Suy giảm nhu cầu trong nước khiến Trung Quốc xuất khẩu thép nhiều nhất trong hơn 3 năm, đẩy nguồn cung tăng tăng sức ép các nhà sản xuất thép châu Á.
6 tháng đầu năm, Trung Quốc tăng xuất khẩu thép lên 27,26 triệu tấn, cao nhất kể từ 2008 khi nhu cầu nội địa giảm và hàng tồn kho tăng vọt. Các thương gia cho biết tồn kho sản phẩm thép ở các nhà máy Trung Quốc đã vượt quá 15 triệu tấn, đủ để xây 350 Sân vận động quốc gia ở Bắc Kinh, còn được biết tới với tên Tổ Chim.
Helen Lau, nhà nghiên cứu hàng hóa tại UOB-Kay Hian ở Hongkong cho biết trước đây Trung Quốc chỉ xuất khẩu 2 triệu tấn thép mỗi tháng, nhưng giờ số này tăng lên 5 triệu tấn. Nhà nghiên cứu này dự đoán Trung Quốc tiếp tục xuất khẩu với mức độ này cho tới cuối năm, mặc dù chỉ thu được ít tiền từ xuất khẩu. Tuy nhiên, như vậy vẫn hơn phải đóng cửa nhà máy và sa thải công nhân.
Nhà mới xây ở Trung Quốc giảm 16,3% trong tháng 6 so với cùng kỳ năm trước, sau khi giảm 4,6% tháng 5, khiến nhu cầu thép suy yếu. Các nhà nghiên cứu cho rằng, ngành thép có thể yếu hơn nữa, khi nguồn cung dư thừa làm lu mờ hy vọng từ các biện pháp kích thích kinh tế của Chính phủ Trung Quốc.
Lợi nhuận các nhà sản xuất châu Á bị ảnh hưởng
Châu Âu vốn là thị trường xuất khẩu thép chủ yếu của Trung Quốc. Tuy nhiên, khủng hoảng nợ khu vực buộc các nhà sản xuất thép nước này chuyển hướng sang các thị trường gần nhà hơn. Làn sóng thép xuất khẩu Trung Quốc giá rẻ đang đẩy giá xuống thấp, tác động tới lợi nhuận quý II các nhà sản xuất thép hàng đầu châu Á.
Lợi nhuận kinh doanh của POSCO, nhà sản xuất thép lớn thứ 4 thế giới, lớn nhất Hàn Quốc, được dự đoán giảm 1/3 so với cùng kỳ năm trước.
Do nhập khẩu thép từ Trung Quốc vào Hàn Quốc tăng, POSCO phải giảm giá để duy trì vị thế thống trị của mình, khiến thu nhập tập đoàn giảm. Theo ước tính của Woori Investment & Securities, giá nội địa thép cán nóng của công ty có thể giảm sâu hơn xuống 816.000 won (710 USD)/tấn trong quý III, sau khi giảm 11% trong quý II so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó, lợi nhuận của Nippon Steel của Nhật Bản, nhà sản xuất thép thứ 6 thế giới, và đứng đầu Nhật Bản, dự đoán giảm gần 40% xuống 35,05 tỷ yên (442,5 triệu USD) trong quý II. Ngày 30/7 tới, công ty sẽ công bố triển vọng giai đoạn 1/4-30/9 của mình.
JFE, nhà sản xuất thép đứng thứ 2 Nhật Bản, có thể công bố lợi nhuận quý II giảm ít hơn Nippon Steel nhờ xuất khẩu tăng, theo các nhà nghiên cứu. Lợi nhuận hoạt động của JFE được dự đoán giảm 3% xuống 24,65 tỷ yên. Công ty sẽ báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh quý II, cùng triển vọng thu nhập cả năm ngày 26/7.
Tata Steel của Ấn Độ, nhà sản xuất thép lớn thứ 7 thế giới, đựa dự đoán lợi nhuận giảm 90% trong quý II do giá thấp và doanh thu giảm tại đơn vị Corus ở châu Âu của tập đoàn. Đơn vị này chiếm đa phần của 27 triệu tấn thép khối lượng toàn cầu của công ty.
Trong khi đó, một vài công ty thép lớn Trung Quốc có thể lỗ 6 tháng đầu năm 2012 do nhu cầu và giá giảm. Angang Stell dự đoán lỗ ròng khoảng 2 tỷ nhân dân tệ (313,96 triệu USD).
Nhu cầu thép Trung Quốc bắt đầu giảm trong quý II, với giá thép tháng 6 giảm 6% so với giai đoạn đầu tháng 4.
Công ty thép niêm yết lớn nhất Trung Quốc, Baoshan Iron & Steel có thể có kết quả kinh doanh tốt hơn dự đoán, sau khi bán số thép không rỉ, và thép đặc biệt có thể khiến công ty lỗ cho công ty mẹ trong quý II. Công ty này từng cho biết những thương vụ này có thể tăng gấp đôi lợi nhuận 6 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước của công ty.
Baoshan sẽ giảm 4,6% giá tháng 8 các sản phẩm chính của mình xuống 5,6%, sau khi tháng trước vừa giảm giá lần đầu tiên trong năm 2012, chứng tỏ sự bi quan với thị trường trong ngắn hạn.
Shinya Yamada, nhà nghiên cứu tại Credit Suisse cho rằng nhờ các biện pháp kích thích của chính phủ Trung Quốc, giá thép đã hạn chế đà giảm mạnh. Tuy nhiên các biện pháp này vẫn chưa đủ mạnh để vực dậy thị trường.
Nguồn tin: CNBC