Để hướng tới một tương lai xanh hơn, Trung Quốc cam kết chuyển đổi ngành thép thành một ngành phát thải carbon thấp hơn.
Trong bối cảnh Trung Quốc cam kết “đạt đỉnh” phát thải vào năm 2030 và trung hòa carbon vào năm 2060, ngành thép của nước này vẫn là ngành phát thải lớn nhất trong tất cả các lĩnh vực sản xuất khi chiếm khoảng 15% lượng khí thải carbon hàng năm.
Do đó, ngành công nghiệp này đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp nền kinh tế lớn hai thế giới thực hiện các cam kết cắt giảm khí thải. Song quá trình “xanh hóa” ngành này không hề dễ dàng.
Số liệu mới nhất cho thấy sản lượng thép thô của Trung Quốc tăng 15,6% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 271 triệu tấn trong quý I/2021, tạo gánh nặng cho cam kết cắt giảm khí thải.
Trước tình hình này, Bắc Kinh đã cam kết nỗ lực hơn nữa để giảm sản lượng thép thô, với một số biện pháp như ngày 1/5 vừa qua Trung Quốc áp thuế nhập khẩu tạm thời bằng 0 đối với thép thô, thép nguyên liệu tái chế...
Theo thông tư do Ủy ban Thuế quan của Quốc vụ viện, biện pháp trên sẽ giúp giảm chi phí nhập khẩu, mở rộng hoạt động nhập khẩu thép, hỗ trợ các nhà sản xuất trong nước cắt giảm sản lượng thép thô và hướng dẫn ngành này cắt giảm tiêu thụ năng lượng.
Ngoài việc thắt chặt kiểm soát sản xuất thép, Trung Quốc cũng đẩy mạnh nỗ lực điều chỉnh cơ cấu, đóng cửa các cơ sở sản xuất lạc hậu và cải thiện tỷ lệ sử dụng năng lượng.
Các nhà sản xuất thép của Trung Quốc cũng có những hành động thiết thực, trong đó, China Baowu Steel Group Corporation Limited, tập đoàn thép lớn nhất thế giới, hồi tháng Một đã công bố mục tiêu đạt đỉnh phát thải trước năm 2023, giảm 30% lượng khí thải trước năm 2035 và trung hòa carbon trước năm 2050.
Để hỗ trợ phát triển xanh, các nhà hoạch định chính sách cũng đã thúc giục ngành thép nâng cấp cơ cấu công nghiệp và phương thức sản xuất.
Theo Quy hoạch 5 năm lần thứ 14 (2021-2025), Trung Quốc sẽ tối ưu hóa hơn nữa cơ cấu của các ngành nguyên liệu như hóa dầu, thép và kim loại màu và vật liệu xây dựng./.
Nguồn tin: Bnews