Tổng vốn đăng ký đầu tư của các doanh nghiệp Trung Quốc vào Việt Nam 2 tháng đầu năm 2017 tăng nhanh chóng, đạt mức 721,7 triệu USD.
Trung Quốc đầu tư 721 triệu USD, đăng ký 123 dự án
Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa công bố tình hình thu hút đầu tư nước ngoài (ĐTNN) vào Việt Nam 2 tháng đầu năm 2017.
Theo đó, tính đến ngày 20/2/2017, cả nước có 22.904 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 297 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án ĐTNN ước đạt 156,35 tỷ USD, bằng 52,6% tổng vốn đăng ký còn hiệu lực.
Các nhà ĐTNN đã đầu tư vào 19/21 ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng cao nhất với 175,2 tỷ USD, chiếm 59% tổng vốn đầu tư, tiếp theo là các lĩnh vực kinh doanh bất động sản với 52,4 tỷ USD (chiếm 17,6% tổng vốn đầu tư), sản xuất, phân phối điện, khí nước với 12,9 tỷ USD (chiếm 4,3% tổng vốn đầu tư).
Trong hai tháng đầu năm 2017, vốn Trung Quốc được rót mạnh vào thị trường
Việt Nam, vượt qua Hàn Quốc và Nhật Bản
Đáng chú ý, trong số 61 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án FDI tại Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2017, Trung Quốc đã vượt qua Hàn Quốc, Nhật Bản để trở thành đối tác lớn thứ 2 về FDI của Việt Nam sau Singapore.
Số liệu thống kê cho thấy, trong 2 tháng, các nhà đầu tư đến từ Trung Quốc đã đăng ký thực hiện 123 dự án tại Việt Nam và 174 lượt mua cổ phần, chiếm 21,1% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam.
Một số dự án tiêu biểu có sự góp mặt của nhà đầu tư Trung Quốc như: dự án nhà máy sản xuất Polyester và sợi tổng hợp Billion Việt Nam (tổng vốn đầu tư 220 triệu USD) đươc doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư tại Tây Ninh.
Dự án đầu tư cơ sở hạ tầng cụm công nghiệp Lan Sơn và nhà máy nhựa Khải Hồng Việt (tổng vốn đầu tư 150 triệu USD) do Công ty Wenzhou Hendy Mechanism and Plastics Co., Ltd (Trung Quốc) đầu tư tại Bắc Giang.
Khó từ chối?
Một nghiên cứu được trình bày tại hội thảo “Vietnam Forum 2016: Vietnam Thirty years of Doi Moi and beyond” tổ chức hồi tháng 4/2016 tại Singapore do Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS-Yusof Ishak tổ chức đã chỉ ra rằng phần lớn FDI Trung Quốc đều hướng đến các lĩnh vực khai thác tài nguyên thiên nhiên, những lĩnh vực mà chính phủ Trung Quốc luôn có rất nhiều ưu đãi cho các doanh nghiệp tiến ra toàn cầu.
Tỷ lệ các dự án đầu tư vào dầu mỏ và khai khoáng của Trung Quốc vào nước ta chiếm tới 70% tổng số các dự án, trong đó đáng chú ý là các dự án sắt, thép, xi măng, bauxite.
FDI Trung Quốc không quan tâm đến chuyển giao công nghệ và ngày càng có xu hướng gây ra ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Đặc biệt, việc Trung Quốc đón đầu xu hướng TPP ở Việt Nam nên thời gian qua đã có một làn sóng đột biến FDI Trung Quốc đầu tư vào các ngành dệt nhuộm. Điều này vừa giết chết ngành sản xuất dệt may trong nước đồng thời cũng biến Việt Nam thành một bãi rác ô nhiễm khổng lồ.
Báo cáo cũng khẳng định, FDI Trung Quốc mang theo những thiết bị mà Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng được hoặc có thể có lựa chọn khác từ những nhà đầu tư thân thiện với môi trường hơn. Điều đáng quan ngại là xu hướng này diễn ra đồng thời với việc thời gian qua chính phủ Trung Quốc đã đóng cửa hàng chục ngàn nhà máy do công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường trầm trọng tại nước họ. Liệu có mối quan hệ nào giữa việc các doanh nghiệp gây ô nhiễm ở Trung Quốc đóng cửa và sau đó chuyển sang Việt Nam?
Tác giả bài viết trên khẳng định, Việt Nam vẫn cần nên khó có thể từ chối FDI, vì vậy phải tăng cường thêm nguồn lực cho việc giám sát thực thi những quy định, tiêu chuẩn về môi trường để ngăn chặn kịp thời hậu quả xảy ra với môi trường.
Nguồn tin: Đất việt