Thị trường thép trong nước vẫn đang có nhiều triển vọng và tiềm năng phát triển.
Tính đến hết tháng 30/4/2018, Việt Nam xuất khẩu thép thành phẩm đạt gần 1,91 triệu tấn, với kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 1,4 tỷ USD, tăng 43% về lượng và tăng 61% về giá trị. Theo đó, ASEAN vẫn là thị trường xuất khẩu chính, với lượng xuất khẩu gần 1,1 triệu tấn thép, chiếm tới hơn 57% tổng lượng thép thành phẩm xuất khẩu. Tiếp đến là các thị trường Hoa Kỳ (15,2%), EU (10%), Hàn Quốc (4,1%), Đài Loan-Trung Quốc (3,3%).
Dự báo, tăng trưởng ngành thép năm 2018 sẽ đạt khoảng 20-22%, trong đó, thép xây dựng tăng trưởng 10%, thép cuộn cán nguội tăng 5%, thép ống hàn tăng 15% và sản xuất tôn mạ và sơn phủ màu tăng 12%. Giải thích cho triển vọng tươi sáng ngành thép năm 2018, Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết Chính phủ đưa ra mục tiêu tăng trưởng 6,5-6,7%. Nhiều dự án hạ tầng, xây dựng, bất động sản sẽ được triển khai trong năm nay do vậy nhu cầu sắt thép tiếp tục tăng.
Theo ông Hồ Nghĩa Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho rằng, để đảm bảo tăng trưởng xuất khẩu của ngành thép, trước hết, các doanh nghiệp phải tuân thủ theo luật pháp và những yêu cầu về nguồn gốc xuất xứ. Việt Nam cũng đã đầu tư với quy mô lớn, hiện đại ở khâu đầu và cuối để sản xuất ra sản phẩm tôn thép để nâng cao năng lực cạnh tranh. Bên cạnh đó, nhà nước cần có những chính sách, biện pháp kiểm soát chặt nguồn thép nhập khẩu để bảo vệ các doanh nghiệp trong nước…
“Doanh nghiệp phải chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm thép của mình, như về chất lượng, giá thành… để mở rộng thị trường xuất khẩu; phải nâng cao nhận thức, hiểu biết về luật lệ thương mại quốc tế, phòng vệ thương mại để hạn chế những thiệt hại không đáng có”, ông Dũng nhấn mạnh.
Về phía doanh nghiệp, đại diện Thép Hòa Phát cho biết 6 tháng đầu năm 2018, thép xây dựng Hòa Phát đạt sản lượng 1.096.000 tấn, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Đây là kết quả khả quan khi suốt hai tháng qua Tập đoàn này dừng lò cao số 2 để bảo dưỡng, thay thế thiết bị. Hòa Phát chiếm khoảng 23% thị phần thép.
Vị đại diện này cũng thông tin, Việt Nam vẫn là thị trường tiêu thụ chính do nhu cầu xây dựng dân dụng từ đầu năm đến nay tăng cao. Bên cạnh đó, mặt hàng thép cuộn rút dây chất lượng cao với các mác thép như SAE1008, SAE1015, SWRM17 đã liên tiếp nhận được đơn đặt hàng ở trong và ngoài nước với khối lượng ngày càng lớn. Kết quả là sau 6 tháng, tổng cộng đã có 116.000 tấn thép cuộn rút dây của Hòa Phát được tiêu thụ, trong đó có 58.000 tấn xuất khẩu đi các thị trường Úc, Nhật Bản, Malaysia, Philipines, chiếm hơn nửa sản lượng xuất khẩu của thép Hòa Phát ra thị trường quốc tế.
Ngoài thép cuộn rút dây, thép Hòa Phát xuất khẩu thép thanh, thép cuộn cho xây dựng đi các nước khác và bước đầu xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc. Tại Đông Nam Á, Campuchia, Lào, Malaysia, Philipines là những nước đặt hàng thép Hòa Phát nhiều nhất và còn nhiều tiềm năng. Đối với thị trường Mỹ, từ đầu năm đến nay, tập đoàn này đã xuất khẩu 15.000 tấn và trong tháng 7/2018, Tập đoàn sẽ xuất thêm lô hàng 10.000 tấn sang thị trường này.
Nguồn tin: Diễn đàn doanh nghiệp