Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc hôm qua (9-12) công bố Dự thảo Phương pháp quản lý và Điều kiện kinh doanh sản xuất thép, theo đó, nhà máy có sản lượng thép thô dưới 1 triệu tấn/năm sẽ bị đóng cửa.
Đây là lần đầu tiên Trung Quốc đưa ngành sản xuất thép vào hoạt động theo cơ chế, đào thải toàn diện quy trình sản xuất lạc hậu. Dự thảo sẽ bắt đầu lấy ý kiến từ ngày 16-12.
300 nhà máy bị đào thải
Dự thảo thiết lập 6 rào cản cho các doanh nghiệp thép, bao gồm chất lượng sản phẩm, bảo vệ môi trường và tiêu thụ năng lượng, sử dụng nguồn tài nguyên, công nghệ thiết bị, quy mô sản xuất, an toàn sức khỏe và trách nhiệm xã hội…
Trong 6 điều kiện đặt ra, điều kiện quy định sản lượng thép thô hàng năm phải đạt trên 1 triệu tấn là điều kiện quyết định. Nhà máy nào có sản lượng dưới 1 triệu tấn sẽ phải đóng cửa. Với 5 điều kện còn lại, doanh nghiệp không đáp ứng được thì điều chỉnh, khi nào không không điều chỉnh được mới phải rút ra khỏi ngành.
Điều này cũng có nghĩa là khoảng 2/3 nhà máy sản xuất thép của Trung Quốc, tương đương 300/500 nhà máy sẽ không còn phù hợp, chỉ có khoảng 80-90 nhà máy có điều kiện phù hợp, số còn lại hoặc phải kết hợp với nhau, hoặc phải sáp nhập với các doanh nghiệp thép lớn.
Tổng thư ký Hiệp hội luyện kim tỉnh Hà Bắc, tỉnh sản xuất gang thép lớn nhất Trung Quốc, Vương Đại Dũng cho biết: “Tuy dự thảo không nói là sẽ “đào thải quy trình sản xuất lạc hậu” nhưng thực tế còn khắc khe hơn”.
Theo Tổng giám đốc Mạng thông tin gang thép Trung Quốc, Từ Hướng Xuân: “Đây là quyết định không cho ăn, không cho mặc”.
Nâng cao tiêu chuẩn về môi trường
Dự thảo cũng ghi rõ lượng xả nước của các nhà máy không được vượt quá 2 mét khối/tấn, số lượng bụi thép không quá 1kg/tấn, khí thải lưu huỳnh dioxide không quá 1,8kg/tấn. Ngoài ra, dự thảo cũng đưa ra một số chỉ tiêu tiêu thụ năng lượng.
Phó chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu phát triển kinh tế công nghiệp luyện kim Trung Quốc, Lưu Hải Dân cho biết tuy tiêu chuẩn bảo vệ môi trường được nâng cao nhưng không khắc khe. Ông Dân nói: “Hiện nay về cơ bản, nhiều doanh nghiệp sản xuất đạt tiêu chuẩn về môi trường, các doanh nghiệp chưa đạt tiêu chuẩn về môi trường chỉ cần nỗ lực là có thể đạt được”. Ông Dân cho biết doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn về môi trường chiếm khoảng 30-40%.
Ảnh hưởng rộng
Hiện nay, doanh thu hàng năm của mỗi nhà máy thép có sản lượng dưới 1 triệu tấn khoảng 30 tỉ nhân dân tệ. Một khi dự thảo được thực thi, không nghi ngờ rằng số lượng việc làm, các hộ đóng thuế và đóng góp GDP lớn của địa phương sẽ mất đi, ảnh hưởng đến lợi ích của chính quyền địa phương, do đó sẽ có độ khó khăn nhất định.
Theo thông báo của Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin tháng 3-2009, hàng chục triệu tấn thép thiếu chất lượng bị đảo thải trên cả nước. Dự thảo trên nhằm nâng cao chất lượng thép và ngăn chặn trình trạng thép thừa.
Theo thống kê, sản lượng thép tại Trung Quốc trong năm 2009 ước đạt 660 triệu tấn, cộng thêm 58 triệu tấn trong các dự án xây dựng, tổng sản lượng thép sẽ trên 700 triệu tấn. Trong khi đó, nhu cầu tại thị trường nội địa trong năm 2009 là 510 triệu tấn, thừa 200 triệu tấn, khiến giá thép Trung Quốc giảm.
Tuy nhiên theo Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin, vào năm sau, cung vẫn sẽ vượt cầu nhưng xuất khẩu sẽ cải thiện và giá thép có thể tăng lên trong nửa đầu năm.
Trung Quốc là nước sản xuất thép lớn nhất thế giới hiện nay.
(KTSG)