Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Trước việc Hoa Kỳ hạn chế nhập khẩu thép và nhôm- Doanh nghiệp thép tự tin

 Trước thông tin Hoa Kỳ có thể áp dụng biện pháp hạn chế nhập khẩu đối với mặt hàng nhôm và thép nhập khẩu, trong đó có Việt Nam, các doanh nghiệp (DN) thép cho rằng, việc áp thuế nếu xảy ra sẽ không ảnh hưởng quá tiêu cực đến xuất khẩu thép.

Các doanh nghiệp dự kiến vẫn sẽ tăng sản lượng thép xuất khẩu

Ngày 16/2/2018, Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã ban hành công khai báo cáo đệ trình Tổng thống nước này xem xét, quyết định biện pháp áp dụng nhằm hạn chế nhập khẩu thép và nhôm theo Mục 232 Đạo luật Thương mại mở rộng năm 1962. Mục 232 quy định về việc Tổng thống Hoa Kỳ có thể áp dụng biện pháp hạn chế đối với hàng nhập khẩu vì lý do an ninh quốc gia. Theo đó, DOC khuyến nghị 3 phương án hạn chế nhập khẩu áp dụng đối với nhôm và thép dưới hình thức thuế quan hoặc hạn ngạch nhập khẩu, áp dụng với tất cả các nước/vùng lãnh thổ hoặc một nhóm nước/vùng lãnh thổ xuất khẩu các mặt hàng này vào Hoa Kỳ.

Trước sự việc này, Bộ Công Thương Việt Nam đề nghị Chính phủ Hoa Kỳ cân nhắc kỹ lưỡng việc áp dụng các biện pháp hạn chế nhập khẩu; đảm bảo tuân thủ các quy định của WTO và thông lệ quốc tế...

Liên quan đến việc Hoa Kỳ dự kiến sẽ đánh thuế cao với thép nhập khẩu, ông Nguyễn Văn Sưa - Phó chủ tịch Hiệp hội thép Việt Nam (VSA) - cho biết, việc Mỹ dự kiến áp thuế cao với thép nhập khẩu chắc chắn sẽ gây ra biến động giá cả. Tuy nhiên, nếu xét tổng thể, việc xuất khẩu thép của Việt Nam cũng không có biến động mạnh. Theo phân tích của ông Nguyễn Văn Sưa, ASEAN mới chính là thị trường tiêu thụ nhiều thép Việt Nam nhất (khoảng 60%) chứ không phải Hoa Kỳ (khoảng 11,1%). Đặc biệt, trong hai năm trở lại đây, lượng thép xuất khẩu vào Hoa Kỳ cũng đang có xu hướng giảm, năm 2016 gần 1 triệu tấn nhưng đến năm 2017, giảm xuống còn 500 ngàn tấn. Như vậy, trong ngắn hạn, các DN xuất khẩu thép của Việt Nam nếu mất thị trường Mỹ sẽ gần như không gặp khó khăn gì, khi lực cầu nội địa và nội khối ASEAN vẫn mang lại dư địa tăng trưởng khả quan.

Về phía DN, ông Đỗ Duy Thái - Tổng giám đốc Công ty TNHH và sản xuất Thép Việt (Pomina) - đánh giá, thép Việt xuất khẩu mạnh tại các nước ASEAN và Canada - đây là những thị trường thuận lợi vì không phải chịu thuế nên sẽ không có ảnh hưởng khi sắc lệnh này áp dụng. Năm nay, công ty dự kiến vẫn sẽ tăng sản lượng thép xuất khẩu lên mức trên 300.000 tấn (năm 2017 là trên 200.000 tấn).

Báo cáo phân tích của Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng cho thấy, việc áp thuế nếu xảy ra sẽ không ảnh hưởng quá tiêu cực lên các nhà xuất khẩu thép niêm yết trên thị trường chứng khoán. Thậm chí, việc Mỹ đánh thuế nhập khẩu thép Trung Quốc có thể là tin vui và là động lực cho sự phát triển theo chiều sâu của ngành thép nội địa.

Trong xu thế hội nhập, các DN thép Việt Nam ngoài việc quan tâm tới các thị trường truyền thống như ASEAN, Hoa Kỳ, EU, cần quan tâm đến các thị trường khác. Điều này có tác dụng đề phòng các rào cản thương mại đã và đang được dựng lên ngày càng nhiều nhằm bảo vệ sản xuất ở các thị trường nước ngoài.

Nguồn tin: Công thương

ĐỌC THÊM