Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Trung Quốc: Kinh tế quá nóng

Những số liệu mà Chính phủ Trung Quốc vừa công bố cho thấy một sự bùng nổ tăng trưởng ở nhiều lĩnh vực kinh tế, làm sống lại nỗi lo lắng rằng Bắc Kinh phải làm nhiều hơn nữa để ngăn nền kinh tế trở nên quá nóng và bùng vỡ.
 
Quá nóng 
Tổng cục Thống kê nhà nước Trung Quốc hôm thứ Hai 10/5 cho biết doanh số bán lẻ và dư nợ tín dụng tăng nhanh trong tháng 4/2010, trong khi áp lực lạm phát cũng tăng theo. Trong lĩnh vực bất động sản, giá nhà đất bình quân ở 70 thành phố lớn và trung bình của nước này đã tăng 12,8% so với một năm trước, là mức tăng cao nhất kể từ khi loại dữ liệu này được ghi nhận vào năm 2005 và cao hơn mức 11,7% của tháng 3/2010, cho dù chính quyền đã áp dụng nhiều biện pháp ngăn chặn đầu cơ và làm nguội thị trường. Riêng tại Bắc Kinh và Thâm Quyến, giá nhà đất vào thời điểm đầu tháng 4/2010 đã tăng tới 22,5% so với cùng kỳ năm trước.

Đà tăng giá bất động sản là dấu hiệu mới nhất cho thấy kinh tế Trung Quốc đã hồi phục và đang bùng nổ. Trong quý 1 năm nay, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đạt 11,9% so với cùng kỳ, mức tăng nhanh nhất trong ba năm qua. Trong tháng 4/2010, doanh số bán lẻ tăng 18,5% - đáng chú ý là số xe hơi bán ra trong tháng 4 đã lên tới 1,1 triệu chiếc, tăng 32% so với cùng kỳ năm ngoái.

Xu thế tăng giá bất động sản và tiêu dùng xa xỉ được hỗ trợ bởi dòng tín dụng dồi dào với lãi suất thấp từ sự nới lỏng cho vay của các ngân hàng. Ngân hàng trung ương Trung Quốc cho biết, các ngân hàng thương mại trong nước trong tháng 4 đã giải ngân 775 tỷ NDT (113 tỷ USD) cho các món vay mới, tăng gấp rưỡi so với mức 510 tỷ NDT cho vay trong tháng 3/2010, mặc dù tổng dư nợ tháng 3 đã tăng 27% so với tháng trước đó. Chỉ tiêu dư nợ tín dụng mà chính phủ Trung Quốc đặt ra cho các ngân hàng năm nay thấp hơn năm ngoái nhưng vẫn cao hơn 50% so với năm 2008. Sản xuất công nghiệp và đầu tư vào tài sản cố định - hai thước đo chính của tăng trưởng kinh tế - có chậm lại một chút so với tốc độ của tháng 3/2010 nhưng vẫn rất mạnh: sản xuất công nghiệp tăng 17,8% và đầu tư tăng 25,6% so với một năm trước. Trong tháng 4/2010, chỉ số giá tiêu dùng của Trung Quốc đạt mức 2,8%, cao hơn mức 2,6% của tháng 3, cho thấy áp lực lạm phát ngày càng lớn. Trong ngoại thương, sau khi bị thâm hụt 7,2 tỉ USD vào tháng trước - lần thâm hụt thương mại đầu tiên của nước này - Trung Quốc đã quay trở lại tình trạng xuất siêu với thặng dư thương mại trong tháng 4/2010 là 1,7 tỉ USD.

Tiến thoái lưỡng nan

Theo giới phân tích, những số liệu mới công bố cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đã trở lại tăng trưởng nóng, giống như thời kỳ năm 2007 và đầu năm 2008, có thể sẽ làm gia tăng áp lực buộc Bắc Kinh phải nâng lãi suất cơ bản và để cho đồng tiền - đồng nhân dân tệ (NDT) - tăng giá so với các ngoại tệ mạnh khác. Nếu Trung Quốc điều chỉnh tỷ giá theo hướng tăng, hàng hóa và nguyên liệu nhập khẩu vào nước này, chẳng hạn nhu xăng dầu, lúa mì, quặng sắt… sẽ trở nên rẻ hơn, góp phần làm giảm áp lực lạm phát, nhưng ngược lại cũng làm cho hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc trở nên đắt hơn, giảm sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Xử lý như thế nào để đạt được sự cân bằng là bài toán khó của các nhà hoạch định chính sách kinh tế Trung Quốc. Thủ tướng Ôn Gia Bảo và các cố vấn kinh tế hàng đầu như thống đốc Ngân hàng trung ương Chu Tiểu Xuyên, nhà điều hành ngân hàng Lưu Minh Khương đều cho rằng, nhất thiết phải làm nguội nền kinh tế. Nhưng Trung Quốc khó mà thực thi những biện pháp siết chặt tín dụng hay hạn chế đầu tư vì đất nước này cần tăng GDP mỗi năm hơn 8% để tạo công việc làm cho khoảng 10 triệu người tham gia thị trường lao động. Nhiều nhà kinh tế học công nhận chính phủ Bắc Kinh đã quản lý tương đối tốt sự tăng trưởng kinh tế trong năm ngoái, nhưng các quan chức nước này vẫn lo ngại giá bất động sản đang phình lên nhanh, khi bùng vỡ sẽ đe dọa nền kinh tế và sự ổn định xã hội.

Trong tháng qua, Trung Quốc đã có những biện pháp siết chặt thị trường bất động sản như cấm ngân hàng cho vay mua ngôi nhà thứ ba, nâng yêu cầu về thế chấp và tỷ lệ thanh toán trước đối với việc vay tiền mua ngôi nhà thứ hai… Để hạn chế sự gia tăng lạm phát, chính phủ Trung Quốc cũng đã yêu cầu các ngân hàng tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc - lần thứ ba trong năm nay - gián tiếp làm giảm nguồn vốn cho vay tiêu dùng, làm chậm đà gia tăng sức mua của xã hội. Nhưng các biện pháp đó vẫn không ngăn được dòng tiền đổ vào bất động sản hay làm giảm đà tăng giá hàng hóa. Về chính sách lãi suất, Wang Tao, nhà phân tích của công ty chứng khoán thuộc Ngân hàng UBS tại Bắc Kinh, nhận định: “Ngay lúc này tăng trưởng đã quá mạnh mẽ. Dư nợ cho vay lớn hơn mong đợi. Chúng tôi kỳ vọng lãi suất sẽ tăng vào tháng sau”. Tuy vậy, chính phủ Trung Quốc quyết định không tăng lãi suất. Ngay sau khi Ngân hàng trung ương Trung Quốc công bố tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc từ 16,5% lên 17% hồi đầu tháng, Bộ trưởng Tài chính Xie Xuren nói rằng chính phủ cam kết duy trì chính sách mở rộng để củng cố sự phục hồi kinh tế.

Trung Quốc cũng không tỏ dấu hiệu bãi bỏ việc “neo” giá trị đồng NDT vào đô la Mỹ thực thi từ giữa năm 2008 với tỷ giá 1 USD ăn 6,83 NDT, bất chấp áp lực từ Mỹ, châu Âu và nhiều nước khác, nhất là vào lúc đồng đô la Mỹ được coi là nơi trú ẩn an toàn khi châu Âu ngày càn lún sâu vào khủng hoảng nợ công, xói mòn sức mạnh của đồng euro. Bất đồng quan điểm giữa Ngân hàng trung ương Trung Quốc muốn tăng giá đồng NDT để chống lạm phát với bộ Thương mại nước này muốn duy trì tỷ giá đồng NDT ở mức thấp để thúc đẩy xuất khẩu, tạo công ăn việc làm, xem ra vẫn chưa được giải tỏa.

Thị trường bất an

Sự thiếu quyết liệt của chính phủ Trung Quốc trong việc làm nguội nền kinh tế khiến cho nhiều nhà kinh tế học tỏ ra bi quan về triển vọng của nền kinh tế này, vài người đưa ra dự báo kinh tế Trung Quốc sẽ “sụp đổ” trong vòng 12 tháng tới vì vỡ bong bóng bất động sản và khủng hoảng nợ khó đòi ở các ngân hàng. Trên thị trường, giới đầu tư cũng tỏ ra bất an cho dù chính phủ Trung Quốc liên tiếp đưa ra những thông tin tốt để củng cố lòng tin. Theo nhà đầu tư “huyền thoại” Marc Faber, lẽ ra biện pháp siết chặt đầu cơ bất động sản của chính phủ Trung Quốc có thể thôi thúc nhà đầu tư đổ xô vào thị trường chứng khoán, nhưng vì giá chứng khoán Trung Quốc “đã đụng trần” nên thay vì mua cổ phiếu, nhà đầu tư Trung Quốc đổ xô đi mua vàng, đẩy giá vàng thế giới lên cao chót vót.

Hồi tháng 3/2010, tập đoàn ngân hàng Citigroup cảnh báo, theo “kịch bản xấu nhất”, nợ không trả được của các tổ chức đầu tư thuộc chính quyền các địa phương Trung Quốc có thể phình lên tới 2.400 tỉ USD vào năm 2011. Còn Ngân hàng BNP Paribas hôm 24/4 dự báo giá nhà đất trên khắp Trung Quốc có thể giảm khoảng 20% trong nửa cuối năm nay sau khi tăng đến đỉnh điểm hiện nay. Thế nhưng theo kết quả một cuộc thử nghiệm khả năng chịu đựng của hệ thống ngân hàng thương mại do Ủy ban điều hành ngân hàng Trung Quốc tiến hành hồi tháng 2/2010, nếu giá nhà đất ở các trung tâm thương mại lớn giảm 10% thì tỷ lệ nợ khó đòi của các ngân hàng này sẽ tăng gấp ba lần. Ủy ban điều hành ngân hàng cũng đã yêu cầu tất cả các ngân hàng thương mại phải báo cáo tình trạng tín dụng vào cuối tháng 6 tới để chính phủ nắm được thực trạng nợ nần mà chính quyền các địa phương đã vay để đầu tư những dự án không sinh lợi.

Chính phủ Trung Quốc rõ ràng phải có những biện pháp làm nguội nền kinh tế trong năm nay hoặc phải đương đầu với tình trạng sụp đổ bất động sản và tín dụng, dẫn tới những hệ quả không mong muốn về chính trị và xã hội. Một cuộc khủng hoảng ở Trung Quốc chắc chắn cũng sẽ tác động tiêu cực tới hoạt động thương mại ở châu Á, làm lung lay các nền kinh tế dựa vào xuất khẩu nguyên liệu sang Trung Quốc như Úc và Brazil, gây tổn thương cho các nền kinh tế lớn và đang hồi phục như Mỹ, Nhật Bản và châu Âu… Hơn lúc nào hết, tương lai kinh tế thế giới đang phụ thuộc rất nhiều vào sự tỉnh táo của các nhà lãnh đạo Trung Quốc.
 

stockbiz

ĐỌC THÊM