Theo chuyên gia kinh tế Bùi Ngọc Sơn, tâm lý găm giữ USD hiện đang khá mạnh trong dân chúng, đã khiến giới đầu cơ tiền tệ có cơ hội trục lợi.
Sau khi Chủ tịch Uỷ ban giám sát tài chính Quốc gia Lê Đức Thuý cho biết về việc chính phủ đồng ý bơm ngoại tệ và không điều chỉnh tỷ giá, ngay lập tức giá USD trên thị trường tự do có xu hướng giảm. Nhưng sang tuần này, giá USD lại có dấu hiệu nhích nhẹ khi Ngân hàng nhà nước chỉ đạo hạn chế cho vay ngoại tệ.
Trên thế giới, đồng USD được dự báo sẽ mất giá khoảng 20%, nhưng dường như thông tin này có vẻ không đủ sức để đánh tan tâm lý găm giữ USD vốn đã bám rễ bao trùm thị trường ngoại tệ Việt Nam.
Theo chuyên gia kinh tế Bùi Ngọc Sơn, tâm lý găm giữ USD hiện đang khá mạnh trong dân chúng, tâm lý này đã khiến giới đầu cơ tiền tệ có cơ hội trục lợi. Ví dụ gần nhất là việc ngân hàng nhà nước ban hành thông tư quản lý và kinh doanh vàng, nhằm mục tiêu giảm bớt áp lực mua USD nhập khẩu vàng và đặc biệt là nhập lậu vàng. Ngay sau đó, giới này đã kịp chuyển sang găm giữ USD, tạo khan hiếm và đẩy giá.
Ông Bùi Ngọc Sơn, Trưởng phòng kinh tế Quốc tế, Viện kinh tế và chính trị thế giới cho rằng: “Cùng lúc, trên thị trường quốc tế, đồng USD đang đứng trước nguy cơ bị mất giá tới 20%. Theo quy luật, nhà đầu tư sẽ phải tìm hướng chuyển sang các hình thức khác để trú ẩn, thế nhưng tại Việt Nam, có vẻ thông tin này không tác động mấy đến người dân, do tâm lý găm giữ loại ngoại tệ này quá nặng nề. Trong khi vẫn chưa có thống kê chính xác nào về tổng lượng ngoại tệ trên thị trường, thì khả năng đồng USD bị giới đầu cơ làm giá là điều có thể xảy ra”.
Cũng theo các chuyên gia kinh tế, bản chất của hiện tượng găm giữ USD trong dân xuất phát từ những lo ngại về lạm phát. Tuy nhiên, việc găm giữ loại ngoại tệ này chưa chắc đã an toàn như mong đợi do chính bản thân đồng tiền này cũng đang phải đối mặt với nguy cơ mất giá cao.
Nguồn: VTV