Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Triển vọng kinh tế châu Âu ngày càng ảm đạm

Phần lớn các nhà kinh tế đều bày tỏ sự không lạc quan về số liệu tăng trưởng GDP khu vực châu Âu sẽ được công bố trong 2 ngày tới.

Dựa vào tình hình hiện tại, chuyên gia kinh tế Philip Shaw của Investec nhận định nền kinh tế khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) sẽ giảm phát 0,4% trong quý 4/2011.

Các dự đoán khác của giới kinh tế thậm chí còn tỏ ra bi quan hơn khi cho rằng kinh tế Eurozone sẽ giảm phát sâu hơn do tác động từ khủng hoảng nợ công, nguy cơ vỡ nợ của Hy Lạp và tăng trưởng toàn cầu chao đảo.

Căn cứ vào các kết quả điều tra về tình hình kinh doanh yếu, ông Chris Williamson, chuyên gia phân tích của Markit cho biết, GDP khu vực này có thể giảm 0,6% trong quý cuối năm 2011.

Trước khi số liệu GDP được công bố 1 ngày, châu Âu sẽ đưa ra số liệu về sản xuất công nghiệp nhưng dự kiến, tình hình cũng không mấy sáng sủa.

Trước đó, Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) đã thống nhất mở rộng chương trình nới lỏng định lượng (QE) bằng cách bơm thêm 50 tỷ bảng, nâng tổng giá trị của gói kích thích kinh tế lên 325 tỷ bảng nhằm kích thích kinh tế.

Chương trình này được BOE triển khai từ năm 2009 chủ yếu thông qua việc mua trái phiếu chính phủ, giải phóng tiền mặt nhằm tăng cường cho vay.

Ở một khía cạnh khác, ông Shaw cho rằng, thị trường có thể đón nhận một tin mừng hiếm hoi là khảo sát niềm tin kinh doanh Đức tháng 2 có thể sẽ tăng 1,6 điểm so với tháng trước đó.

Giới phân tích thì nhận định, niềm tin tiêu dùng Đức không phải là yếu tố then chốt, quyết định đến tăng trưởng của cả khu vực châu Âu. Bởi vậy, nhìn chung châu Âu vẫn sẽ khó khăn, ít nhất là trong 2012. Đặc biệt là khi tăng trưởng của các nền kinh tế hàng đầu thế giới không mấy lạc quan sẽ khiến cho quá trình phục hồi của châu Âu diễn ra chậm hơn kì vọng.

HSBC dự báo, sản xuất công nghiệp Mỹ sẽ chỉ tăng 0,7% trong khi doanh số bán lẻ tháng 1 của quốc gia này tăng nhẹ 0,5%.

Còn Văn phòng Nội các Nhật Bản ngày hôm nay (13/2) vừa công bố báo cáo cho biết GDP quý 4/2011 giảm 2,3% so với một năm trước đó, mức suy giảm lớn nhất kể từ khi thảm họa động đất, sóng thần diễn ra hồi đầu năm 2011.

Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo cũng cho biết có thể sớm nới lỏng các chính sách tài chính ngay trong quý 1 này nhằm kích thích nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ hơn sau khi số liệu xuất nhập khẩu đáng thất vọng của tháng đầu năm 2012 được công bố.

Nguồn tin: DVT

ĐỌC THÊM