Các chuyên gia thuộc ngành công nghiệp nói rằng việc tái chế phế liệu kim loại là một cách để giảm sự lệ thuộc của các nhà máy thép Trung Quốc vào nhập khẩu quặng cũng như giảm áp lực leo thang của giá quặng.
Đề xuất tái chế này được đưa ra trong bối cảnh nhiều nhà máy thép của Trung Quốc đang phải chấp nhận nhập quặng từ nước ngoài theo quý với mức giá 110 USD/tấn từ tháng 04 đến tháng 06, gấp đôi so với giá năm ngoái.
Cai Jin, Phó chủ tịch liên đoàn Thu mua và Hậu cần nói: các công ty của Trung Quốc nên tăng cường đầu tư vào chuỗi cung ứng phế liệu thép để giảm thiểu sự phụ thuộc vào quặng nhập khẩu.
Thép phế liệu tái chế hiện chiếm khoảng 8% trong tổng sản lượng thép của Trung Quốc, trong khi ở những nước phát triển như Mỹ hay Nhật Bản chiếm đến 50% và 40%, do vậy đây là nguồn nguyên liệu thay thế tốt cho quặng sắt, ông Yu Liangui, một chuyên gia phân tích của Mysteel.com cho hay.
Trong khi Wang Guoqing, chuyên gia phân tích về thép của Trung tâm nghiên cứu Lange Steel Research Center cũng nhận định rằng với nhu cầu sản xuất lớn thì việc tái chế phế liệu kim loại là một được xem là một ý tưởng tốt và cần chiếm 20% nguyên liệu thô sử dụng ở các nhà máy thép Trung Quốc.
Các nhà máy thép Trung Quốc từ lâu đã phàn nàn về sự phụ thuộc vào việc nhập khẩu quặng sắt, đẩy họ rơi vào tình thế bất lợi trong các cuộc đàm phán về giá, vì nhập khẩu quặng sắt của nước này thường chiếm 62,3% trong tổng tiêu thụ. Năm 2009, các nhà máy thép đã tăng nhập khẩu quặng 42% lên mức kỷ lục 628 triệu tấn.
Luo Bingsheng, Phó chủ tịch CISA cũng phát biểu, ba hãng khai khoáng lớn nhất thế giới là BHP Billiton, Rio Tinto và Vale đã lợi dụng tình hình để nâng giá bán lên một cách vô lý, đẩy các nhà máy thép rơi vào tình thế khó khăn.
Theo các báo cáo, ba công ty khai khoáng này đã ký kết với các nhà máy thép của Trung Quốc giao quặng sắt trong quý hai là 110 USD/tấn. Thậm chí tại Ấn Độ, giá quặng giao ngay còn cao hơn đến 63%, đạt 177 USD/tấn.