Trung Quốc, nước có dự trữ ngoại hối 2,45 nghìn tỷ USD lớn nhất thế giới, hiện đang quan tâm nhiều hơn đến châu Âu và Nhật thay cho Mỹ.
Ông Yu Yongding, cựu chuyên gia tư vấn cho Ngân hàng Trung ương Trung Quốc và là thành viên nhóm hoạch định chính sách đối với thị trường nước ngoài, cho biết Trung Quốc đã mua mạnh trái phiếu chính phủ nhóm nước châu Âu.
Ngoài ra, thông tin từ Bộ Tài chính Nhật ngày 09/08 cho thấy giá trị mua trái phiếu chính phủ Nhật của Trung Quốc trong nửa đầu năm 2010 nhiều hơn giá trị bán 20 tỷ USD, mức tăng mạnh nhất trong ít nhất 5 năm.
Quan điểm của Trung Quốc có thể khiến đồng USD khó hồi phục sau khi đã giảm tới 10% so với mức đỉnh cao thiết lập vào tháng 6/2010.
So với mức đỉnh cao vào tháng 7/2009, tính đến hết tháng 5/2010, Trung Quốc đã giảm 72,2 tỷ USD tương đương 7,7% giá trị trái phiếu chính phủ Mỹ đang nắm giữ.
Những lo lắng về khả năng kinh tế Mỹ tăng trưởng chững lại đã trở thành hiện thực sau khi chủ tịch FED vào ngày 10/08/2010 đã nhận định đà phục hồi của kinh tế Mỹ sẽ không được như tính toán trước đây.
FED công bố kế hoạch đầu tư tiền thu được từ chứng khoán đảm bảo bằng thế chấp vào trái phiếu Bộ Tài chính để ngăn tiền bị rút ra khỏi hệ thống tài chính. Lần đầu tiên trong hơn 1 năm, FED công bố biện pháp kích thích tăng trưởng.
Các Ngân hàng Trung ương tại châu Á nắm giữ hơn 60% tổng dự trữ ngoại hối của thế giới. Nhóm ngân hàng này cũng đang quay lưng với đồng USD. Lo lắng về tăng trưởng kinh tế Mỹ và việc Bộ Tài chính Mỹ vay nợ quá nhiều, họ tìm đến với tài sản đồng euro nhiều hơn.
Số liệu từ chính phủ Hàn Quốc, Malaysia và Ấn Độ cho thấy lượng nắm giữ trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ giảm.
Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) công bố 3 tháng cuối năm 2009, dự trữ bằng đồng USD trong dự trữ chính thức của thế giới giảm xuống 61,5% từ mức 62,2%.
Dự trữ bằng đồng yên lên mức 3,1% từ mức 3%. Dự trữ bằng đồng euro là 27,2%, không có nhiều thay đổi từ con số 27,3%.
CAFEF