Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Trung Quốc và cuộc chiến vì quặng sắt

Sắt thép là xương sống cho sự phát triển kinh tế kỳ diệu của Trung Quốc trong những năm qua. Quí I/2010, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đạt 11,9% so với cùng kỳ năm trước. Đóng góp hơn 43% cho sự tăng trưởng này là từ đầu tư vào các tài sản cố định như đường sá, công xưởng, nhà ở và máy móc. Những tài sản cố định này phụ thuộc nặng nề vào sắt thép, dù ở góc độ vật liệu xây dựng hay máy móc thiết bị.

Quặng sắt là nguyên liệu đầu vào chủ yếu của hoạt động sản xuất thép. Do đó, duy trì giá quặng sắt ổn định cũng đồng nghĩa với việc duy trì một chi phí ổn định cho quá trình hiện đại hóa nền kinh tế. Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã đấu tranh để duy trì giá quặng sắt cố định, mặc dù nhu cầu quặng sắt tăng mạnh sẽ kéo giá tăng theo quy luật cung-cầu.

Trong 40 năm trở lại đây, các nhà cung ứng và nhập khẩu quặng sắt lớn trên thế giới thường sử dụng hệ thống định giá tham chiếu để quyết định các hợp đồng quặng sắt. Trong hệ thống này, giá của hợp đồng đầu tiên được đàm phán với các nhà cung ứng và nhập khẩu quặng sắt lớn cho năm có thể được sử dụng cho tất cả các hợp đồng tương lai giữa các xưởng luyện thép và các nhà cung ứng trong năm đó. Điều này giúp cho các xưởng sản xuất thép tự bảo hiểm cho mình khỏi biến động giá quặng sắt, do thép là một trong những đầu vào chính của các ngành công nghiệp. Sự ổn định của giá thép cũng giúp bình ổn giá trên diện rộng của nền kinh tế, đặc biệt là các ngành như ô tô, xây dựng, đóng tàu, sản xuất máy công nghiệp...

Thoạt đầu, hệ thống này có lợi cho các nhà cung ứng do không có gì chắc chắn là cầu về quặng sắt sẽ đủ để vượt qua cung và làm giá tăng. Một mức giá cố định thường niên sẽ giúp họ ổn định và kiểm soát được hoạt động kinh doanh.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, hoạt động sản xuất thép gia tăng tại Trung Quốc đã kéo cầu về quặng sắt tăng mạnh, dẫn đến việc các nhà cung ứng quặng sắt hàng đầu trên thế giới phải cân nhắc việc thay đổi hệ thống này, để có những hợp đồng ngắn hạn hơn và sát với mức giá thị trường hơn. Năm 2009, Trung Quốc đã sử dụng tới 60% lượng quặng sắt trong năm của toàn cầu để sản xuất ra 47% lượng thép toàn cầu.

Ngành công nghiệp thép của Trung Quốc là một ngàh công nghiệp xương sống nhưng lại khá mong manh và dễ rơi vào tình trạng sản xuất thừa. Năm 2005, nỗ lực của Hội đồng Cải cách và Phát triển quốc gia Trung Quốc nhằm củng cố ngành công nghiệp này đã dẫn đến một hậu quả không mong muốn, đó là khiến ngành thép Trung Quốc tăng trưởng quá nóng. Họ đã dùng quyền lực chính trị để thúc đẩy các lò luyện thép địa phương tăng sản lượng, qua đó vừa đảm bảo sự chủ động về nguồn thép cho nền kinh tế Trung Quốc, vừa bảo vệ các nhà sản xuất thép Trung Quốc khỏi sự cạnh tranh của nước ngoài. Nhưng kết quả là nhu cầu quặng sắt từ Trung Quốc tăng mạnh, khiến giá loại nguyên liệu này tăng từ 37 USD/tấn vào năm 2004 (giá trên thị trương giao ngay), lên trung bình 101USD/tấn vào năm 2009. Hiện nay, hơn một nửa nhu cầu quặng sắt của Trung Quốc phải nhập khẩu, đặc biệt là từ Braxin và Australia.

Cũng giống như Braxin và Australia, Trung Quốc là một trong ba nhà sản xuất quặng sắt lớn nhất thế giới, nhưng hàng năm nước này vẫn nhập khẩu ròng quặng sắt để đáp ứng nhu cầu quá lớn từ trong nước. Trong khi đó, Braxin và Australia, với nhu cầu nội địa tương đối thấp, có thể dành phần lớn sản lượng quặng sắt cho xuất khẩu và thống trị thị trường quặng sắt thế giới. Hơn nữa, phẩm cấp quặng sắt của hai nước này cũng cao hơn, với hàm lượng quặng là 50%, trong khi của Trung Quốc chỉ là 32%. Điều này đã giúp ba nhà cung ứng quặng sắt lớn là Vale của Braxin và Rio Tinto và BHP Billiton của Australia nắm giữ thị phần áp đảo là 68% trên thị trường quặng sắt thế giới.

Ba nhà cung ứng này đã tận dụng lợi thế nhà xuất khẩu lớn của mình để thay đổi hệ thống định giá quặng sắt cũ, theo hướng áp dụng các hợp đồng ngắn hạn, với mức giá sát giá thực tế hơn. Ngày 30/3/2010, Vale tuyên bố đã đạt được một thỏa thuận với công ty Sumitomo Metal Industries Co của Nhật Bản về một hợp đồng theo quí, với mức giá cao hơn 90% so với giá của một năm trước đó, hợp đồng đồng này có hiệu lực từ ngày 1/4/2010. Tiếp theo sự kiện đó, Rio Tinto và BHP Billiton cũng tuyên bố họ sẽ tìm cách áp dụng các hợp đồng định giá ngắn hạn trong tương lai với các đối tác châu á, chuyển cơ chế định giá theo năm về theo quí.

Trong khi đó, là nước nhập khẩu quặng sắt lớn nhất thế giới, Trung Quốc kịch liệt phản đối các hợp đồng ngắn hạn này. Năm ngoái, Hiệp hội quặng sắt và thép Trung Quốc (CISA) đã nỗ lực sử dụng lợi thế về lượng cầu khủng lồ của nước này để thuyết phục ba nhà cung ứng quặng sắt trên giảm giá bán. Nhưng những nỗ lực này đã thất bại. Các lò luyện thép tư nhân Trung Quốc, không thể chờ đợi thỏa thuận này thành công, đã tự thực hiện các thỏa thuận của riêng mình hoặc mua quặng sắt trên thị trường giao ngay với mức giá cao hơn nhiều.

Những chiến thuật tương tự trong năm nay tiếp tục đặt Trung Quốc vào thế bí trong các cuộc đàm phán về giá quặng sắt. Dẫn đầu đoàn đàm phán của Trung Quốc là Tập đoàn Baosteel, nhà sản xuất thép lớn nhất Trung Quốc đã đứng ra thay cho CISA. Trung Quốc phản đối việc chuyển đổi cơ chế định giá quặng sắt khiến mức giá tăng thêm 90-100% mà Vale đã yêu cầu. Nhưng Trung Quốc đang cố đánh một trái bóng rất nặng và khó khăn.

CISA đã kêu gọi các công ty thép địa phương và các công ty thương mại ngừng mua thép từ Vale, BHP Billition và Rio Tinto trong 2 tháng và chủ yếu dựa vào nguồn thép còn tồn trong các kho dự trữ. Trung Quốc cũng tuyên bố họ có thể tổ chức một đoàn thanh tra về sự độc quyền tập đoàn và liên kết độc quyền của Rio Tinto, BHP Billion và Vale trên thị trường quặng sắt.

Chiến lược lâu dài của Trung Quốc là giảm sự phụ thuộc vào nguồn quặng sắt của ba nhà cung ứng trên, thông qua việc tăng cường đầu tư vào các mỏ quặng sắt nội địa. Viện nghiên cứu và kế hoạch công nghiệp Luyện kim của Trung Quốc đã kêu gọi Chính phủ mở rộng hoạt động khai thác, tham dò quặng sắt nội địa và đầu tư cho hoạt động khai khoáng ở nước ngoài.

Đầu tư cho hoạt động khai khoáng ở nước ngoài đã được Trung Quốc thực hiện ở Nam Phi, Nga, Australia và Đông Nam á. Ngày 1/4/2010, Tập đoàn Thương mại vật liệu Đường sắt Trung Quốc đã kí thỏa thuận với công ty khai khoáng châu Phi African Minerals để phát triển mỏ quặng sắt Tonkolli ở Sierra Leone. Các công ty thép Trung Quốc đã chuyển hướng sang các nhà cung ứng nhỏ để được hưởng mức giá rẻ hơn. Ngày 22/4/2010, Sinosteel, công ty kinh doanh quặng sắt lớn nhất Trung Quốc cũng tuyên bố họ đã mua lại 50% sản lượng của dự án khai thác quặng sắt của Brockman Resources Ltd's Marillana tại phía Tây Australia.

Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ không thể làm thay đổi tương quan lực lượng trong các cuộc đàm phán về giá quặng sắt, chừng nào họ chưa giải quyết được tình trạng tăng mạnh của nhu cầu quặng sắt hiện nay. Trung Quốc đã dựa vào hoạt động đầu tư cố định để tạo việc làm cho xã hội và duy trì tăng trưởng kinh tế, đặc biệt trong các lĩnh vực bất động sản, xây dựng cơ sở hạ tầng. Năm 2009, tổng số tiền cho vay của các ngân hàng đã lên tới mức kỷ lục 9,59 ngàn tỷ NDT (tương đương với 1,4 ngàn tỷ USD) để giữ cho nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng trong thời kỳ khủng hoảng. Kết quả là đầu tư cố định tăng kỷ lục, chiếm tới 66% GDP và tăng 54% so với năm 2008. Điều này đã góp phần làm trầm trọng hơn tình trạng dư thừa trong ngành thép nội địa, trong khi nhu cầu đối với thép trên thế giới ở mức thấp.

Giá quặng sắt tăng mạnh sẽ gây thiệt hại lớn cho ngành thép nội địa của Trung Quốc. Hiện Trung Quốc có khoảng 700 xưởng luyện thép, trong đó 5 nhà sản xuất thép lớn nhất chiếm gần 30% sản lượng thép mỗi năm. Mặc dù cơ chế cấp phép được dùng để điều tiết các doanh nghiệp nhập khẩu, nhưng trong thực tế, nhiều công ty thương mại đã nhập khẩu quặng sắt rồi bán ra thị trường giao ngay với mức giá cao hơn.

Tờ tin chứng khoán Thượng Hải mới đây đã đưa ra một báo cáo rằng giá quặng sắt tăng trong năm nay sẽ khiến các nhà sản xuất thép của Trung Quốc phải gánh chịu thêm khoản chi phí là 90 tỷ NDT. Nhiều xưởng luyện thép vẫn đang trong quá trình phục hồi từ năm 2009 và không thể chịu thêm những chi phí mới. Nếu giá quặng sắt tăng 1,69% sẽ khiến nhiều công ty thép Nhà nước rơi vào tình trạng báo động đỏ. Hơn nữa, các công ty thép phải đóng cửa hoặc giảm sản xuất sẽ khiến nhiều lao động ở các địa phương mất việc làm.

Mặc dù đoàn đàm phán của Trung Quốc vẫn do dự trước các hợp đồng ngắn hạn, nhiều nhà sản xuất thép nội địa của Trung Quốc sẽ vẫn phải chấp nhận mức giá tăng và sử dụng cơ chế chuyển giá (tăng giá thép bán ra để duy trì lợi nhuận). Nhiều công ty sản xuất thép nhỏ hơn đã kí các hợp đồng theo quí để đảm bảo nguồn đầu vào, cho thấy những thất bại ban đầu của đoàn đàm phán Trung Quốc. Vào tháng 4/2010, giá quặng sắt phẩm cấp cao đã tăng 11,4% so với tháng 3/2010 còn giá thép tăng 5,5% trong cùng thời kỳ.

Theo truyền thống, Trung Quốc có đủ sức để duy trì giá nguyên vật liệu đầu vào bằng cách yêu cầu các doanh nghiệp quốc doanh chấp nhận lỗ để giữ giá. Nhưng hiện nay, do nguồn tiền kích thích tăng trưởng đang bị cắt giảm dần, áp lực lợi nhuận có thể khiến các nhà hoạch định chính sách cho phép các lò luyện thép tự định giá. Ngày 19/4/2010, công ty Quặng và Thép Baoshan, một thành viên của tập đoàn Baosteel và là công ty thép đại chúng lớn nhất Trung Quốc đã tuyên bố họ có thể sẽ tăng giá thép cuộn cán nguội vào tháng 5/2010. Tuyên bố này có thể kéo theo sự tăng giá hàng loạt của nhiều nhà sản xuất thép Trung Quốc.

Xu hướng đi lên của giá sắt thép sẽ giống như một mồi lửa cho lạm phát của Trung Quốc hiện nay. Quí I/2010, giá sản xuất của Trung Quốc đã tăng 9,9% so với cùng kỳ năm 2009, chủ yếu do sự tăng giá của các kim loại phi sắt, như quặng sắt. Trong khi chỉ số giá tiêu dùng tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2009, làm gia tăng quan ngại về sự bùng nổ của lạm phát tại nền kinh tế lớn thứ ba thế giới này. Giá của nhiều loại hàng hóa sử dụng thép, từ ô tô đến thiết bị văn phòng, nhà ở và máy công nghiệp sẽ tăng nhanh chóng. Điều này cũng khiến chi phí xây dựng cơ sở hạ tầng và làm tăng giá bất động sản, trong khi nền kinh tế này vẫn phụ thuộc nhiều vào đầu tư cố định để tăng trưởng. Bất chất những nỗ lực nhằm hạ nhiệt thị trường nhà đất, giá bất động sản của Trung Quốc vẫn tiếp tục tăng 11,7% trong tháng 3/2010 so với cùng kỳ năm trước.

Vietstock

ĐỌC THÊM