Giá quặng sắt giao ngay của Australia tăng vọt tới 20% chỉ trong vòng 1 tháng lên mức 67 USD/tấn. Giá than cốc Australia dùng cho luyện thép cũng tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái đạt mức 160 USD/tấn.
Sản lượng thép của Trung Quốc đang được đẩy mạnh kéo theo nhu cầu quặng sắt cũng tăng theo. Điều này lý giải cho nguyên nhân tại sao giá nguyên liệu thô này thời gian gần đây liên tục tăng. Tuy nhiên, đây lại là cơn ác mộng đối với các nhà máy sản xuất thép của Nhật khi lợi nhuận của họ bị giảm.
Giá quặng sắt giao ngay của Australia tăng vọt tới 20% chỉ trong vòng 1 tháng lên mức 67 USD/tấn. Giá than cốc Australia dùng cho luyện thép cũng tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái đạt mức 160 USD/tấn.
Tại Nhật Bản, các nhà máy luyện thép sử dụng lò đốt bằng điện mua nguyên liệu đầu vào là thép phế liệu thay vì quặng sắt. Tuy nhiên, giá thép phế liệu cũng tăng 20% kể từ tháng 5 lên mức 240 USD/tấn.
Các đợt tăng giá này là do nhu cầu nhu cầu ở Trung Quốc tăng mạnh. Quốc gia này nhập khẩu hơn 3,15 triệu tấn quặng mỗi ngày chỉ trong tháng 6- mức cao kỷ lục từ trước đến nay. Trước đó, chính phủ Trung Quốc đã thực hiện chiến dịch "càn quét" đóng cửa các nhà máy sản xuất thép kém chất lượng. Điều này dẫn đến tình trạng thiếu các loại thép cho xây dựng cũng như thép tấm (steel sheet).
Chiến dịch kích thích nền kinh tế của Bắc Kinh đã kéo theo ngành xây dựng và bất động sản phát triển nở rộ. Trong khi đó, sản lượng thép giảm đột ngột do hàng loạt các nhà máy có lượng phát thải khí vượt quá quy định bị đóng cửa đã đẩy giá kim loại này lên cao. Đồng thời, quốc gia này cũng thắt chặt xuất khẩu thép do nguồn cung trong nước bị thu hẹp trong khi nhu cầu đang tăng cao. Trong tháng 6, lượng thép xuất khẩu của Trung Quốc giảm do nguồn cung trong nước bị thắt chặt. Dữ liệu hải quan nước này cho hay, xuất khẩu thép Trung Quốc giảm 2,4% so với tháng trước xuống còn 6,81 triệu tấn.
Thép của Trung Quốc chiếm tới một nửa sản lượng thép của toàn thế giới. Trung Quốc cắt giảm khoảng 120 triệu tấn thép chất lượng thấp trong nửa đầu năm nay nhằm giải quyết tình trạng thừa sản lượng, đồng thời đối phó với ô nhiễm môi trường.
Tổng cục Giám sát và Kiểm tra Chất lượng và Kiểm dịch cho biết đối với các nhà máy bị phát hiện sản xuất thép chất lượng thấp có thể sẽ bị tước giấy phép sản xuất nếu không cải thiện chất lượng sản phẩm trong một khoảng thời gian nhất định. Kết quả cuộc điều tra sẽ được đưa ra trong tháng 8 tới.
Đây được xem là cơ hội lớn dành cho các nhà máy luyện thép Trung Quốc sử dụng lò đốt bằng điện đáp ứng tiêu chuẩn môi trường. Hiện những nhà máy này đang đẩy sản lượng do giá thép đang tăng mạnh.
Các nhà máy luyện thép sử dụng lò đốt bằng điện khu vực Đông Nam Á đã "quay lưng" với sắt phế liệu và thép thô bán thành phẩm của Trung Quốc và chuyển sang sử dụng thép phế liệu của Nhật Bản do giá thành rẻ hơn.
Năm ngoái, tại thị trường Nhật Bản, giá nguyên liệu thô và nhiên liệu liên tục leo thang khiến các nhà máy sản xuất thép tìm cách nâng giá sản phẩm mình để cân bằng lợi nhuận. Tuy nhiên, xu thế nhu cầu thép nội địa tăng quá chậm khiến cơ hội tăng giá thép gần như là không có, đồng nghĩa với lợi nhuận của các nhà máy bị tổn hại đáng kể.
Thế nhưng, đợt tăng giá nguyên liệu thô lần này được cho là không bền vững. Thị trường quặng sắt về dài hạn vẫn đang bị thừa trữ lượng do các mỏ khai thác mới đang bắt đầu khai thác. Tại Trung Quốc, trữ lượng quặng sắt tại các cảng đang đạt mức kỷ lục sau khi các thương lái gom hàng, tích trữ trước triển vọng sản lượng thép sẽ tăng.
Đồng thời chính sách thắt chặt tiền tệ của Bộ tài chính Trung Quốc có thể làm giảm nhu cầu quặng sắt. "Các ngân hàng đang thắt chặt tín dụng đối với các nhà máy sản xuất thép lớn buộc họ phải mua quặng bằng tiền mặt", ngân hàng Citigroup cho biết. Ngân hàng này đồng thời còn dự báo giá quặng sắt có thể rơi xuống 40 USD/tấn.
Đồng thời, nhu cầu thép phế liệu ở Nhật Bản cũng sẽ giảm trong tháng này do các nhà máy thép sử dụng lò đốt điện cắt giảm sản lượng. Một giám đốc của nhà máy thép nước này cho hay "Khả năng cao giá thép phế liệu sẽ bắt đầu giảm xuống vào giữa tháng 8".
Nguồn tin: Vinanet