Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Trung Quốc bắt đầu điều tra nạn đầu cơ, thao túng giá hàng hoá, giá quặng sắt lao dốc đột ngột

 Chốt phiên giao dịch ngày 21/6, giá quặng sắt tại thị trường Trung Quốc cũng như khu vực Châu Á đã lao dốc sau khi Chính phủ Trung Quốc bắt đầu điều tra tình trạng thao túng và đầu cơ trên thị trường quặng sắt giao ngay của nước này.

Chốt phiên giao dịch ngày 21/6, giá quặng sắt giao tương lai trên Sàn giao dịch hàng hoá Đại Liên (DCE) đã lao dốc đến 9% xuống còn 1.119 Nhân dân tệ tương đương 173,14 USD/tấn; điều này khiến, mức tăng của giá quặng sắt từ đầu năm đến nay chỉ còn ở mức 30%.

Dữ liệu của Hãng nghiên cứu thị trường Fastmarkets MB (Anh) cho thấy giá quặng sắt loại hàm lượng 62% sắt nhập khẩu tại miền Bắc Trung Quốc (giá CFR tại cảng Thanh Đảo) trong phiên giao dịch ngày 21/6 cũng giảm mạnh 4,9% xuống chỉ còn 208,15 USD/tấn. Giá quặng sắt tại một số sàn giao dịch hàng hoá lớn khu vực Châu Á cũng ghi nhận sự sụt giảm.

Thị trường quặng sắt Châu Á chao đảo sau khi Ủy ban cải cách và phát triển Trung Quốc (NDRC), cơ quan điều hành phát triển kinh tế cao nhất Trung Quốc, cho biết bắt đầu điều tra tình trạng thao túng và đầu cơ trên thị trường quặng sắt giao ngay của nước này sau khi giá quặng sắt liên tục lập mức cao nhất lịch sử.

Trước đó, trong ngày 17/6, NDRC đã ban hành các quy định mới về quản lý các chỉ số đo lường giá hàng hoá và dịch vụ. Các quy định này nhằm thống nhất tiêu chuẩn đo lường mức giá chuẩn của các loại hàng hoá, nguyên liệu thô cũng như tăng cường minh bạch thông tin nhằm hạn chế các biến động giá. Các quy định mới của Trung Quốc sẽ có hiệu lực kể từ ngày 1/8 tới đây.

NDRC và Cơ quan quản lý thị trường Trung Quốc (SAMR) đã tiến hành kiểm tra các giao dịch quặng sắt và sự biến động giá quặng sắt tại Trung tâm giao dịch quặng sắt Bắc Kinh (COREX). NDRC cho biết các giao dịch quặng sắt trên các sàn giao dịch như COREX hiện sử dụng nhiều bộ chỉ số giá khác nhau, bao gồm các bộ chỉ số giá do đơn vị tư nhân tự tính toán. Các bộ chỉ số giá này hiện được áp dụng cho cả giao dịch quặng sắt trên thị trường giao ngay cũng như thị trường kỳ hạn.

Các cơ quan quản lý nhà nước Trung Quốc cũng đã thảo luận về phương án gia tăng nguồn cung và bình ổn giá các loại hàng hoá, nguyên liệu thô như quặng sắt. Cuối tuần trước, Chính phủ Trung Quốc đã cho biết sẽ xả bán lượng lớn các kim loại công nghiệp như đồng, nhôm và kẽm cho các hãng sản xuất và doanh nghiệp luyện kim màu thông qua các cuộc đấu giá công khai nhằm hạ nhiệt đà tăng giá kỷ lục của các kim loại công nghiệp.

Động thái này đã khiến giá hầu hết các kim loại công nghiệp được giao dịch tại khu vực Châu Á đã giảm xuống. Giá kim loại đồng trên sàn LME lao dốc, chạm đáy thấp nhất trong 8 tuần trở lại đây.

Kể từ cuối tháng 5 vừa qua, NDRC bắt đầu đẩy mạnh các biện pháp khác nhau nhằm kìm hãm đà tăng giá các loại hàng hoá, nguyên liệu thô đầu vào nhằm giải toả áp lực lạm phát và tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp nước này.

Các biện pháp này đã phần nào khiến giá nhiều loại hàng hoá tại Trung Quốc hạ nhiệt. Trong đó, giá thép xây dựng tại nước này đã giảm 19% so với mức đỉnh trong tháng 5/2021. Tuy nhiên, giới quan sát nhận định các hành động của Trung Quốc có thể sẽ không có tác dụng quá lâu.

Ông Hao Hong, trưởng ban nghiên cứu và chiến lược gia chính tại tập đoàn tài chính Bocom International (Trung Quốc), nhận định “Các sự can thiệp thị trường (của Chính phủ Trung Quốc) có thể giảm bớt áp lực tăng giá nhưng khó có thể thay đổi xu hướng giá hàng hoá. Việc giá hàng hoá tăng cao là do nhu cầu trên toàn cầu tăng lên chứ không phải chỉ vì mỗi Trung Quốc. Tuy nhiên, Trung Quốc lại là quốc gia duy nhất chịu đựng việc giá cả tăng cao”.

Nguồn tin: Công thương

ĐỌC THÊM