Chính phủ Trung Quốc đang mạnh tay cắt giảm sản lượng, thậm chí đóng cửa các nhà máy sản xuất thép, gạch không đảm bảo chỉ tiêu về môi trường. Giới quan sát cho rằng, động thái này sẽ giúp ngành thép, gạch Việt Nam - vốn chịu sức ép lớn từ sản phẩm nhập khẩu của Trung Quốc, sẽ “dễ thở” hơn trong thời gian tới.
Doanh nghiệp gạch: Cơ hội không chia đều
Ông Nguyễn Quang Huy, Tổng giám đốc CTCP CMC (mã CVT) cho biết, Trung Quốc hiện là một trong những quốc gia xuất khẩu gạch hàng đầu thế giới. Việc nước này cắt giảm công suất ngành gạch sẽ giúp các nhà máy sản xuất ở Việt Nam được hưởng lợi.
“Thứ nhất, hàng nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc sẽ giảm. Thứ hai, thị trường xuất khẩu sẽ rộng mở hơn với doanh nghiệp Việt Nam. Thậm chí, trong một vài năm tới, Việt Nam có thể xuất khẩu gạch sang Trung Quốc”, ông Huy nhận định.
Một nguồn tin của Báo Đầu tư Chứng khoán cho biết, nhằm đón đầu triển vọng tích cực của ngành gạch, một cá nhân là cổ đông của một thương hiệu gạch nổi tiếng đã bán cho nhà đầu tư nước ngoài trước đây, nay đã quay trở lại làm gạch, với số tiền đầu tư lên tới hàng nghìn tỷ đồng.
Cơ hội là có, nhưng không phải doanh nghiệp sản xuất gạch nào cũng có thể phản ánh tiềm năng này vào doanh thu và lợi nhuận, bao gồm cả khối doanh nghiệp niêm yết. Trên sàn, không ít doanh nghiệp gạch ghi nhận lỗ bất thường, nếu có lãi thì cũng chỉ ở mức vừa đủ để duy trì điều kiện niêm yết.
“Chính những doanh nghiệp cùng ngành cũng không hiểu vì sao doanh nghiệp này lại lỗ, dù doanh thu vẫn tăng trưởng. Điều này tạo ra nghi vấn, phải chăng doanh nghiệp chuyển giá?”, một chuyên gia trong ngành chia sẻ. CTCP Vicem Vật liệu xây dựng Đà Nẵng là một ví dụ. Mọi chỉ tiêu hoạt động quý III đều giảm so với năm 2016 và hiện giá cổ phiếu chỉ còn dưới 5.000 đồng.
Doanh nghiệp thép: Sáng sủa
Ông Nguyễn Thanh Nghĩa, Chủ tịch HĐQT CTCP Đại Thiên Lộc (mã DTL) cho biết, việc đóng cửa các nhà máy thép không đạt tiêu chuẩn môi trường ở Trung Quốc đang diễn ra khá mạnh mẽ. Điều này có tác dụng dài hạn đối với ngành thép Việt Nam.
“Giá thép đã tăng trở lại và có xu hướng ổn định, thay vì cứ trồi sụt như năm ngoái”, ông Nghĩa nói.
Thực tế, tình hình xuất khẩu các mặt hàng thép của Việt Nam tăng trưởng khá tốt thời gian qua. Thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam cho thấy, tính đến hết tháng 8/2017, xuất khẩu thép thành phẩm của Việt Nam đạt gần 3 triệu tấn, với tổng kim ngạch đạt gần 2 tỷ USD, tăng 27% về sản lượng và tăng 50% về giá trị so với cùng kỳ 2016.
Trong đó, ASEAN vẫn là thị trường xuất khẩu chính với lượng xuất khẩu hơn 1,4 triệu tấn thép, chiếm 58% tổng lượng thép thành phẩm xuất khẩu. Thị trường Mỹ chiếm 13%, sau đó đến châu Âu, Hàn Quốc, Ấn Độ, Đài Loan...
Đối với sản phẩm tôn thép, tiềm năng tăng trưởng cũng được đánh giá cao. Ông Phạm Mạnh Hùng, Tổng giám đốc CTCP Thép Nam Kim (mã NKG) cho biết, các doanh nghiệp tôn thép trong nước sẽ được hưởng lợi nhiều hơn sau khi Việt Nam áp thuế chống bán phá giá với sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc.
Theo ông Hùng, với việc Trung Quốc cắt giảm sản lượng, giúp mặt bằng giá nguyên liệu thép và thép thành phẩm nội địa ổn định như hiện nay, thì dự báo trong quý IV, lợi nhuận của các doanh nghiệp thép sẽ khả quan, bởi đây là thời điểm mà lượng nguyên liệu tồn kho giá thấp cuối quý II được đưa vào sản xuất. Theo đó, tỷ suất lợi nhuận trong quý IV sẽ tốt hơn quý III.
Nguồn tin: ĐTCK