Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Trông chờ giảm lãi suất

 Hàng ngàn doanh nghiệp đang kỳ vọng vào việc giảm lãi suất cho vay trong năm 2012.

 

Tuy nhiên, kinh tế năm nay được dự báo sẽ khó khăn hơn và thực tế bản thân các ngân hàng cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức.

 

Ông Nguyễn Đình Tấn, Cục trưởng Cục Thuế TPHCM, cho biết tính đến cuối năm 2011, trên địa bàn TP đã có 8.992 doanh nghiệp (DN) ngừng hoạt động, 9.322 DN ngưng hoạt động có thời hạn và 3.412 DN bỏ giấy phép kinh doanh trên tổng số 144.614 DN đang hoạt động. Các yếu tố chi phí đầu vào như xăng dầu, giá điện, lãi suất ngân hàng (NH) tăng cao đã ảnh hưởng mạnh đến DN, lợi nhuận giảm sút. Số DN phá sản trên cả nước được thống kê lên tới gần 50.000.

 

Tiếp tục “đói” vốn

 

Báo cáo của Bộ Kế hoạch - Đầu tư về tình hình kinh tế - xã hội tháng 1-2012 ngày 4-2 cho thấy chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 1-2012 ước giảm 12,9% so với tháng trước và giảm 2,4% so với cùng kỳ năm 2011. Nhìn chung, sản xuất kinh doanh của các DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa, tiếp tục khó khăn do nhu cầu tiêu thụ giảm, lãi suất NH còn ở mức cao…

 

Theo Cục Thuế TPHCM, các DN bất động sản đã và sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong năm nay. Không ít đơn vị phải chấp nhận bán tháo dự án để gỡ vốn. Hiện 70% các dự án ngưng thi công do thiếu vốn. TS Lê Đăng Doanh dự báo ngành dệt may sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Những năm trước, thời điểm này khoảng 80% DN đã có đủ đơn đặt hàng cho đến hết năm nhưng năm nay chỉ mới nhận đơn hàng đến quý II/2012. Các mặt hàng đồ gỗ, hàng điện tử dân dụng, vật liệu xây dựng… cũng chịu nhiều sức ép lớn. Riêng xi măng, lượng tồn kho hiện lên đến 2 triệu tấn, trong khi mặt hàng này không thể để quá 3 tháng.

 

Thống kê của NH Nhà nước về tình hình hoạt động tuần qua cho thấy lãi suất cho vay tiền đồng tại các NH thương mại vẫn ở mức cao. Hiện lãi suất cho vay phổ biến ở lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu ở mức 14,5%-17%/năm, lãi suất cho vay sản xuất kinh doanh khác từ 17%-20%/năm và lĩnh vực phi sản xuất lãi vay vẫn 22%-25%/năm.

 

Doanh nghiệp “tự cứu mình” trước

 

Theo NH Nhà nước, mức tăng 1% của lạm phát trong tháng 1 đã tạo tiền đề tốt để thực hiện chủ trương của Chính phủ. Tuy nhiên, NH Nhà nước vẫn phải cân nhắc về thời điểm để tiến hành điều chỉnh, tránh gây ra tác động tiêu cực đến ổn định kinh tế vĩ mô. TS Trần Du Lịch cho rằng mục tiêu đưa lạm phát về 1 con số phải được đặt lên hàng đầu. Nếu không kiểm soát được thì không có cơ sở để kéo giảm lãi suất cho vay, đây là yếu tố tiên quyết mà mọi biện pháp phải hướng đến. Chính sách của Nhà nước phải giống như hoa tiêu dẫn đường trên con tàu để DN đi theo.

 

Đồng thời, ngay bản thân các NH cũng phải giải quyết những khó khăn, thách thức đang gặp phải. Đầu tiên là thị trường liên NH: Nhiều NH gặp khó khăn về thanh khoản phải vay mượn trên thị trường này nhưng lãi suất vẫn ở mức cao và phải có tài sản thế chấp. Theo thống kê của NH Nhà nước đến đầu tháng 2-2011, lãi suất giao dịch bình quân qua đêm vẫn đứng ở mức 14,18%/năm. Ở kỳ hạn 9 tháng và 12 tháng, lãi suất giao dịch còn vượt trên 20%/năm...

 

Dù bức tranh lợi nhuận của các NH trong năm qua đều sáng với mức lợi nhuận công bố được xem là “khủng” nhưng “mảng tối” cũng không ít. Một phần lợi nhuận của các NH do hưởng chênh lệch lãi suất đầu vào - đầu ra rất cao trong những tháng cuối năm 2011 sẽ không còn tiếp tục trong năm nay nếu lạm phát giảm. Kể từ tháng 9-2011, khi các NH thương mại cam kết trần lãi suất huy động 14%/năm, mọi khách hàng gửi tiền đều không thể thỏa thuận lãi suất vượt trần. Tuy nhiên, lãi suất cho vay vẫn cao ngất ngưởng trên 20%/năm, thậm chí 22%-23%/năm khiến chênh lệch lên tới 6%-9% đem lại lợi nhuận lớn cho NH.

Nguồn tin:NLD

 

ĐỌC THÊM