Trong thế giới của những doanh nghiệp sản xuất sắt thép, Trung Quốc đang đóng vai “kẻ xấu”, bởi nguồn cung quá lớn từ quốc gia này đã kéo giá thép lao dốc thảm hại, làm cạn kiệt lợi nhuận của các đối thủ.
Để bảo vệ thị trường nội địa, nhiều quốc gia đã có hành động tự vệ, trong đó, tiếng nói quyết liệt nhất xuất phát từ Tổng thống Mỹ Donald Trump, khi ông tuyên bố sẽ có động thái cứng rắn với những “kẻ đổ rác” gây nguy hại tới thị trường kim loại.
Tuy nhiên, liệu Trung Quốc có phải chịu trách nhiệm hoàn toàn cho những “bi kịch” đang xảy ra tại thị trường thép toàn cầu?
Rõ ràng, phần trách nhiệm của Đại lục là không thể phủ nhận. Trong năm 2016, 808 triệu tấn thép thô được sản xuất tại Trung Quốc, chiếm gần một nửa sản lượng toàn cầu. Xuất khẩu thép của quốc gia này tăng gấp đôi kể từ năm 2012, lên mức 108 triệu tấn, tương đương 23% khối lượng giao dịch trên thế giới. 46% trong số 725 triệu tấn thép dư thừa trên thế giới nằm tại Trung Quốc, theo báo cáo của Liên minh Các nhà sản xuất Mỹ (AAM).
Mặc dù vậy, đằng sau những con số này là một sự thật ít được để ý tới. Sản lượng xuất khẩu thép của Trung Quốc mới chỉ tăng mạnh trong 4 năm qua, trong bối cảnh lĩnh vực này tại Mỹ đã bắt đầu thu hẹp kể từ sau khủng hoảng tài chính năm 2008. Điều này đồng nghĩa với việc, thị phần thép của Đại lục tăng mạnh không phải bởi quốc gia này “đàn áp” đối thủ, mà bởi đây là sân chơi không nhiều kẻ mặn mà.
Bên cạnh đó, một yếu tố quan trọng khác là vấn đề nhu cầu. Với việc nhu cầu tiêu thụ tại thị trường Đại lục dần đi xuống và tại Ấn Độ mới bắt đầu bùng nổ, thế giới đang chứng kiến giai đoạn lưng chừng bằng phẳng đối với nhu cầu tiêu thụ thép. Điều này lý giải tại sao, sản lượng thép tăng không nhiều, nhưng lượng dư thừa ngày càng lớn. Cụ thể, sản lượng thép toàn cầu năm 2016 là 1,63 tỷ tấn, thấp hơn so với năm 2013, 2014 và chỉ nhỉnh hơn chút so với mức 1,62 tỷ tấn năm 2015.
Thực tế, ngành công nghiệp này khó tránh được xu hướng tiếp tục tăng trưởng với sản lượng nhiều hơn mức nhu cầu. Đây không phải là vấn đề của riêng Trung Quốc. Dựa theo số liệu từ nghiên cứu của AAM, Nhật Bản là thị trường thép lớn duy nhất đang sản xuất ở mức trên 80% năng lực, mức cơ bản để có được lợi nhuận. Các nhà sản xuất thép lớn khác như khu vực Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Trung Quốc… đều đang phải kiểm soát khối lượng sản phẩm đầu ra ngành này.
Chưa kể, hiện tại, Trung Quốc đang là quốc gia tích cực bậc nhất trong việc giải quyết khủng hoảng thừa tại ngành thép. Năm 2016, sản lượng thép tại quốc gia này bị cắt giảm 45 triệu tấn và từ đầu năm tới nay giảm thêm 32 triệu tấn, theo số liệu của chính phủ Đại lục. Nếu Trung Quốc đạt được mục tiêu đặt ra năm 2017, thì quốc gia này đã giảm lượng thép đúng bằng sản lượng sản xuất của Mỹ 1 năm chỉ trong vòng 24 tháng. Trong khi đó, sản lượng thép tại Mỹ vẫn duy trì ở mức khoảng 110 triệu tấn/năm, vốn đã được giữ vững từ cách đây 1 thập kỷ.
Như vậy, lệnh giới hạn nhập khẩu thép từ Trung Quốc đã trở thành tin tốt lành bậc nhất đối với các nhà sản xuất tại Mỹ, nhưng có lẽ họ không cần nhiều sự trợ giúp tới vậy. Bởi thực tế, các doanh nghiệp sản xuất thép không quá khó khăn như họ đang tỏ ra.
Chẳng hạn, Nucor Corp, nhà sản xuất thép lớn nhất nước Mỹ, có chỉ số EBITDA (thu nhập trước thuế, trả lãi và khấu hao) đạt 16% trong quý I/2017, mức cao nhất kể từ năm 2008. Bên cạnh đó, các nhà sản xuất thép tại Bắc Mỹ, châu Âu và các quốc gia đang phát triển châu Á, có biên lợi nhuận năm 2016 đạt 9,8%, chỉ dưới mức đỉnh 9,9% năm 2010.
Nguồn tin: ĐTCK