết thêm là vào trung tuần tháng 9, khách hàng nước ngoài đã chào giá mua tinh quặng giao tại cảng Phòng Thành (Trung Quốc) là 120 đô la Mỹ/tấn (xấp xỉ gần 2 triệu đồng). Nếu không đàm phán được giá bán, doanh nghiệp sẽ xin phép Bộ Công Thương cho xuất khẩu để thu hồi vốn và tái đầu tư sản xuất.

 

Cách đặt vấn đề của Công ty Thăng Long đã khiến các doanh nghiệp bên mua bức xúc. Theo ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch VSA, cái giá mà Công ty Thăng Long chào các doanh nghiệp trong nước là 1.990.000 đồng/tấn là  giá “trên trời”. Đó là mức giá của những tháng đầu năm, khi mà giá quặng thế giới đột ngột lên cao, nay mức giá này chỉ còn một nửa.

 

Ông Cường gợi ý lấy giá bán quặng sắt mà Tổng công ty Thép Việt Nam khai thác ở mỏ Quý Xa và Thái Nguyên, là những nơi được phép xuất khẩu, làm giá tham chiếu. “Bốn hợp đồng xuất khẩu sang Vân Nam, Trung Quốc có giá bán tại nơi giao hàng cao nhất chưa đến 1,1 triệu đồng/tấn và thấp nhất là 700.000-800.000 đồng/tấn”, ông Cường nói, “nhưng hiện nay phía Trung Quốc cũng đã ngưng mua vì gặp khó trong khâu tiêu thụ sau khi các công trình xây dựng Olympics Bắc Kinh đã hoàn tất”.

 

Như vậy khả năng đàm phán giá không xong là rất lớn và xuất khẩu là mục tiêu mà Công ty Thăng Long đang nhắm tới.

 

Không nên tạo tiền lệ xấu

 

 Chủ trương của Chính phủ là hạn chế đến mức thấp nhất việc xuất khẩu khoáng sản thô để ưu tiên cho sản xuất trong nước. “Chính phủ yêu cầu ngành thép trong nước phải đầu tư công nghệ hiện đại, chế biến sâu. Các nhà sản xuất đang đi theo xu hướng này, mỗi năm họ cần hàng triệu tấn quặng trong khi nguồn quặng trong nước không lớn. Nếu cho phép xuất khẩu trong trường hợp này sẽ tạo tiền lệ cho các nhà khai thác khác gây khó cho các nhà sản xuất trong nước”.

 

Ông cũng nói thêm là điểm mỏ mà Công ty Thăng Long khai thác nằm trên địa bàn có tên trong danh mục quy hoạch phục vụ hoạt động chế biến sâu trong nước, không cho xuất khẩu theo Thông tư 08 về hướng dẫn xuất khẩu khoáng sản (ban hành tháng 6-2008) của Bộ Công Thương.

 

Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang, người ký vào Thông tư 08, có giải thích với báo giới hôm 2-10 rằng, Thông tư 08 là văn bản định hướng lâu dài cho quy định về xuất khẩu khoáng sản: “Nguồn quặng dứt khoát là ưu tiên cho ngành sản xuất thép trong nước”, ông Quang nói.

 

Mới đây, trong chuyến thăm và làm việc tại Lào Cai, Thủ tướng cũng chỉ đạo không cho xuất khẩu nguồn khoáng sản này. Tuy nhiên, Thứ trưởng Quang cũng giải thích, việc cho phép xuất khẩu (nếu có) là việc chẳng đặng đừng. “Không lo về chuyện tạo ra tiền lệ xấu trong việc khai thác chỉ để xuất khẩu”, theo ông Quang, Bộ Công Thương cũng chỉ muốn gỡ khó cho doanh nghiệp khai thác trong thời điểm hiện tại, khi nguồn cung đang vượt cầu.

 

Không đồng tình với quan điểm trên của lãnh đạo Bộ Công Thương, ông Cường nói: “Đã đặt ra quy định không cho xuất khẩu thì phải thực hiện, nhất là khi các doanh nghiệp trong nước đều đồng ý mua. Nếu không kiên quyết từ vụ việc đầu thì rất khó áp dụng quy định với các vụ việc sau”.


CafeF

ĐỌC THÊM