Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Trung Quốc: Kinh tế chậm lại, lạm phát tăng cao

Do nền kinh tế Trung Quốc hạ nhiệt một phần nhờ những nỗ lực kiềm chế lạm phát của chính phủ, nên một số nhà kinh tế không tỏ ra lo ngại mà cho rằng sự sụt giảm nhẹ lúc này có thể là dấu hiệu tích cực.

Kinh tế chậm lại sau tăng trưởng nóng

Kinh tế Trung Quốc đã bắt đầu có dấu hiệu chậm lại sau hai năm tăng trưởng nóng. Trong nhiều  ngành nghề, số đơn hàng tồn đọng của các nhà sản xuất Trung Quốc đang thu nhỏ dần, và những người quản lý chịu trách nhiệm thu mua không còn lạc quan về viễn cảnh kinh doanh của họ. Sau khi vượt mặt Mỹ về doanh số bán ô tô trong hai năm qua, thị trường này của Trung Quốc bất ngờ bị đình trệ vào tháng trước, khi các nhà sản xuất ô tô giảm bớt kế hoạch sản xuất.

Do nền kinh tế Trung Quốc hạ nhiệt một phần nhờ những nỗ lực kiềm chế lạm phát của chính phủ, nên một số nhà kinh tế không tỏ ra lo ngại mà cho rằng sự sụt giảm nhẹ lúc này có thể là dấu hiệu tích cực. Theo họ, khi chính phủ "thả phanh" thì tốc độc tăng trưởng kinh tế lại tiếp tục tăng nhanh trở lại. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia khác lại lo ngại rằng, vấn đề lạm phát đã nghiêm trọng đến mức chính phủ buộc phải hãm phanh không chỉ trong một sớm một chiều.

Thế giới giám sát sát sao nhiệt độ của nền kinh tế Trung Quốc, bởi nó có vai trò quan trọng đối với sức khỏe tài chính và kinh doanh toàn cầu. Mùa xuân năm nay, khi các nhà kinh tế tại các ngân hàng đầu tư phương tây giảm dự đoán tăng trưởng của Trung Quốc, mối lo ngại sụt giảm nhu cầu từ nước này đã khiến giá thế giới của các loại hàng hóa công nghiệp giảm 10% hoặc hơn. Thị trường cổ phiếu loại A đã giảm 11,7 % kể từ ngày 18/4.

Dù có những dấu hiệu tăng trưởng chậm của nền kinh tế Trung Quốc nhưng nhiều giám đốc tập đoàn đa quốc gia cho biết họ vẫn cảm thấy lạc quan, đặc biệt khi quan sát những tháng tiếp theo. Và ngay cả khi hôm thứ ba, Goldman Sachs dự đoán tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong quý II đã giảm từ 8,8% xuống còn 8%, họ vẫn dự đoán tốc độ tăng trưởng này sẽ phục hồi lại mức 9,3% trong quý IV.

 

Số giấy phép xe hơi ở Bắc Kinh đã bị cắt giảm.

Những người lạc quan giải thích rằng, kinh tế Trung Quốc đã mở rộng mạnh mẽ cho đến mùa xuân năm nay, ngay cả khi các nhà hoạch định chính sách bắt đầu nhấn phanh để kiềm chế lạm phát từ tháng 10 năm ngoái. Từ quan điểm đó, các nhà hoạch định chính sách có thể dễ dàng nhấn nút gia tốc tăng trưởng sau khi lạm phát bắt đầu giảm dần. Các biện pháp kìm hãm gồm có cả việc yêu cầu các ngân hàng thương mại phải giữ hơn 1/5 tài sản của họ tại ngân hàng trung ương.

Và để kéo chậm lại sự bùng nổ của thị trường bất động sản, chính phủ cũng áp đặt nhiều hạn chế đối với việc ban hành giấy tờ cầm cố. Một trong các biện pháp là yêu cầu thanh toán tiền mặt nhiều hơn để giảm nguy cơ một bất động sản sụp đổ sẽ làm tổn hại đến hệ thống ngân hàng như đã từng xảy ra ở Mỹ.

Một nhân tố khác góp phần làm giảm độ nóng của nền kinh tế Trung Quốc là đầu tư lớn của chính phủ vào tàu cao tốc và các công trình cơ sở hạ tầng khác. Đầu tư này đóng vai trò trung tâm trong quá trình phục hồi nhanh chóng của Trung Quốc  thời điểm năm 2009, nhưng hiện nay đã bắt đầu chững lại.

Tuy nhiên, ông Douglas Hsu, Chủ tịch và Giám đốc điều hành tập đoàn Viễn Đông- công ty đa quốc gia của Đài Loan, lại dự đoán rằng, các nỗ lực hỗ trợ của chính phủ nhằm tăng xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp và di dân từ nông thôn ra thành thị sẽ bù đắp cho mức chi tiêu cho cơ sở hạ tầng giảm dần trong nhiều tháng và nhiều năm tới.

Câu hỏi lớn đặt ra bây giờ là, tăng trưởng kinh tế sẽ giảm bao nhiêu trước khi chính quyền chuyển ưu tiên từ kiềm chế lạm phát sang tăng tốc bộ máy tăng trưởng kinh tế.

Một số doanh nghiệp ở thành phố Trường Sa, thủ phủ tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc cho biết, doanh số bán hàng của họ đã giảm. Ông Li Chuanlian- quản lý cửa hàng bán bếp lò nói: "Việc kinh doanh của chúng tôi đã giảm từ 30-40%. Ngày nào chúng tôi cũng thua lỗ"

Ngắt điện, do giá than tăng, là một vấn đề đau đầu khác của Trung Quốc, bởi nó sẽ có ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều doanh nghiệp. Hôm thứ hai, các nhà quản lý Trung Quốc thông báo sẽ cho phép tăng giá điện ở một nửa số tỉnh trong cả nước, trung bình khoảng 1,67 xu/kwh đối với các đối tượng sử dụng điện trong ngành công nghiệp. Đợt tăng giá điện 2,2% này nhằm mục đích khích lệ các công ty điện lực vận hành các nhà máy điện. Tuy nhiên giá điện có tăng vẫn không thể chạy đua được với giá than đã tăng 36% kể từ đầu năm ngoái. Các cơ sở cung cấp điện cũng không được phép thu giá cao hơn với dân thường để tranh gây lạm phát. Việc thiếu điện cũng đe dọa đến sản lượng của ngành công nghiệp Trung Quốc trong mùa hè này.

Một ngành phát triển rất mạnh trong thập kỷ qua là ngành ô tô. Sự mở rộng nhanh chóng của thị trường ô tô Trung Quốc đã giúp cho nước này vượt qua được suy thoái làm tê liệt thị trường Mỹ hồi năm 2009, sau đó vượt qua mức doanh số cao nhất mà Mỹ từng đạt được. Sản xuất và nhu cầu đã giúp Trung Quốc chống đỡ được tình trạng giá tăng các mặt hàng như dầu, thép và các hàng hóa khác. Tuy nhiên doanh số bán xe hơi, xe tải nhỏ và xe thể thao chuyên dụng trong tháng 4 chỉ tăng 7%  so với năm ngoái, cho thấy năm nay tăng trưởng sẽ chậm lại so với mức tăng trưởng từ 20%-120% mỗi tháng hồi năm 2010.

Cần hãm phanh mạnh mới mong kiềm chế lạm phát

 

Một trung tâm bất động sản giới thiệu mô hình nhà ở mới.

Những lý do chính khiến thị trường này tăng trưởng chậm lại không phải ở sự tin cậy của người tiêu dùng. John Zeng- đồng giám đốc của J. D. Power cho biết, hầu hết dự đoán doanh số sụt giảm (khoảng 260.000 xe hơi) phản ánh tác động của trận động đất ở Nhật Bản đối với chuỗi cung ứng ô tô. Một nửa số bộ truyền động mà Trung Quốc sử dụng được nhập từ Nhật Bản, mà nhà cung ứng này sẽ không thể hoạt động bình thường trở lại cho đến đầu năm sau.

Trong khi đó, ở thành phố Bắc Kinh sôi động, chính quyền đã cắt giảm một nửa số biển ô tô ban hành trong năm nay nhằm tránh ùn tắc giao thông. Động thái này đã làm giảm doanh số bán ô tô dự kiến của Trung Quốc xuống 4% trong năm 2011.

Nhiều nhà kinh tế cho rằng, năm ngoái chính phủ đã chờ đợi quá lâu để làm chậm nền kinh tế. Họ lo ngại rằng lạm phát hiện nay đã quá nghiêm trọng và cần phải "hãm phanh" thật mạnh thì mới có thể kiềm chế được nó.

Một biện pháp Trung Quốc có thể thực hiện để kiềm chế lạm phát là ngừng ban hành thêm hàng triệu NDT mỗi tháng để can thiệp vào thị trường ngoại tệ. Tuy nhiên, không nhiều nhà kinh tế hy vọng việc ngừng can thiệp này sẽ sớm diễn ra.

Theo số liệu thống kê chính thức, giá tiêu dùng tháng 4 tăng 5,3% so với năm ngoái, sau khi leo lên đỉnh 5,4% trong tháng 3. Theo các nhà kinh tế, con số này không phản ánh mức độ lạm phát thực, và trên thực tế con số đó có thể cao gấp đôi.

Mặc dù các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc có rất nhiều lựa chọn để phục hồi tăng trưởng nếu họ tuyên bố đã chiến thắng lạm phát, nhưng họ vẫn phải đối mặt với một thách thức dài hạn. Kinh tế Trung Quốc đơn giản là không thể duy trì mức tăng trưởng hai con số như trong ba thập kỷ qua. Trên thực tế, kế hoạch 5 năm bắt đầu từ năm nay đặt ra mức tăng trưởng 7% từ 2011 đến 2015.

Vấn đề nằm ở chỗ, Trung Quốc phụ thuộc quá nhiều vào mức đầu tư nhà xưởng, cơ sở hạ tầng và xây dựng các căn hộ để duy trì tăng trưởng. Mức nợ tăng chậm tại các chính quyền địa phương và các công ty lớn đã cấp vốn cho những đầu tư này cho thấy, đầu tư đó có thể sẽ không bền vững.  Không những thế, lợi ích kinh tế từ các đường cao tốc mới và các dự án cơ sở hạ tầng công cộng khác đang giảm dần.

Hiện nay, những vị trí đẹp nhất đã được xây dựng hết, các nhà quy hoạch đang mở rộng các các vùng ít giàu có hơn và các vùng xa xôi. Một số nhà kinh tế dự đoán ảnh hưởng này sẽ chỉ nghiêm trọng hơn trong vòn hơn 5 năm tới, nhưng nhiều người khác lại cho rằng vấn đề sẽ trở nên nghiêm trọng trong một ngày không xa.

Nguồn tin: VEF

ĐỌC THÊM