Năm 2011 là giai đoạn khó khăn của ngành thép trong nước khi chi phí nguyên vật liệu ở mức cao, sự giảm giá của đồng nội tệ và chi phí lãi vay tăng cao.
Thêm vào đó, chính sách tài khóa và tiền tệ thắt chặt đã dẫn tới sự sụt giảm của ngành xây dựng công nghiệp và dân dụng - vốn chiếm khoảng 34% tổng nhu cầu của ngành thép. Lượng tiêu thụ thép trong nước năm 2011 ước tính giảm khoảng 8% so với năm trước.
Tuy nhiên, yếu tố thuận lợi là ngành thép trong nước đang được đầu tư phát triển theo chiều sâu. Thép đã, đang và sẽ là nguyên liệu cơ bản cho sự phát triển kinh tế. Đặc biệt, tỷ lệ tiêu thụ thép bình quân của Việt Nam vẫn ở mức rất thấp, 128 kg thép/người năm 2010 so với mức bình quân 193 kg của thế giới và 275 kg của khu vực ASEAN.
Vì vậy, chúng tôi vẫn lạc quan về triển vọng dài hạn cho ngành thép trong nước, mặc dù những thách thức về nhu cầu thấp và chi phí sản xuất cao mà các công ty thép nội địa phải đối mặt có thể tiếp tục trong năm 2012.
Những yếu tố ảnh hưởng đến giá thép thế giới
Trung Quốc là quốc gia tiêu thụ thép lớn nhất trên thế giới. Trong 11 tháng đầu năm 2011, Trung Quốc chiếm 46% tổng sản lượng thép thế giới và dự báo sẽ tăng 58% đến năm 2015.
Những lo ngại về sự chậm lại của kinh tế Trung Quốc, vấn đề nợ công của thị trường châu Âu và sự hồi phục chưa bền vững của thị trường Mỹ có thể sẽ có những tác động tiêu cực lên giá thép.
Chính sách tiền tệ thắt chặt của Chính phủ Trung Quốc để kiềm chế lạm phát đã bắt đầu có ảnh hưởng từ đầu năm 2011. Thị trường nhà đất và sản xuất, hai đối tượng khách hàng chính của ngành thép cắt giảm hoạt động. Số liệu thống kê hàng tháng về chỉ số quản lý thu mua (PMI) và bất động sản Trung Quốc đã sụt giảm kể từ đầu năm 2011. PMI xuống mức thấp nhất trong 32 tháng vào tháng 10 vừa qua ở mức 50,4, giảm gần 50% so với mức đỉnh. Trong dài hạn, kế hoạch 5 năm lần thứ 12 của Trung Quốc (2011 - 2015) dự báo tỷ lệ tăng trưởng gộp hàng năm của ngành thép sẽ đạt từ 5 - 6%/năm so với mức tăng trưởng 10% của kế hoạch 5 năm lần trước (2006 - 2010).
Theo chúng tôi, giá thép thế giới trong năm 2012 khó có khả năng tăng mạnh với nhu cầu yếu từ các nền kinh tế chủ chốt. Trong trường hợp xấu nhất, giá thép bình quân trong năm 2012 có thể sẽ sụt giảm, nếu như vấn đề nợ công của châu Âu chưa được giải quyết và bong bóng bất động sản của Trung Quốc “vỡ”. Theo giả định cơ sở, chúng tôi ước tính, giá thép thế giới năm 2012 sẽ dao động trong khoảng từ giảm 15% đến tăng trưởng 5%.
Triển vọng ngành thép trong nước
Trong năm 2011, chính sách thặt chặt tín dụng đã ảnh hưởng mạnh đến nhu cầu sử dụng thép. Tỷ lệ tăng trưởng tín dụng trong năm 2011 ước tính đạt 12%, tương ứng 75% so với kế hoạch đầu năm là 15 - 17%. Mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm 2012 tiếp tục được đặt ra ở mức 15 - 17%, nhưng ưu tiên hàng đầu của Chính phủ vẫn là kiềm chế lạm phát. Chúng tôi cho rằng, ngành thép cũng như hoạt động xây dựng sẽ tiếp tục chịu tác động từ những chính sách thắt chặt này trong năm 2012 (xem đồ thị).
Trong năm 2011, Nghị quyết 11 và Chỉ thị 01 của Chính phủ và NHNN đưa ra nhằm cắt giảm đầu tư công và hạn chế hoạt động cho vay phi sản xuất của các ngân hàng đã tạo ra những áp lực không nhỏ đối với nhu cầu thép xây dựng. Nhu cầu thấp khiến hiệu suất hoạt động của nhiều nhà máy chỉ còn khoảng 40 - 45% công suất thiết kế, làm tăng chi phí cố định trên mỗi đơn vị sản phẩm. Ngoài ra, sự giảm giá của VND cũng tác động mạnh đến lợi nhuận, khi phần lớn khoản nợ của các công ty thép được tài trợ bằng ngoại tệ. Chi phí sử dụng vốn vay và các yếu tố đầu vào như nguyên vật liệu, điện, lương nhân công... tăng, cũng góp phần đẩy giá thành sản phẩm lên cao.
Chúng tôi cho rằng, trong ngắn hạn, giá thép trong nước sẽ không giảm đáng kể ngay khi giá nguyên vật liệu đang giảm, vì những công ty sản xuất thép vẫn đang gánh chịu lượng hàng tồn kho giá cao và chi phí vốn chưa giảm. Nếu xu hướng giảm của giá nguyên vật liệu tiếp tục trong năm 2012, các nhà sản xuất sẽ có thể giảm giá bán khi lượng hàng tồn kho giá cao đã được giải phóng bớt. Như vậy, giá thép trong nước sẽ dao động trong khoảng 14,5 - 17 triệu đồng/tấn.
Trong dài hạn, quá trình công nghiệp hoá, đô thị hoá và phát triển cơ sở hạ tầng tiếp tục là yếu tố thúc đẩy nhu cầu sử dụng thép. Tốc độ đô thị hoá trung bình hàng năm của Việt Nam trong 10 năm qua vào khoảng 3,4%; tỷ lệ ước tính trong 10 năm tới vào khoảng 3%. Theo kế hoạch, tỷ lệ đô thị hoá có thể đạt 50% vào năm 2025.
Nguồn tin: ĐTCK-online