Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam

 Tính chung 2 tháng đầu năm 2017, kim ngạch hàng hoá nhập khẩu ước tính đạt 27,4 tỷ USD, tăng 19,6% so với cùng kỳ năm trước.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 2/2017 ước tính đạt 13,00 tỷ USD, giảm 9,4% so với tháng trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 3,48 tỷ USD, giảm 16,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 9,52 tỷ USD, giảm 6,5%.

Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực có kim ngạch giảm nhiều so với tháng trước: Hàng dệt may giảm 30,4%; giày dép giảm 23%; phương tiện vận tải và phụ tùng giảm 25%; gỗ và sản phẩm gỗ giảm 34,3%; thủy sản giảm 18,8%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 2 năm nay tăng 28,6%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 32,9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 27,1%.


Ảnh minh họa.

Tính chung 2 tháng đầu năm, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 27,3 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2016, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 7,6 tỷ USD, tăng 12,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 19,7 tỷ USD, tăng 16,8%.

Kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực tăng so với cùng kỳ năm trước: Điện thoại và linh kiện đạt 4,8 tỷ USD, tăng 2,6%; hàng dệt may đạt 3,7 tỷ USD, tăng 12,2%; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 3,1 tỷ USD, tăng 34,4%; giày dép đạt 2,1 tỷ USD, tăng 10,7%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác đạt 1,9 tỷ USD, tăng 49,5%; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 1,1 tỷ USD, tăng 12,7%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1 tỷ USD, tăng 7,7%; thủy sản đạt 893 triệu USD, tăng 2,5%; cà phê đạt 610 triệu USD, tăng 21,2%; rau quả đạt 434 triệu USD, tăng 31,1%; dầu thô đạt 432 triệu USD, tăng 46,3% (lượng giảm 9,6%).

Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng nông sản giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước: Gạo đạt 328 triệu USD, giảm 21,4% (lượng giảm 18,4%); hạt điều đạt 255 triệu USD, giảm 3,3% (lượng giảm 19,7%); sắn và sản phẩm của sắn đạt 152 triệu USD, giảm 15,9% (lượng giảm 6,4%); hạt tiêu đạt 129 triệu USD, giảm 27% (lượng giảm 7,4%).

Về thị trường hàng hóa xuất khẩu 2 tháng đầu năm nay, Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 6 tỷ USD, tăng 18,9% so với cùng kỳ năm trước; tiếp đến là EU đạt 5,4 tỷ USD, tăng 13,2%; Trung Quốc đạt 3,3 tỷ USD, tăng 36,4%; ASEAN đạt 2,9 tỷ USD, tăng 15,9%; Nhật Bản đạt 2,3 tỷ USD, tăng 15,3%; Hàn Quốc đạt 1,9 tỷ USD, tăng 31,9%.
Ở chiều ngược lại, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 2/2017 ước tính đạt 14,20 tỷ USD, tăng 7,7% so với tháng trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 5,60 tỷ USD, tăng 1,6%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 8,60 tỷ USD, tăng 12,1%. Kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng tăng so với tháng trước: Điện thoại và linh kiện tăng 7,8%; sắt thép tăng 13,5%; vải tăng 13,3%; chất dẻo tăng 12,9%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch nhập khẩu tháng 2/2017 tăng 39,2%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 49,6%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 33,1%.

Tính chung 2 tháng đầu năm, kim ngạch hàng hoá nhập khẩu ước tính đạt 27,4 tỷ USD, tăng 19,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 11,1 tỷ USD, tăng 22%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 16,3 tỷ USD, tăng 18%. Kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng phục vụ sản xuất tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác đạt 4,7 tỷ USD, tăng 28,6%; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 4,3 tỷ USD, tăng 11,1%; điện thoại và linh kiện đạt 1,7 tỷ USD, tăng 14,9%; sắt thép đạt 1,4 tỷ USD, tăng 41,8%; chất dẻo đạt 953 triệu USD, tăng 23,4%.

Về thị trường nhập khẩu 2 tháng đầu năm, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 8 tỷ USD, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm 2016. Tiếp đến là Hàn Quốc đạt 5,6 tỷ USD, tăng 35%; ASEAN đạt 3,6 tỷ USD, tăng 11%; Nhật Bản đạt 2 tỷ USD, giảm 0,2%; EU đạt 1,7 tỷ USD, tăng 24,6%; Hoa Kỳ đạt 1,4 tỷ USD, tăng 31,4%.

Cán cân thương mại thực hiện tháng 2/2017 ước tính nhập siêu 1,2 tỷ USD, chủ yếu do sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, các doanh nghiệp thường bắt đầu vào chu kỳ sản xuất mới nên nhu cầu nhập khẩu phục vụ cho sản xuất cao hơn tháng trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 2,12 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 925 triệu USD. Tính chung 2 tháng đầu năm 2017 nhập siêu 46 triệu USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 3,48 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 3,43 tỷ USD.

Nguồn tin: DNVN

ĐỌC THÊM