Sự phục hồi sau khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã vấp phải những thất bại kể từ giữa 2010 và triển vọng cho sự tăng trưởng vào 2011 không mấy khả quan.
Báo cáo thường niên của Liên Hợp Quốc (LHQ) với tựa đề “Tình hình và triển vọng kinh tế thế giới năm 2011 (WESP)” công bố ngày 1/12 đã cho thấy tỷ lệ thất nghiệp cao, thắt chặt tài khóa và nguy cơ cuộc chiến tranh tiền tệ toàn cầu vẫn còn là những mối đe dọa chính cho sự hồi phục chung. Báo cáo đầy đủ sẽ phát hành vào năm 2011.
Theo dự tính của LHQ, tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ vào khoảng 3,1% vào 2011 và 3,5% năm 2012 -thấp hơn so mức cần thiết để phục hồi lại số việc làm bị mất trong suốt cuộc khủng hoảng.
Rob Vos, Giám đốc phát triển chính sách và phân tích thuộc Cơ quan phụ trách các vấn đề kinh tế-xã hội của Liên hợp quốc (DESA) cho biết, “chúng ta sẽ vẫn chưa thể thoát ra khỏi khủng hoảng và sẽ phải đối mặt với những rủi ro lớn hơn”.
Những căng thẳng gần đây trong tiền tệ và giao thương, USD suy yếu và biến động tỉ giá, tất cả đều góp phần vào việc khẳng định dự báo cho năm 2011 và 2012. “Chúng tôi thấy trước nhiều rủi ro trong hai năm tới”, ông Vos cho hay.
Các quốc gia đã bắt đầu ban hành những biện pháp tiền tệ tự vệ để giữ dòng vốn cho nền kinh tế. Và theo ông Vos, sẽ còn tiếp tục có những chính sách khác được đưa ra
Khi các nền kinh tế lớn châu Âu, Nhật Bản và Mỹ còn tiếp tục theo đuổi những chính sách tiền tệ riêng rẽ thì tình hình hỗn loạn và bất ổn trong thị trường tài chính toàn cầu vẫn còn tồn tại.
Trong khi đó, báo cáo WESP cũng nhấn mạnh, tình trạng thất nghiệp cao trên toàn thế giới chính là “gót chân Achilles của sự phục hồi”.
Nền kinh tế thế giới sẽ cần phải tạo ra khoảng 22 triệu việc làm mới để đạt được sự ngang bằng so với thời điểm trước khi khủng hoảng, giám đốc DESA nói.
Theo ông, để tránh tình trạng kéo dài trì trệ của quá trình phục hồi cũng như một cuộc suy thoái kép, các nhà lãnh đạo thế giới sẽ cần phải đương đầu với những thách thức lớn trong việc ra chính sách.
WESP phác thảo 5 thách thức lớn cho các nhà hoạch định chính sách, bao gồm: cung cấp thêm các gói kích thích tài chính, tính toán lại những chính sách hướng tới tăng trưởng việc làm, tim ra sự phối hợp tốt hơn giữa chính sách tiền tệ và tài khóa, đảm bảo sự sẵn sang cho phát triển tài chính và sự phối hợp các chính sách giữa các nền kinh tế lớn.
Đó là những thách thức rất lớn, nhất là trong bối cảnh người ta lo ngại các gói kích thích kinh tế bổ sung được tung ra thì sẽ gia tăng thâm hụt quốc gia.
Tuy nhiên, theo ông Vos, “điều mà chúng tôi lo lắng nhất hiên nay là nếu không có thêm kích thích thì sự phục hồi kinh tế vẫn còn tiếp tục trì trệ”.
Nguồn: Tân Hoa Xã