Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Trung Quốc đau đầu xử lý thép

 Nhà máy thép Hàng Châu giống như một mê cung rộng mênh mông với nhiều lò cao, nhà kho, ống khói và cả ký túc xá dành cho công nhân. Nó được xây dựng chỉ trong 13 tháng, vào cuối những thập niên 1950, thời kỳ Đại nhảy vọt do Mao Trạch Đông khởi xướng. Nằm trên một diện tích hàng trăm mẫu Anh, nhà máy này từng thuê tới 25.000 công nhân.

Một mình bằng cả thế giới

Giờ đây, cùng với tiến trình phát triển, nhà máy thép Hàng Châu đã kết thúc sứ mệnh của mình. Nhưng để đóng cửa nó, đồng nghĩa với loại trừ công ăn việc làm được trả lương cao của hàng chục ngàn người, không phải là dễ dàng. Đó cũng là một trong những lý do chính khiến Trung Quốc tiếp tục duy trì các nhà máy thép, sản xuất ồ ạt những thứ thép mà thế giới không cần nữa.

Trường hợp của Hàng Châu cho thấy, đóng cửa một nhà máy thép là một thử thách vô cùng tốn kém. Với khoản trợ giúp 34 triệu đô la Mỹ từ chính quyền, chủ sở hữu của Nhà máy thép Hàng Châu là tập đoàn Sắt thép Hàng Châu, đã phải trả cho 12.000 công nhân những khoản lương hưu và trợ cấp thôi việc rất hậu hĩ.

“Tôi không còn phải dậy sớm nữa”, ông Tang Guomin, 49 tuổi, công nhân lò cao của nhà máy nói. Ông nhận được từ công ty khoản trợ cấp thôi việc tương đương gần 9 năm lương. Khi đủ 50 tuổi, ông sẽ được nhận lương hưu đương với 90% mức lương được hưởng trước đó, cho đến cuối đời.

“Tôi ngủ no mắt thì thôi và chả có gì phải lo lắng”, ông Tang tâm sự với phóng viên The New York Times khi đang đi chợ mua rau buổi sáng. “Tôi cũng nhớ nhà máy chứ, nhưng quãng thời gian đó sẽ không bao giờ quay lại nữa”.

Trong khi đó, ở bên kia bán cầu, Tổng thống Mỹ D. Trump vừa ký một sắc lệnh yêu cầu Bộ Thương mại xem xét trong vòng 270 ngày để xác định xem việc nhập khẩu thép có ảnh hưởng đến an ninh quốc gia Mỹ hay không. Nếu câu trả lời là có, thì ông Trump, trong 90 ngày, sẽ quyết định khả năng ban hành một lệnh cấm nhập khẩu thép.

Hiển nhiên, Trung Quốc là mục tiêu của sắc lệnh này, mặc dù tác động của nó có thể ảnh hưởng rộng rãi trên toàn thế giới. Mặc dù chỉ có 2% lượng thép nhập khẩu của Mỹ đến trực tiếp từ Trung Quốc, song các nhà sản xuất thép trên toàn cầu và các chuyên gia trong lĩnh vực công nghiệp đổ lỗi cho Bắc Kinh trong việc chuyển thép dư thừa của họ sang các quốc gia khác, khiến cho giá thép giảm. Việc làm này đồng thời khuyến khích các quốc gia này tiếp tục gia công các sản phẩm từ thép thành những sản phẩm có giá trị cao hơn và xuất khẩu sang Mỹ. Chính quyền Trump đã từng tuyên bố công khai rằng, Mỹ sẽ có những quan điểm cứng rắn hơn đối với thép, thậm chí có thể áp dụng các biện pháp thương mại.

Trung Quốc một mặt từ chối cáo buộc rằng họ bán phá giá lượng thép dư thừa cho các thị trường khác, mặt khác thừa nhận rằng họ có quá nhiều nhà máy thép.

Trung Quốc đã đặt mục tiêu cắt bỏ cái năng lực dư thừa đó, nhưng thực tế cho thấy việc này vừa không dễ, vừa tốn kém.

Năm ngoái Trung Quốc đã đóng cửa các nhà máy với tổng công suất 65 triệu tấn và dự kiến sẽ đóng cửa thêm một số lượng tương đương 50 triệu tấn trong năm nay. Tuy nhiên, bất chấp nỗ lực đó sản lượng thép của Trung Quốc vẫn còn rất cao.

Ngành sản xuất thép vốn tạo ra nhiều việc làm lương cao ở Trung Quốc. Thép cũng là vật liệu chính phục vụ ngành sản xuất của Trung Quốc, “công xưởng” lớn nhất thế giới.

“Thép là thức ăn cho ngành công nghiệp Trung Quốc”, ông Wang Guoqing, chuyên gia Trung tâm Nghiên cứu thông tin thép Lange, trụ sở ở Bắc Kinh, nói. “Thép có vị trí quan trọng phục vụ cơ sở hạ tầng và phát triển của Trung Quốc”.

Trong khi ngành thép của Mỹ chỉ thuê khoảng 140.000 công nhân, chiếm chưa đầy 0,1% lực lượng lao động Mỹ, thì ngành thép Trung Quốc sử dụng khoảng 4,7 triệu lao động, theo số liệu chính thức của năm 2014, tương đương 0,6% lực lượng lao động. Gần 60 năm sau khi Mao Trạch Đông phát động chính sách Đại nhảy vọt khiến cho Trung Quốc trở thành một nhà máy thép khổng lồ, đất nước này giờ đây đang sản xuất ra một lượng thép bằng năng lực của cả thế giới cộng lại.

Kìm hãm phát triển

Ngày nay, ngành sản xuất thép của Trung Quốc được cho là một ngành công nghiệp cồng kềnh và lãng phí. Người dân trong và ngoài nước cho rằng ngành thép đang góp phần kìm hãm sự phát triển kinh tế.
Đầu năm 2016, Trung Quốc đã cam kết sẽ đóng cửa các nhà máy thép, tương đương công suất 100-150 triệu tấn trong năm năm, hoặc một phần 10 công suất của ngành thép. Thủ tướng Lý Khắc Cường trong một bài phát biểu hồi tháng 3 cho biết, năm ngoái Trung Quốc đã đóng cửa các nhà máy với tổng công suất 65 triệu tấn và dự kiến sẽ đóng cửa thêm một số lượng tương đương 50 triệu tấn trong năm nay. Tuy nhiên, bất chấp nỗ lực đó sản lượng thép của Trung Quốc vẫn còn rất cao. Hiện nay, xuất khẩu thép của Trung Quốc suy giảm và không rõ xu hướng này sẽ diễn ra trong bao lâu nữa.

Các cố vấn của Tổng thống Mỹ D.Trump đang sử dụng thép như một ví dụ điển hình để gây sức ép đối với những hành động sản xuất dư thừa của Trung Quốc trong các lĩnh vực khác, chẳng hạn như nhôm và tấm pin mặt trời.

Song, ông Li Xinchuang, Chủ tịch Viện Nghiên cứu và Quy hoạch ngành luyện kim Trung Quốc, cho rằng những người ủng hộ chính sách thương mại đối đầu của Mỹ có cái nhìn “thiển cận”. Theo ông Li, Trung Quốc đang trở thành một nhà cung cấp không thể thiếu của thép chất lượng cao cho thế giới, vào thời điểm nhiều nhà máy thép của Mỹ đã lão hóa. “Tôi đã giải thích nhiều lần nhưng họ vẫn không nghe, cứ như đàn gãy tai trâu vậy”, ông nói.

Thành phố Hàng Châu và nhà máy thép được đặt tên theo nó, được coi là ví dụ điển hình cho nỗ lực của Trung Quốc để chuyển dịch cơ cấu kinh tế ra khỏi các ngành công nghiệp như thép.

Thành phố 4 triệu dân này hiện đang là nơi đóng đô của tập đoàn thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc - Alibaba, và cũng là nơi đặt trụ sở chính của Geely, nhà sản xuất ô tô nội địa đã bỏ tiền mua lại thương hiệu Volvo từ hãng Ford năm 2010.

Nhà máy thép Hàng Châu giờ đây trông ngổn ngang giống như trường quay của Hollywood với những nhà kho trống vắng, không cửa sổ. Các băng chuyền và thiết bị có giá trị phế liệu đã được gỡ bỏ, để lại toàn ống và bê tông. Một dãy toa xe được vứt lăn lóc cạnh đường ray xe lửa. Cỏ, cây dại mọc cao dọc theo những vết nứt trong các khối bê tông.

Gần đó, trong một khối nhà ba tầng đổ nát, những người thợ xây đang nghỉ ngơi sau một ngày dài làm công việc phá dỡ. Le Rong, một công nhân nhập cư 42 tuổi tham gia phá dỡ khu liên hợp, cho hay: “Nhà máy trông rất đẹp. Tôi thậm chí còn phải kể lại với vợ con về điều đó”.

Phát ngôn viên tập đoàn Sắt thép Hàng Châu từ chối cho biết sẽ làm gì với khu đất mặt bằng nhà máy và khẳng định công ty sẽ tìm ra cách sử dụng “sáng tạo” nhất cho khu vực này. Các khu nhà máy thép cũ ở các thành phố thịnh vượng khác của Trung Quốc như Hàng Châu thường được tái phát triển thành các dự án bất động sản.

Đối với nhiều người dân địa phương, điều mà họ thích nhất khi đóng cửa các nhà máy là bầu không khí sạch hơn. Đây cũng chính là lý do mà các quan chức Trung Quốc thường nêu ra mỗi khi đóng cửa các nhà máy thép (thay vì nói là do dư thừa sản lượng).

Các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin, trước khi nhà máy thép Hàng Châu đóng cửa, nó đã giải phóng 7.000 tấn lưu huỳnh dioxide mỗi năm, một nguyên nhân quan trọng gây ra mưa axit. Ngoài ra nhà máy cũng thải ra mỗi năm 3.000 tấn bồ hóng.

Xu Yuemei, một công nhân thép nghỉ hưu, kể rằng khi nhà máy Hàng Châu còn hoạt động, mỗi khi cô phơi quần áo thì chúng lập tức chuyển sang màu đen hoặc vàng khi khô.

Còn ông Tang, nhân vật ở đầu bài viết, thì nhớ lại một ngày trong không khí có bụi đến mức ông không thể nhìn thấy những người cách 100 mét. “Tôi có thể ngửi mùi ammonia của khí gas cho đến khi nhà máy đóng cửa”. “Sau khi nó đóng cửa, mọi thứ đã biến mất, kể cả ô nhiễm”, ông nói.

Nguồn tin: KTSG

ĐỌC THÊM