Dù tình trạng thừa thép ở Trung Quốc đã được khắc phục nhưng sản lượng vẫn ở mức cao khi nhu cầu yếu. Trong khi đó, doanh nghiệp Việt Nam đang kiến nghị siết chặt nhập khẩu thép từ nước này trong năm 2019.
Triển vọng khó lường thép Trung Quốc
Theo trang Tân Hoa Xã, các nhà sản xuất thép Trung Quốc được hưởng lợi nhuận trong 11 tháng đầu năm 2018 do tình trạng dư cung được khắc phục hiệu quả.
Dữ liệu từ Hiệp hội Quặng sắt và Thép Trung Quốc cho thấy lợi nhuận gộp của các công ty thành viên tăng 63,5% trong 11 tháng năm 2018 lên 41,5 tỉ USD.
Tính đến cuối tháng 11, tỉ lệ nợ trên vốn chủ giảm 3,4 điểm phần trăm so với cùng kì năm ngoái xuống còn 65,7%. Trong đó, khoảng một nửa doanh nghiệp có tỉ lệ nợ trên vốn chủ dưới 60%.
Lợi nhuận của các công thép Trung Quốc được cải thiện nhờ chính phủ nước này hoàn thành mục tiêu trước kế hoạch đối với chiến dịch giảm công suất sản xuất thép khoảng 100 - 150 triệu tấn trong giai đoạn 2016 - 2020.
Tính đến cuối 2017, Trung Quốc đã giải quyết được hơn 115 triệu tấn thép thừa.
Triển vọng thép Trung Quốc khó lường, Việt Nam sẽ giảm nhập khẩu từ nước này?
“Thị trường đã được cải thiện đáng kể và tình trạng dư thừa thép đã được khắc phục hiệu quả”, ông Yu Yong, Chủ tịch Hiệp hội Quặng sắt và Thép Trung Quốc phát biểu tại một hội thảo.
Tuy nhiên, ông Yu Yong cảnh báo lợi nhuận từ các công ty vẫn chưa thực sự ổn định do chi phí sản xuất tăng cao, trong khi giá thép bắt đầu giảm bởi một số yếu tố như nhu cầu yếu, sản lượng tăng.
Reuters cho biết, việc Trung Quốc công bố dữ liệu xuất nhập khẩu tháng 12/2018 suy yếu đã gây áp lực lên giá thép.
Xuất khẩu tháng 12/2018 của Trung Quốc bất ngờ giảm 4,4% so với năm ngoái, với nhu cầu tại hầu hết thị trường chính đều yếu. Nhập khẩu cũng giảm 7,6%, đánh dấu đợt giảm lớn nhất kể từ tháng 7/2016.
Trước đó, các chuyên gia dự đoán tăng trưởng xuất khẩu sẽ giảm còn 3% với nhập khẩu tăng 5%.
Kết phiên giao dịch hôm 15/1 tại Sàn Giao dịch Tương lai Thượng Hải, giá thép xây dựng giảm 1% xuống 3.519 nhân dân tệ/tấn (tương đương 521 USD/tấn). Giá thép cuộn cán nóng giảm 0,8% xuống 3.416 nhân dân tệ/tấn.
Mặc dù vậy, cơ quan chức năng nước này mới đây tuyên bố sẽ nỗ lực để có “một khởi đầu thuận lợi” trong quý I. Điều này cho thấy dấu hiệu nước này có thể đưa ra một số biện pháp kích cầu trong ngắn hạn nhằm đối phó với tình trạng tăng trưởng kinh tế bị chững lại.
Theo đánh giá của chuyên gia Richard Lu đến từ công ty tư vấn CRU, nhu cầu thép vẫn đang yếu trong khi sản lượng ở mức cao.
Sản lượng thép năm 2018 ước đạt ngưỡng kỉ lục 923 triệu tấn và có thể giảm xuống còn 900 triệu tấn trong năm nay.
Tuy nhiên, ông Lu cho rằng còn nhiều thay đổi trong triển vọng thị trường thép do các chính sách kích thích kinh tế có thể trải qua nhiều lần thảo luận, đặc biệt là chính sách liên quan đến tăng cường đầu tư xây dựng.
Công nghiệp thép Trung Quốc vẫn đang chú ý đến “điểm sáng” trong triển vọng năm 2019 mà cụ thể ở đây là nỗ lực giảm sản lượng.
Trong ngắn hạn, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) đánh giá: “Với bắt đầu thời tiết mùa đông lạnh giá ở Trung Quốc, nhu cầu thép xây dựng dự báo giảm xuống và mức giá thực sự phụ thuộc vào việc các thương nhân có tái bổ sung kho hàng trước Tết Nguyên đán hay không”.
Việt Nam chịu áp lực từ thép Trung Quốc
Tổng Công ty Thép Việt Nam đánh giá 2018 là năm đầy khó khăn với ngành thép không khi giá thép liên tục giảm. Những khó khăn này không chỉ để từ việc nhu cầu yếu, cung vượt cầu, chi phí sản xuất cao mà còn thép Trung Quốc ồ ạt vào Việt Nam.
Theo số liệu Tổng Cục Hải quan, lượng sắt thép các loại nhập khẩu trong năm 2018 đạt hơn 13,5 triệu tấn. Trong đó, sắt thép nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm tới gần 58% tỉ trọng.
Tỉ trọng sắt thép nhập khẩu từ Trung Quốc. (Số liệu tính toán từ Tổng Cục Hải quan)
Ông Lê Việt, Tổng Giám đốc Công ty Tôn Phương Nam, cho biết sản lượng tôn mạ đạt năm 2018 đạt 5 triệu tấn trong khi nhu cầu chỉ ở mức 2 triệu tấn. Trong khi tôn mạ nhập khẩu từ Trung Quốc lớn, với giá rẻ, cạnh tranh khốc liệt với tôn Việt Nam.
Các nhà sản xuất tôn mạ do chịu áp lực bán hàng giành thị trường nên đua nhau giảm giá, đặc biệt một số nhà sản xuất khó khăn về tài chính nên bán hàng bằng mọi giá, khiến giá bán liên tục giảm kéo theo lợi nhuận giảm.
Để giải quyết những khó khăn hiện tại của ngành thép, ông Phạm Công Thảo, Phó Tổng Giám đốc, Tổng Công ty Thép Việt Nam kiến nghị Chính phủ có chính sách, giải pháp để kiểm soát và ngăn chặn việc nhập khẩu tràn lan các mặt hàng thép trong nước đã sản xuất được, ngăn chặn sự nhập khẩu ồ ạt thép giá rẻ từ Trung Quốc, gây thiệt hại cho nhà sản xuất trong nước.
Nguồn tin: Vietnambiz