Giá thép tại Trung Quốc gần đây hồi phục là tín hiệu cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này đang ổn định trở lại.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích nhận định rằng, nhu cầu tổng thể của Trung Quốc sụt giảm sẽ cản trở đà hồi phục trên thị trường thép, bởi triển vọng đầu tư mới trong những lĩnh vực tiêu thụ nhiều thép ở Trung Quốc vẫn rất mờ nhạt.
Việc các hãng sản xuất thép Trung Quốc sẽ hành động ra sao là yếu tố sống còn đối với thị trường toàn cầu – thị trường năm qua đã chật vật trong tình trạng dư thừa khi Trung Quốc tăng 20% xuất khẩu thép với giá rất rẻ.
Các hãng sản xuất thép trên toàn cầu đã rơi vào thua lỗ, trong đó có Tata Steel, hãng mới đây đã phải quyết định bán các nhà máy của mình ở Anh, gây tổn thất lớn cho tương lai của ngành sản xuất thép nước Anh. Hãng sản xuất thép Australia, Arrium mới đây cũng bị kiểm soát sản xuất sau khi liên tiếp thua lỗ, gây nguy cơ hàng ngàn công nhân nhà máy thép Whyalla thuộc bang South Australia bị mất việc làm.
Giá trung bình các sản phẩm thép trên toàn quốc trong trong 10 ngày đầu tháng 4 đã tăng lên 2.700 Nhân dân tệ/tấn - ngang bằng mức giá một năm trước đây, trước giai đoạn sụt giảm kéo dài, theo thông tin trên MySteel.com – website báo giá thép tại Trung Quốc. Mức giá này cao hơn rất nhiều so với dưới 1.800 NDT/tấn hồi cuối năm ngoái.
Nhưng chuyên gia Tomas Gutierrez thuộc Kallanish Commodities cho rằng sự hồi phục chưa chắc sẽ kéo dài. Taị hội thảo Steel Home diễn ra tại Thượng Hải mới đây, ông cho biết: “Nguồn cung tới các thương gia bị hạn chế và tồn trữ ở mức thấp đã đẩy giá tăng lên, song nhu cầu chung vẫn không ngừng giảm.”
Những chương trình kích thích của chính phủ dành cho thị trường bất động sản đã thúc đẩy đầu tư gia tăng, song không phải ở khắp mọi nơi mà chỉ tập trung vào việc nâng cấp ở những thành phố cấp 1 – hoạt động sử dụng rất ít thép. Và giá thép sẽ không thể tăng lâu dài “cho đến khi bạn thấy đầu tư tăng ở các thành phố cấp 3 và cấp 4 – nơi tồn trữ thép đang cao nhất, bởi đến khi đó thì nhu cầu thép mới tăng,” ông Gutierrez cho biết.
Nhà phân tích Shao Chen thuộc Macquarie cũng cho rằng nếu các số liệu kinh tế vĩ mô của Trung Quốc công bố vào cuối tuần này tích cực thì chính sách nới lỏng tiền tệ – đã thúc đẩy giá nhà đất hồi phục – có thể sẽ được điều chỉnh chậm lại. Và nếu không có thêm nhiều đầu tư mới vào việc xây dựng nhà thì khả năng giá thép Trung Quốc hồi phục kéo dài là rất thấp.
Trong số những lĩnh vực khác cũng sử dụng thép thì chỉ có lĩnh vực hạ tầng cơ sở và ngành ô tô dự báo sẽ tăng đầu tư mạnh trong năm 2016, nhưng lĩnh vực ô tô vẫn phải sử dụng phần lớn là thép nhập khẩu.
Ngành thép Trung Quốc – những điều cần biết
Nhu cầu thép Trung Quốc giảm đã kéo theo sự sụt giảm giá thép trên toàn cầu trong năm vừa qua, bởi các nhà máy ở Trung Quốc giảm giá và tăng xuất khẩu để giải phóng gần 200 triệu tấn thép dư thừa.
Hậu quả là một làn sóng trượt giá lan toả khắp thế giới bởi các công ty thép trên toàn cầu đều buộc phải tham gia vào cuộc “tự sát về tài chính” khi phải nỗ lực cạnh tranh với giá thép Trung Quốc.
Chuyên gia Peter Marcus thuộc World Steel Dynamics cho biết: “Xuất khẩu thép Trung Quốc đang có dấu hiệu tăng chậm lại nhưng về cơ bản thì thị trường sẽ chứng kiến thêm một năm dư thừa và đầu tư vào sản xuất vẫn yếu,” và theo ông thì việc Trung Quốc hạn chế xuất khẩu là điều kiện tiên quyết để thị trường thép thế giới hồi phục.
Tuy nhiên, ngành thép Trung Quốc có lẽ sẽ không dễ dàng chấp nhận sự thất bại. Bắc Kinh có kế hoạch cắt giảm khoảng 100 triệu đến 150 triệu tấn công suất sản xuất trong vòng 5 năm tới, nhưng trên thực tế thì khối lượng cần cắt giảm phải là 200 triệu tấn.
Như vậy, kể cả thực hiện được mục tiêu trên thì công suất sản xuất thép Trung Quốc vẫn dư thừa nhiều. Ước tính tổng công suất sản xuất thép của Trung Quốc hiện khoảng 1 tỷ – 1,2 tỷ tấn/năm nếu hoạt động hết công suất.
Steel Home ước tính sản lượng thép Trung Quốc năm 2016 sẽ vào khoảng 780 triệu tấn, nhưng trong nước chỉ tiêu thụ 680 triệu tấn, tức là còn dư khoảng 100 triệu tấn cho xuất khẩu.
Nguồn tin: Cafef