Giá thép và quặng sắt tại Trung Quốc đã giảm mạnh trong hai phiên giao dịch gần đây sau khi chính phủ nước này cho biết sẽ đẩy mạnh điều tra việc thao túng giá hàng hoá, nguyên liệu thô.
Chốt phiên giao dịch ngày 27/10 (theo giờ địa phương), giá quặng sắt giao tháng 1/2022 trên Sàn giao dịch hàng hoá Đại Liên (DCE, Trung Quốc) tăng nhẹ 1% lên mức 707 Nhân dân tệ (110,60 USD)/tấn, phục hồi trở lại sau khi lao dốc giảm 4,1% trong phiên giao dịch ngày 26/10.
Trong khi đó, dữ liệu của hãng nghiên cứu thị trường Fastmarkets MB (Anh) cho thấy giá quặng sắt loại hàm lượng 62% sắt được nhập khẩu vào khu vực phía Bắc Trung Quốc tiếp tục giảm 2,4% xuống còn 119,86 USD/tấn. Chỉ số giá này thường được dùng làm mức giá tham khảo cho các hợp đồng giao dịch quặng sắt giao ngay tại Trung Quốc và khu vực Châu Á.
Trong phiên giao dịch sáng nay, giá sắt thanh xây dựng giao tháng 1/2022 trên Sàn giao dịch tương lai Thượng Hải (SHFE) giao dịch quanh ngưỡng 4.598 Nhân dân tệ/tấn, giảm 3,6% so với phiên giao dịch trước.
Giá thép cuộn cán nóng (HRC) giao tháng 1/2022 hiện đạt 5.149 Nhân dân tệ/tấn, giảm 1,32% so với phiên giao dịch hôm qua. Giá thép cùng với giá nhiều loại hàng hoá, nguyên liệu thô khác trên thị trường nội địa Trung Quốc chịu áp lực giảm trong hai phiên giao dịch gần đây sau khi Chính phủ Trung Quốc cho biết sẽ đẩy mạnh tình trạng đầu cơ, thao túng giá nhằm kiềm chế đà tăng mạnh của hàng loạt loại hàng hoá.
Dữ liệu mới nhất của Cơ quan Thống kê Trung Quốc cho thấy bất chấp tình trạng giá đầu vào của hàng loạt nguyên liệu thô tăng vọt và các đứt gãy trong chuỗi cung ứng, mức lợi nhuận chung của toàn ngành công nghiệp sản xuất chế tạo của Trung Quốc trong tháng 9 vừa qua vẫn tăng mạnh, đặc biệt là đối với nhóm ngành khai khoáng và sản xuất vật liệu công nghiệp cơ bản.
Hãng giao dịch hàng hoá phái sinh CITIC Futures (Trung Quốc) cho biết tình trạng thiếu hụt điện năng tại Trung Quốc vẫn đang diễn ra cùng với đó là các biện pháp siết chặt giảm ô nhiễm không khí trước thềm Thế vận hội Mùa Đông 2022 vào tháng 2/2022 sẽ khiến hoạt động sản xuất thép tiếp tục suy yếu, kéo theo đó là sự suy giảm nhu cầu sử dụng quặng sắt.
Vừa qua, Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra kế hoạch hành động với mục tiêu giảm đáng kể lượng phát thải khí nhà kính của nước này kể từ năm 2030. Kế hoạch này cũng đặt ra yêu cầu tiếp tục giảm sản lượng thép của nước này, tăng cường hoạt động sản xuất thép từ sắt phế liệu với công nghệ lò điện hồ quang thay vì sử dụng công nghệ lò cao.
Nguồn tin: Công thương