Trung Quốc vừa tăng cường chiến dịch hạ nhiệt giá hàng hóa bằng cam kết trừng phạt nghiêm khắc đối với các hành vi đầu cơ và tung tin giả để thổi giá hàng hóa.
Không khoan nhượng nạn đầu cơ, thổi giá
Trong tuyên bố mới ra ngày 24/5, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc (NDRC) khẳng định chính phủ sẽ "không khoan nhượng" hành vi độc quyền kinh doanh hàng hóa trên thị trường giao ngay và giao sau.
Quan điểm cứng rắn của chính quyền Bắc Kinh đã tác động mạnh đến thị trường hàng hóa nội địa, đẩy giá nhôm đi xuống, giá thép giảm hơn 5% và giá quặng sắt gần như chạm biên độ dao động thấp nhất trong ngày.
Từ đầu năm đến nay, tuyên bố của NDRC là bình luận nghiêm khắc nhất của chính phủ Trung Quốc về đà tăng điên cuồng của thị trường hàng hóa. Trước đó, Bắc Kinh bắt đầu cảnh báo về tình trạng giá nguyên liệu thô tăng mạnh vào tháng 4 năm nay.
Đáng chú ý, thông điệp mới của NDRC được phát đi ngay sau cuộc họp của 5 cơ quan chính phủ Trung Quốc cùng lãnh đạo của một số doanh nghiệp thép, quặng sắt, đồng và nhôm hàng đầu đất nước ngày 23/5 vừa qua.
Tại cuộc họp, các quan chức chính phủ cho biết tình trạng đầu cơ và xu hướng giá hàng hóa trên thị trường quốc tế là nguyên nhân dẫn đến bất ổn trên thị trường hàng hóa trong nước thời gian gần đây.
Liên quan đến động thái mới của NDRC, ông Li Ye - chuyên gia phân tích tại công ty tư vấn hàng hóa Shenyin Wanguo Futures (trụ sở tại Thượng Hải), cảnh báo: "Khi chính phủ Trung Quốc can thiệp sâu hơn, tâm lý của các thương nhân trên thị trường có thể trở nên bất ổn và giá hàng hóa chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng".
"Giá hàng hóa tăng nhanh đã tác động xấu đến hoạt động của các nhà sản xuất và số đơn đặt hàng của thị trường, khiến doanh nghiệp thua lỗ và rơi vào cảnh vỡ nợ", ông Ye chia sẻ thêm.
Theo Reuters, một số công ty xây dựng tại đất nước tỷ dân đã bắt đầu hạn chế mua thêm vật liệu xây dựng do lo ngại giá thép đang bị thổi phồng quá mức.
Một công ty xây dựng có trụ sở tại Quảng Đông cho biết họ hiện chỉ mua khoảng 5% khối lượng thép so với thông thường sau khi giá thép tăng nóng. Nếu không có sự kiện bất thường xảy ra, nhà thầu này thường bổ sung tồn kho thép hàng tuần.
Một nhà thầu khác ở tỉnh Chiết Giang (ở miền đông Trung Quốc) cũng đang giảm tốc độ mua vật liệu xây dựng và trên thực tế "chỉ nhập các hàng hóa cần thiết nhất" để theo dõi thêm diễn biến của thị trường.
Nỗi lo lạm phát
Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu bắt đầu phục hồi hậu đại dịch COVID-19, nhu cầu hàng hóa tăng cao đột biến, khiến giá cả tăng phi mã từ đầu năm đến nay. Chỉ số hàng hóa của Bloomberg thậm chí còn tăng lên mức đỉnh một thập kỷ.
Ngoài ra, Bắc Kinh còn đang ra sức kiểm soát lượng phát thải khí nhà kính nên các lĩnh vực gây ô nhiễm nghiêm trọng như luyện thép cũng bị ảnh hưởng. Giá một số hàng hóa như thép, quặng sắt,... ở đất nước tỷ dân càng có cơ hội tăng cao hơn.
Bloomberg nhận định, nỗ lực ghìm cương giá hàng hóa của Trung Quốc sẽ thổi bùng cuộc tranh luận mới về rủi ro lạm phát trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu dần vực dậy từ đại dịch.
Tháng 4 năm nay, chỉ số giá sản xuất (PPI) của Trung Quốc tăng trưởng với tốc độ nhanh nhất trong hơn ba năm, làm dấy lên lo ngại rằng giá nguyên liệu thô đắt đỏ hơn có thể ảnh hưởng đến triển vọng phục hồi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới hoặc tác động đến giá tiêu dùng.
Song, cũng phải lưu ý rằng các khuyến cáo của Bắc Kinh thực chất là đang nhằm mục đích hạ nhiệt giá thép. Sau khi chính quyền Chủ tịch Tập Cận Bình ra lệnh giảm sản lượng thép trong năm nay, giá thép bất ngờ tăng vọt.
"Cứ mỗi tuần trôi qua, chính phủ Trung Quốc lại ra một thông báo mới để xoa dịu giá thép. Các cải cách giảm công suất luyện thép do Bắc Kinh ban hành đã làm tăng giá thép và biên lợi nhuận của doanh nghiệp ngành thép", ông Atilla Widnell, Giám đốc Điều hành hãng tư vấn Navigate Commodities, lý giải.
Tại thời điểm 11h ngày 24/5 (theo giờ địa phương), giá thép xây dựng giao sau tại Trung Quốc giảm 3,7% so với đầu phiên, trong khi giá thép cuộn cán nóng giảm 4%.
Nguồn tin: Vietnambiz