Ngân hàng Thế giới dự báo giá kẽm trong năm nay sẽ tăng 32% trong khi giá đồng và chì đồng loạt tăng 18%.
Với triển vọng nền kinh tế thế giới đang dần cải thiện, thị trường kim loại được dự báo sẽ tăng giá theo, đặc biệt là trong quý II năm nay. Mối quan hệ tích cự giữa tăng trưởng kinh tế và nhu cầu tiêu thụ kim loại đang dần được hình thành.
Từ mức dưới 3% năm 2016, tăng trưởng GDP toàn cầu trong năm nay được kỳ vọng đạt 3,3% và đến năm 2018 đạt 3,6%.
Một số chuyên gia phân tích nhận định tăng trưởng quý I thường ở mức đáy. Tuy nhiên, sau quý I thị trường bắt đầu khởi sắc.
Tuy nhiên, trong quý I năm nay, giá kim loại tăng vọt 10% do nhu cầu kim loại tăng mạnh, đặc biệt là ở Trung Quốc do nước này đang đẩy mạnh đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Đáng chú ý hơn, giá quặng sắt nhảy vọt tới 20% do nhu cầu thép tăng.
Trong 6 tháng tới, với kỳ vọng sức khỏe nền kinh tế sẽ còn cải thiện hơn nữa, thị trường kim loại được dự báo sẽ càng thắt chặt hơn kéo theo giá được đẩy lên cao.
Trong một bản báo cáo, Ngân hàng Thế giới nhận định "Giá kim loại được dự báo sẽ tăng 16% năm 2017 do thị trường bị thắt chặt".
Những yếu tố rủi ro
Bên cạnh những yếu tố tích cực, triển vọng giá kim loại vẫn còn tồn đọng một số rủi ro như lãi suất tăng, kết quả các cuộc bầu cử ở châu Âu, ảnh hưởng đồng euro hay biến động giá dầu.
Trong bối cảnh thị trường kỳ vọng Fed tăng lãi suất trong tháng Sáu sẽ kéo đồng USD sẽ tăng mạnh, giá kim loại sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ.
Các tuyên bố của tổng thống Mỹ Donald Trump về các chính sách mới bao gồm cắt giảm thuế doanh nghiệp, tăng cường chi tiêu cơ sở hạ tầng,... được các nhà đầu tư theo dõi sát sao. Trong 6 tháng tới, những động thái từ chính sách của ông Trump chắc chắn sẽ gây nhiều biến động trên thị trường kim loại.
Cùng lúc đó, Trung Quốc là một trong những quốc gia có tầm ảnh hưởng nhiều nhất tới thị trường kim loại. Kho kim loại của Trung Quốc đang giảm do các chính sách thắt chặt tín dụng. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia dự báo trong 6 tháng còn lại của năm 2017, các chính sách tín dụng sẽ được nới lỏng, kéo theo đó trữ lượng kim loại của Trung Quốc sẽ tăng trở lại.
Trong khi thị trường toàn cầu lạc quan về nhu cầu kim loại thì trái lại cái nhìn về nguồn cung lại hoàn toàn khác do giá kim loại đặc biệt nhạy cảm với nguy cơ nguồn cung bị đứt gãy.
Kẽm, chì, đồng là 3 kim loại được dự báo là sẽ tăng mạnh trong năm nay, đặc biệt là đối với kẽm do nguồn cung của kim loại này bị hạn chế sau khi hàng loạt mỏ khai thác bị đóng cửa. Tương tự với đồng, các trận mưa lũ khiến nguồn cung ở các mỏ khai thác cũng bị gián đoạn.
Ngân hàng Thế giới dự báo giá kẽm trong năm nay sẽ tăng 32% trong khi giá đồng và chì đồng loạt tăng 18%.
Trong năm 2016, sản lượng thép trên toàn thế giới tăng 0,8% tương đương 1.628 triệu tấn trong đó Trung Quốc chiếm 50% tương đương 808 triệu tấn. Trong khi nhu cầu thép trên thế giới giai đoạn 2017-2018 sẽ tăng từ từ, chủ yếu đến từ các thị trường mới nổi thì nhu cầu thép của Trung Quốc đã chiếm tới 45%. Vì vậy, bất cứ thay đổi nào trong chính sách thép ở khu vực châu Á đều có tác động to lớn đến giá và lượng tiêu thụ mặt hàng kim loại này.
Nguồn tin: NDH