Việc nguồn cung thép bị thắt chặt và giá thép thị trường nội địa ổn định thu hút các nhà máy và các thương lái tập trung nhiều hơn vào thị trường nội địa. Trong khi đó, các thương lái nước ngoài có vẻ vẫn còn dè dặt khi mua thép từ Trung Quốc.
Trong tháng 6, lượng thép xuất khẩu của Trung Quốc giảm do nguồn cung trong nước bị thắt chặt, dữ liệu hải quan nước này cho hay. Xuất khẩu thép Trung Quốc giảm 2,4% so với tháng trước xuống còn 6,81 triệu tấn.
"Việc nguồn cung thép bị thắt chặt và giá thép trong thị trường nội địa ổn định thu hút các nhà máy và các thương lái tập trung nhiều hơn vào thị trường nội địa. Trong khi đó, các thương lái nước ngoài có vẻ vẫn còn dè dặt khi mua thép từ Trung Quốc do họ cho rằng lợi thế về giá vẫn còn chưa rõ ràng", chuyên gia phân tích ngành thép tại Sinosteel Futures, ông Wang Yilin cho hay.
Tình hình xuất khẩu kim loại của Trung Quốc được công bố trong bối cảnh xung đột thương mại ngành thép với Mỹ. Trước đó, tổng thống Donald Trump cho rằng Trung Quốc đang tạo nên một "cơn lũ" thép và nhôm giá rẻ, gây tổn hại đến ngành thép nước Mỹ cũng như đe dọa tới an ninh nội địa. Tuy nhiên, Trung Quốc nhanh chóng bác bỏ ý kiến trên
Quốc gia này cũng từng bị chỉ trích là bán phá giá thép trên thị trường nhằm "đàn áp" các đối thủ khác. Mỹ và EU liên tục lên tiếng điều này, thậm chí còn áp dụng mức thuế đặc biệt đối với thép nhập khẩu từ Trung Quốc.
Tháng Tư, Bắc Kinh và Washington đồng tình với kế hoạch 100 ngày đàm phán về thương mại nhằm tăng cường và tạo điệu kiện thuận lợi trong việc tiếp cận thị trường 2 nước.
Tuy nhiên ông Wang lại cho rằng "Chúng tôi không nghĩ rằng kế hoạch 100 ngày có tác động lớn đối với lượng xuất khẩu thép của Trung Quốc trong tháng 6 do Mỹ chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong tổng lượng thép xuất khẩu của Trung Quốc".
Trung Quốc cắt giảm khoảng 120 triệu tấn thép chất lượng thấp trong nửa đầu năm nay nhằm giải quyết tình trạng thừa sản lượng, đồng thời đối phó với ô nhiễm môi trường.
Thép của Trung Quốc chiếm tới một nửa sản lượng thép của toàn thế giới. Tuy nhiên, chính vì quy mô khai thác và sản xuất thép quá lớn nên quốc gia này đang phải đối mặt tình trạng thừa thép gấp tới 4 lần sản lượng khai thác của Mỹ.
Riêng tỉnh Hà Bắc- nơi được mệnh danh là thủ phủ ngành thép, có tới 104 nhà máy chiếm 1/4 sản lượng Trung Quốc. Tỉnh này cam kết cắt giảm sản lượng tới 31,17 triệu tấn đến hết năm 2017 và 49,13 triệu tấn vào năm 2020. Để thực hiện mục tiêu này, chính quyền địa phương lên kế hoạch đóng cửa toàn bộ nhà máy thép tại thành phố Langfang và Zhangjiakou.
Cuối tuần trước, cơ quan giám sát chất lượng của Trung Quốc cho biết sẽ yêu cầu các cơ quan chức năng thành lập các đội kiểm tra và chọn ngẫu nhiên 100 nhà máy thép để kiểm tra chất lượng. Đồng thời, đến cuối tháng 6 chính phủ tiến hành cắt giảm toàn bộ sản lượng của các nhà máy thép kém chất lượng gây ô nhiễm môi trường do sử dụng các lò đốt cỡ nhỏ và lỗi thời.
Tổng cục Giám sát và Kiểm tra Chất lượng và Kiểm dịch cho biết đối với các nhà máy bị phát hiện sản xuất thép chất lượng thấp có thể sẽ bị tước giấy phép sản xuất nếu không cải thiện chất lượng sản phẩm trong một khoảng thời gian nhất định. Kết quả cuộc điều tra sẽ được đưa ra trong tháng 8 tới.
Không chỉ thép mà ngành nhôm của Trung Quốc cũng phải hứng chịu đợt cắt giảm sản lượng do hoạt động kém hiệu quả, gây ô nhiễm môi trường. Hồi tháng 4, Hội đồng Nhà nước cho biết các công ty tại 28 thành phố cần phải cắt giảm hơn 30% công suất sản xuất nhôm.
Việc Trung Quốc cắt giảm sản xuất nhôm được cho là tin tốt lành bở tạo điều kiện cho các công ty khác trên thế giới lấp đầy khoảng trống trong nguồn cung mà các công ty khai thác nhôm của Trung Quốc để lại.
Trở lại năm 2015, giá thép cuộn trượt dốc tới 33% do xuất khẩu thép Trung Quốc tăng mạnh, lên mức kỷ lục 112 triệu tấn. Hiện tại, giá thép tại Sàn giao dịch hàng hóa tương lai Thượng Hải đã tăng gần 36% so với hồi đầu năm.
Tổng trữ lượng thép cốt SH- TOT- RBARINV vẫn đang trên đà giảm sau khi hạ xuống mức thấp nhất trong vòng 6 tháng đầu năm hồi tháng 6.
Nguồn tin: NDH