Trung Quốc năm ngoái sản xuất 660 triệu tấn thép nhưng chỉ tiêu thụ nội địa 500 triệu tấn. Ảnh Reuters |
- Chính sách kích cầu của Trung Quốc đã khiến sản lượng công nghiệp của nước này tăng lên quá nhiều, có thể dẫn đến một làn sóng xuất khẩu sản phẩm giá rẻ trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu suy yếu và có thể làm tăng các phản ứng bảo hộ từ các nước khác.
Theo hãng tin AP, Phòng thương mại Liên minh châu Âu tại Trung Quốc trong một báo cáo đưa ra hôm nay, thứ Năm 26-11, cho biết, các ngành công nghiệp thép, xi-măng và nhựa “vẫn đang mở rộng một cách mù quáng” bất chấp sự suy giảm tồi tệ nhất của kinh tế thế giới.
Trong một buổi họp báo, ông Joerg Wuttke, chủ tịch của phòng thương mại này cho biết, hoạt động đầu tư của Trung Quốc trong nửa đầu năm nay đã tăng 40% so với năm trước, “vì vậy có thể sắp có một đợt dư thừa lớn”.
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng đã đưa ra những cảnh báo tương tự về tình trạng đầu tư quá mức, thiếu kiểm soát và đang cố gắng hạn chế nguồn vốn chảy vào các ngành thép, xi-măng và các lĩnh vực khác. Nhưng theo ông Wuttke, tình trạng dư thừa hiện nay có thể khiến các nhà sản xuất hạ giá để xuất khẩu phần sản phẩm bị tồn đọng. Điều này càng khiến các nước khác phải tăng cường bảo vệ thị trường, bảo vệ việc làm cho người lao động do tình trạng thất nghiệp đang ở mức cao.
Wuttke nói “Áp lực phải đẩy lượng hàng tồn ra khỏi Trung Quốc nhiều khả năng làm tăng chủ nghĩa bảo hộ trong tương lai”. Ông phán đoán, trong năm tới trên thế giới sẽ có rất nhiều vụ kiện chống bán phá giá chống lại các công ty Trung Quốc.
Các nhà kinh tế học và các nhóm doanh nghiệp đã cảnh báo rằng gói kích cầu trị giá 4 ngàn tỉ nhân dân tệ (586 tỉ đô la Mỹ) của Bắc Kinh có thể dẫn tới tình trạng đầu tư quá mức. Nước này bơm tiền vào nền kinh tế chủ yếu qua việc xây dựng các sân bay và công trình công cộng, do đó thúc đẩy việc mở rộng sản xuất kinh doanh của các nhà máy thép và các ngành công nghiệp liên quan đến xây dựng.
Gói kích thích góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong quý 4 lên 8,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Việc thăng dư thương mại ngày càng lớn của Trung Quốc từ lâu đã trở thành vật cản trong mối quan hệ với Washington, đồng thời cũng làm tăng sự bức xúc từ phía châu Âu. Mỹ đã áp thuế chống bán phá giá với các hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc như vỏ xe và ống thép với lý do có sự trợ cấp không chính đáng.
Xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 10 đã giảm 13,8% so với năm ngoái, xuống còn 110,8 tỉ đô la Mỹ, tuy nhiên khối lượng thặng dư thương mại vẫn ở mức 24 tỉ đô la Mỹ.
Chính phủ Trung Quốc cho biết, từ tháng 9 tới nay, họ đã từ chối cấp phép cho 47 dự án với tổng số vốn trên giấy tờ là 191 tỉ nhân dân tệ (28 tỉ đô la Mỹ) trong lĩnh vực thép, thủy tinh và xi-măng. Số dự án đầu tư được cấp phép là 339 dự án với tổng số vốn 1,7 ngàn tỉ nhân dân tệ (252 tỉ đô la Mỹ).
Theo nghiên cứu của ông Charles-Edouard Bouee, giám đốc khu vực châu Á của công ty tư vấn chiến lược Roland Berger, trong ngành thép, sản lượng hàng năm của Trung Quốc là 660 triệu tấn và các nhà máy đang tăng thêm 58 triệu tấn mặc dù trong năm ngoái họ bán được chưa tới 500 triệu tấn.
Trung Quốc hiện đang phải đối mặt với các vấn đề tương tự trong các ngành nhôm, xi-măng, nhựa, lĩnh vực tinh chế và sản xuất thiết bị điện gió.
Trong lĩnh vực hóa dầu, phần lớn nhu cầu trong nước được Trung Quốc nhập từ các nước châu Á, nhưng vẫn tiến hành xây dựng các nhà máy sản xuất riêng. Theo Wuttke, việc này sẽ dẫn đến “sự dư thừa lớn trong khu vực và ảnh hưởng đến Nhật Bản và Hàn Quốc.”
(KTSG)