Nhu cầu sắt thép dự báo sẽ tăng khi Trung Quốc triển khai các biện pháp kích thích kinh tế và cuộc xung đột Nga – Ukraine ảnh hưởng tới xuất khẩu sắt thép từ hai quốc gia này.
Giá quặng sắt châu Á đồng loạt tăng trong tuần qua, bất chấp dịch Covid-19 bùng phát ở Trung Quốc và kinh tế nước này dự báo sẽ tăng trưởng chậm lại.
Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 5 trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên (Trung Quốc) đã tăng 3 phiên liên tiếp, hồi phục mạnh mẽ sau những phiên giảm sâu trước đó. Phiên kết thúc tuần (18/3), giá đạt 835 nhân dân tệ/tấn, mức cao nhất kể từ ngày 11 tháng 3, tính chung cả tuần tăng 1%, mức tăng không lớn nhưng rất ấn tượng vì đã xóa sạch mức giảm gần 7% ở phiên 15/3. Đây là tuần giá tăng thứ 4 liên tiếp.
Trên Sàn giao dịch Singapore, hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tháng 4/2022 tuần qua cũng tăng lên 152,40 USD/tấn, trong khi quặng hàm lượng 62% nhập khẩu vào Trung Quốc (giao ngay tại cảng biển Trung Quốc) cũng đảo chiều tăng lên 146,50 USD/tấn.
Mức tăng giá sắt thép Trung Quốc năm 2022.
Thị trường quặng sắt đang biến động rất mạnh do ảnh hưởng bởi những tác nhân lớn, đều có liên quan đến Trung Quốc.
Ngay khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh trở lại ở nước này, số ca nhiễm virus lây lan nhanh chóng, nhiều địa phương phong tỏa ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, trong đó có cả những trung tâm sản xuất lớn của Trung Quốc, kết hợp với các hoạt động bị đình trệ, bao gồm cả lĩnh vực xây dựng, khiến nhu cầu thép sụt giảm, gây áp lực giảm mạnh giá quặng sắt. Những dữ liệu kinh tế vĩ mô sơ bộ của Trung Quốc cho thấy một số tín hiệu nền kinh tế tăng trưởng chậm lại góp phần làm giá quặng sắt giảm thêm.
Tuy nhiên, sau khi thị trường trấn tĩnh lại, giá đã ngừng giảm và đảo chiều tăng trở lại bởi các nhà đầu tư nhận thấy việc Trung Quốc hạ mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2022 xuống 5,5% thoạt nhìn có vẻ gây áp lực giảm giá quặng sắt, nhưng đi kèm đó là những yếu tố khác có khả năng thúc đẩy giá nguyên liệu sản xuất thép tăng lên.
Trung Quốc tăng cường kích thích kinh tế
Không còn nghi ngờ gì nữa, Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và là nhà nhập khẩu hàng hóa lớn nhất, đang phải đối mặt với những khó khăn, cả trong nước và toàn cầu. Và do đó cũng không ngạc nhiên khi Thủ tướng Lý Khắc Cường hạ mục tiêu tăng trưởng kinh tế quốc gia từ 6% năm 2021 (mặc dù nền kinh tế thực sự đã tăng 8,1%) xuống 5,5% năm 2022, và cho biết ưu tiên của Trung Quốc trong năm nay là "ổn định kinh tế", và đó là những từ "đắt giá" đối với thị trường quặng sát.
Trung Quốc đang cắt giảm lãi suất, các chính quyền địa phương bắt đầu tăng cường chi tiêu cho cơ sở hạ tầng, và dự kiến cắt giảm thuế - tất cả đều là động lực tích cực có lợi cho nhu cầu thép. Thị trường lại dấy lên hy vọng Chính phủ và các địa phương sẽ còn có thêm những biện pháp kích thích bổ sung và tạm gác lại nỗi lo về những tác động từ chính sách phong tỏa rộng rãi để chống Covid-19 và những bất ổn trên toàn cầu.
Phó Thủ tướng Trung Quốc, Lưu hạc, mới đây đã kêu gọi triển khai các chính sách thân thiện với thị trường để hỗ trợ nền kinh tế quốc gia, nhằm giảm tác động tiêu cực trong nước do dịch Covid-19 và tác động toàn cầu từ cuộc xung đột Nga – Ukraine. Thống đốc ngân hàng trung ương Trung Quốc, Yi Gang, đã cam kết sẽ đưa ra các sáng kiến trong chính sách tiền tệ, tăng cường cho vay mới và kiên quyết hỗ trợ nền kinh tế.
Các nhà phân tích của Huatai Futures cho biết: "Cánh cửa đối với việc cắt giảm RRR (tỷ lệ dự trữ bắt buộc) và cắt giảm lãi suất vẫn chưa đóng lại, và nhiều chính sách nới lỏng hơn dự kiến sẽ được đưa ra trong tương lai".
Các nhà phân tích của J.P.Morgan cho biết: "Sau khi kết thúc phong tỏa, Chính phủ (Trung Quốc) có thể đẩy nhanh chi tiêu cơ sở hạ tầng và các hoạt động xây dựng để đáp ứng mục tiêu tăng trưởng kinh tế".
Nhập khẩu quặng sắt của Trung Quốc bước sang năm 2022 tương đối ổn định. Dữ liệu của Refinitiv cho thấy nhập khẩu trong tháng 2 ước đạt 83,69 triệu tấn trong tháng 2/2022, sau khi nhập 86,14 triệu trong tháng 1/2022, 88,4 triệu tấn tháng 12/2021 và 89,29 triệu tấn tháng 11/2021.
Diễn biến giá và tình hình nhập khẩu quặng sắt Trung Quốc.
Nhập khẩu quặng sắt trong 2 tháng đầu năm nay đã tăng so với cùng kỳ năm ngoái, bất chấp các hạn chế về sản lượng thép mà Bắc Kinh thực hiện nhằm hạn chế ô nhiễm trong mùa đông và trong dịp Thế vận hội Olympic mùa đông vừa qua.
Những hạn chế đó hiện đang kết thúc, và các biện pháp kích thích cho nền kinh tế Trung Quốc bắt đầu được triển khai, nhiều khả năng nhu cầu thép sẽ tăng, do đó nhập khẩu quặng sắt trong những tháng tới dự báo sẽ tăng lên.
Nhìn chung, bối cảnh trong nước ở Trung Quốc đang có vẻ khả quan đối với mặt hàng quặng sắt, mặc dù mục tiêu tăng trưởng năm nay thấp hơn năm ngoái, do cơ cấu tăng trưởng của Trung Quốc có khả năng là thâm dụng thép.
Xung đột Nga - Ukraine đốt nóng cả thị trường sắt thép
Các yếu tố bên ngoài cũng có vẻ có lợi cho việc sản xuất thép gia tăng ở Trung Quốc, giữa bối cảnh cuộc khủng hoảng đang diễn ra và ngày càng tồi tệ liên quan đến xung đột Nga – Ukraine.
Cả Nga và Ukraine đều là những nhà xuất khẩu đáng kể quặng sắt và các sản phẩm thép. Xung đột có thể sẽ khiến thương mại thép của khu vực này về 0 trong những tháng tới.
Ukraine sẽ không thể xuất khẩu vì chiến tranh, và các chuyến hàng của Nga cũng có thể sẽ gặp khó khăn khi người mua xa lánh hàng hóa của Nga vì nhiều lý do, trong đó có những thách thức trong việc thu xếp thanh toán, vận chuyển và bảo hiểm cho các giao dịch liên quan đến hàng hóa Nga.
Ukraine đã xuất khẩu 2,92 triệu tấn quặng sắt trong tháng 1/2022 và 3,27 triệu tấn trong tháng 12/2021, theo thông tin từ công ty tư vấn hàng hóa Kpler. Dữ liệu cho thấy xuất khẩu quặng sắt của nước này trong 2 năm qua dao động trong khoảng từ khoảng 1,8 triệu tấn đến khoảng 3,7 triệu tấn/tháng.
Xuất khẩu quặng sắt của Nga ít hơn, thường không quá 500.000 tấn một tháng, tuy nhiên, xuất khẩu thép của nước này mỗi tháng trung bình lên tới hơn 1 triệu tấn.
Thiếu vắng nguồn quặng sắt xuất khẩu từ Ukraine không đáng kể, nhưng sẽ buộc người mua phải tìm kiếm nơi khác, khiến các nhà máy thép châu Âu có thể chuyển sang mua của lưu vực Đại Tây Dương như Brazil và Nam Phi, trong khi các nhà nhập khẩu châu Á sẽ cố gắng mua nhiều hơn từ nhà xuất khẩu hàng đầu là Australia, và có lẽ kể cả các nhà sản xuất hạng hai như Iran và Ấn Độ.
Theo Kpler, xuất khẩu quặng sắt của của Ukraine sang Trung Quốc tháng 1/22 đạt 1,3 triệu tấn, tháng 12/2021 đạt 1,96 triệu tấn. Mất đi nguồn cung đó sẽ khiến thị trường Trung Quốc ít nhiều bị thắt chặt nguồn cung. Được biết, Trung Quốc nhập khẩu khoảng 70% quặng sắt vận chuyển qua đường biển trên toàn cầu.
Nói cách khác, việc không có nguồn quặng sắt Ukraine không phải là vấn đề lớn đối với quặng sắt như ảnh hưởng từ sự mất mát dầu thô Nga đối với thị trường dầu mỏ thế giới, nhưng điều đó có ý nghĩa quan trọng và tạo xu hướng tăng giá. Đồng thời, việc Nga giảm xuất khẩu thép và khả năng các nhà sản xuất thép châu Âu khó duy trì sản lượng trong bối cảnh giá năng lượng cao và khả năng nguồn cung bị gián đoạn sẽ góp phần khiến cho thị trường thép toàn cầu trở nê thắt chặt.
Nguồn tin: Cafef