Mô hình phát triển kinh tế hiện nay của Trung Quốc đang bộc lộ nhiều nhược điểm và việc đẩy mạnh chuyển đối mô hình phát triển kinh tế đã trở thành lựa chọn chiến lược cấp bách.
Tại diễn đàn kinh tế được tổ chức cuối tuần qua ở Hong Kong, Chủ tịch Trung tâm Giao lưu Kinh tế Quốc tế Tăng Bồi Viêm (nguyên Phó Thủ tướng Trung Quốc) cho rằng Trung Quốc đã trở thành thị trường mới nổi có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới và chính phủ Trung Quốc đang nỗ lực thực hiện kế hoạch tăng cường nhu cầu nội địa, thúc đẩy kinh tế lên mức dẫn đầu thế giới.
Theo ông Tăng Bồi Viêm, Trung Quốc vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế 9,1% trong năm 2009 và dự kiến tăng trưởng khoảng 10% năm 2010, với lạm phát hơn 3%. So với cùng kỳ năm trước, trong 9 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 34%, bán lẻ tăng trên 18%. Đáng nói là cùng với phát triển kinh tế, nhập khẩu của Trung Quốc đã tăng mạnh với tổng kim ngạch nhập khẩu 9 tháng đầu năm tăng 42,4% (cao hơn tăng trưởng xuất khẩu trên 8 %). Điều này cho thấy nhu cầu thị trường trong nước của Trung Quốc đã tăng mạnh.
Ông Tăng Bồi Viêm cho rằng Trung Quốc đã có một thực lực kinh tế khá hùng hậu và một không gian điều tiết lớn, tổng lượng kinh tế tăng mạnh, dự trữ ngoại hối đạt 2.650 tỷ USD. Tình hình tài chính của Trung Quốc tốt, tiền tệ trong nước ổn định, nguồn vốn dồi dào, tỷ lệ nợ xấu thấp. Cùng với sự phát triển công nghiệp hóa và đô thị hóa nhanh chóng, nhu cầu thị trường to lớn, các yếu tố sản xuất như lao động, tiền vốn, kỹ thuật đều có ưu thế, điều tiết vĩ mô và khả năng đối phó tình hình của Chính phủ Trung Quốc được nâng cao. Đó chính là những nhân tố cơ bản bảo đảm sự phát triển kinh tế của Trung Quốc.
Tuy nhiên, đối với Trung Quốc, cuộc khủng hoảng tài chính thế giới vừa qua bề ngoài là tác động đến tốc độ tăng trưởng kinh tế, nhưng thực chất bên trong là tác động đến phương thức phát triển kinh tế. Trong một thời gian rất dài, Trung Quốc đã phát triển thiếu hài hòa và không bền vững, chủ yếu là do mất cân bằng trong quan hệ đầu tư và tiêu thụ; sự phát triển giữa các khu vực không đồng đều; kết cấu ngành nghề không hợp lý; tài nguyên môi trường đang cạn kiệt và khả năng tự sáng tạo không cao… trong bối cảnh thế giới không thể tiếp tục mô hình tăng trưởng kinh tế dựa vào sự tiêu thụ của các nước phát triển, chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch đang nổi lên, biến đổi khí hậu đang trở thành vấn đề toàn cầu.
Trong bối cảnh như vậy, Trung Quốc đang phải đối diện với rất nhiều áp lực như mở rộng nhu cầu nội địa, nâng cao giá trị gia tăng cho hàng hóa xuất khẩu, phát triển kinh tế xanh. Bởi vậy việc đẩy mạnh chuyển đối mô hình phát triển kinh tế đã trở thành lựa chọn chiến lược và cấp bách đối với Trung Quốc.
Giáo sư Lưu Tôn Nghĩa (Ủy viên Hội nghị Chính trị Hiệp thương toàn quốc – Chính Hiệp) cho rằng sự chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế của Trung Quốc có hai hướng chủ yếu. Một là chuyển từ việc lấy xuất khẩu làm động lực tăng trưởng chính sang lấy nhu cầu trong nước làm động lực chủ đạo. Hai là chuyển đổi từ việc lấy đầu tư hữu hình làm chủ đạo sang lấy tiến bộ kỹ thuật (tức sáng tạo) làm chủ đạo. Trung Quốc không thể tiếp tục thời kỳ cạnh tranh giá rẻ nữa mà phải bắt đầu thời kỳ phát triển dịch vụ chất lượng cao. Trong bối cảnh này, vai trò của đồng nhân dân tệ (NDT) cũng có sự thay đổi. Trung Quốc sẽ từng bước không duy trì tỷ giá đồng NDT thấp nữa. Đồng NDT có thể trở thành đồng tiền hàng hóa, bảo đảm giá trị trong thời gian dài, thậm chí còn có thể trở thành một đồng tiền dùng trong giao dịch thương mại của khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Theo giáo sư Lưu Tôn Nghĩa, hiện có một số nước đã đồng ý lấy NDT làm đồng tiền giao dịch và đồng NDT có thể trở thành một loại tiền dự trữ trong các ngân hàng trung ương của nhiều nền kinh tế Đông Á.
Tại diễn đàn, Phó Chủ tịch Chính Hiệp Đổng Kiến Hoa cũng nói rằng chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế Trung Quốc trong 5 năm tới không chỉ khiến phát triển kinh tế-xã hội và sức mạnh tổng hợp quốc gia của Trung Quốc được nâng lên một bậc, mà còn tạo thêm động lực mới cho phục hồi và biến đổi kinh tế thế giới. Theo ông Đổng Kiến Hoa, tăng trưởng nhu cầu nội địa của Trung Quốc sẽ là động lực chủ yếu cho tăng trưởng kinh tế thế giới; phát triển kinh tế ít khí thải CO2 của Trung Quốc sẽ thúc đẩy sự phát triển năng lượng sạch và năng lượng mới của thế giới và chuyển đổi mô hình kinh tế của Trung Quốc sẽ thúc đẩy phồn vinh khu vực.
Nguồn: Tamnhin.net