Nhu cầu quặng sắt của Trung Quốc cũng đang bị che lấp bởi chính sách siết chặt sản lượng thép, lo ngại về tác động của đợt bùng phát COVID-19 tồi tệ nhất kể từ đầu năm ngoái, áp lực lạm phát và tăng trưởng ngành công nghiệp chậm trong giai đoạn phục hồi kinh tế.
Chính sách siết chặt sản lượng thép khiến nhập khẩu quặng giảm mạnh
Theo Australian Financial Review, nhập khẩu quặng sắt của Trung Quốc đã giảm tháng thứ tư liên tiếp về khối lượng trong bối cảnh Bắc Kinh đang siết chặt sản lượng thép.
Ngoài ra, nhu cầu quặng sắt của Trung Quốc cũng đang bị che lấp bởi lo ngại về tác động của đợt bùng phát COVID-19 tồi tệ nhất kể từ đầu năm ngoái, áp lực lạm phát và tăng trưởng ngành công nghiệp chậm trong giai đoạn phục hồi kinh tế.
Trong khi trước đó, các nhà phân tích cho rằng sự sụt giảm là do vấn đề nguồn cung từ Australia và Brazil, mới đây họ lại cho rằng việc giảm lượng nhập quặng sắt là cho chính sách giảm sản lượng thép của Trung Quốc.
Dữ liệu mới nhất của Trung Quốc cho thấy nhập khẩu quặng sắt giảm xuống mức 88,5 triệu tấn trong tháng 7, giảm khoảng 1 triệu tấn so với tháng 6. Nếu so với cùng kỳ năm ngoái, con số này giảm khoảng 21%.
Lượng nhập khẩu quặng sắt của nước này đã giảm dần kể từ tháng 3, một phần do nguồn cung ở nước ngoài hạn chế. Giới phân tích cho rằng dữ liệu mới nhất là một dấu hiệu cho thấy các chính sách của chính phủ nhắm tới việc giảm sản lượng thép để đáp ứng các mục tiêu phát thải carbon.
“Các nhà máy thép ở khu vực Sơn Tây đã được lệnh cắt giảm 50% công suất nhằm giới hạn sản lượng thép dưới mức cao kỷ lục của năm ngoái. Đồng thời, giới chức địa phương cam kết thực thi mạnh mẽ các hạn chế,” các nhà phân tích của Westpac nhận định.
Trung Quốc đã phát đi tín hiệu rằng họ muốn hạ nhiệt giá quặng đồng thời tìm nguồn cung mới, giảm sự phụ thuộc vào Australia.
Dữ liệu thương mại mới nhất cũng cho thấy tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Australia sang Trung Quốc tăng 37% trong 7 tháng đầu năm lên 93,5 tỷ USD, một phần nhờ giá quặng sắt tăng kỷ lục.
Trong khi tổng lượng quặng sắt nhập khẩu của Trung Quốc giảm 1,5% so với cùng kỳ năm trước, thì theo giá đã tăng lên tới 81%.
Giá quặng sắt được giao dịch ở mức 173 USD/tấn vào hôm 9/8, thấp hơn nhiều so với 238 USD/tấn ghi nhận hồi tháng 5.
Các thương nhân ở Trung Quốc đã cảnh báo giới chức nước này sẽ không ủng hộ việc tích trữ quặng quặng bởi chính phủ yêu cầu các nhà máy giảm lượng; đồng thời quan ngại ngành công nghiệp sản xuất sẽ chậm lại và những rủi ro tiềm tàng của làn sóng bùng phát COVID-19 mới.
Chỉ số giá sản xuất của Trung Quốc, thước đo lạm phát của các nhà máy, trong tháng 7 đã tăng 9% do giá nguyên liệu đầu vào tăng mạnh. Các nhà kinh tế cảnh báo về áp lực lạm phát có thể đe dọa tăng trưởng.
Chuyên gia phân tích Yingke Zhou đến từ Ngân hàng Barclays cho rằng những biến động tiêu cực ở các mặt hàng chính rấy lên những nghi ngại về sự phục hồi bền vững của việc đầu tư cơ sở hạ tầng.
Sản lượng thép của Trung Quốc tăng 11,8% trong nửa đầu năm, lên 563,3 triệu tấn. Điều này khiến thị trường cho rằng các nhà máy sẽ cắt giảm đáng kể sản lượng trong nửa cuối năm để đảm bảo yêu cầu của chính phủ.
Hai tuần qua đã có nhiều thông điệp trái chiều từ Trung Quốc về kế hoạch cắt giảm sản lượng thép. Hiệp hội Quặng sắt (CISA) cho rằng các nhà máy thép đã giảm công suất và sản lượng thép sẽ được hạn chế vào nửa cuối năm nay. Trong khi đó, cơ quan này bày tỏ không muốn ngành thép siết quá mạnh sản lượng.
Một số tổ chức tài chính cho rằng sản lượng thép sẽ giảm (so với cùng kỳ năm ngoái) bắt đầu từ quý III năm nay.
Trung Quốc sẽ tăng nhập khẩu thép để bù đắp sản lượng cắt giảm?
Theo phân tích của công ty TNHH MTV Chứng Khoán Maybank Kim Eng nhu cầu thép vẫn đang gia tăng do sự bùng nổ của ngành công nghiệp ô tô và sự hồi phục của ngành xây dựng.
Trong khi các trung tâm sản xuất thép lớn của thế giới như EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc cũng đang tập trung đáp ứng nhu cầu trong nước và hạn chế xuất khẩu.
Do đó Trung Quốc có thể tăng nhập khẩu thép từ các nước khác để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ thép rất cao trong bối cảnh sản xuất thép bằng công nghệ lò thổi bị hạn chế do chính sách giảm phát thải carbon.
Quốc gia này sẽ nhập khẩu thêm phôi thép để đáp ứng nhu cầu sử dụng thép mà không cần phải sản xuất thêm thép thô.
Hiện nay biến thể Delta đang lan rộng ở Malaysia, Indonesia, Ấn Độ và Việt Nam khiến nhu cầu tiêu thụ thép nội địa suy yếu. Do đó, Trung Quốc có khả năng hưởng lợi khi các thị trường này gia tăng xuất khẩu.
Nguồn tin: Vietnambiz