Yêu cầu Hiệp hội Thép VN (VSA), TCty Thép VN phải báo cáo giá thép hằng ngày, thành lập tổ công tác để khảo sát chi phí sản xuất tại các DN… là những biện pháp gần đây nhất nhằm tìm cách ổn định thị trường thép. Nhưng thực tế lại cho thấy câu trả lời ngược lại.
Giá thép trong nước tăng mạnh trong thời gian vừa qua là có dấu hiệu của đầu cơ. Thời gian tới sẽ không thiếu thép
TCty Thép VN (VNSTEEL) nhận định: giá thép trong nước tăng mạnh trong thời gian vừa qua là có dấu hiệu của đầu cơ, và thời gian tới sẽ không thiếu thép. Cơ sở để đưa ra nhận định này là thực tế, hiện công suất cán thép xây dựng trong nước đã là hơn 7 triệu tấn/năm, vượt hơn 2 triệu tấn so với nhu cầu về thép xây dựng cả nước. Nhận định này không là riêng của VNSTEEL, mà VSA, cũng như nhiều cơ quan chức năng đều khẳng định như vậy.
Truyền thống... bất ổn
Theo VSA, hiện các DN VN đã tự sản xuất, đáp ứng được tới 60% nhu cầu phôi (3 triệu tấn) cho các DN cán thép trong nước. Mặt khác, các DN cán, luyện đều dự trữ phôi, thép cán thành phẩm. Ngay thời điểm hiện tại, lượng thép xây dựng tồn kho của các nhà sản xuất vẫn là khoảng 200.000 tấn, dự trữ phôi thép khoảng 530.000 tấn. Do vậy, giá thép thế giới tăng chưa thể ảnh hưởng ngay tới giá thép trong nước theo hướng tăng đột biến (tăng nhiều lần với tổng mức tăng từ 1 -2 triệu VND/tấn) thời gian qua, và càng khó có thể lý giải bằng nguyên nhân từ giá điện... tăng.
Thực tế, quản lý thị trường thép chưa bao giờ dễ dàng với các nhà quản lý. Một số năm trước, khi sản xuất phôi mới đáp ứng phần nhỏ nhu cầu cán thép trong nước, thì biến động giá phôi thép thế giới được xem như nguyên nhân chính gây bất ổn giá thép trong nước. Giai đoạn khủng hoảng, khi các DN ồ ạt xuất phôi thép vì được giá, các cơ quan chức năng “nhanh chóng” nâng thuế xuất khẩu phôi, để đến nỗi một loạt DN khốn đốn trước nguy cơ phá sản vì đã vay tiền ngân hàng nhập phôi từ trước, nay thì hết “cửa” xuất. Và giờ thì lại có nghi vấn về việc các DN đã đầu cơ gây mất ổn định giá thép. Trong suốt quãng thời gian ấy, mỗi khi thị trường thép “nóng lạnh” bất thường, các cơ quan chức năng, tổ chức nghiên cứu đều “nhanh chóng” tổ chức khảo sát, kiểm tra... và tuyên bố kết luận.
Thống kê mức tiêu thụ các sản phẩm thép từ năm 2006 – 2009;
Nguồn: Hiệp hội Thép VN
Đương nhiên, kèm theo luôn là những biện pháp quản lý khẩn cấp được được áp dụng để “bình ổn” thị trường. Kết quả là gì ? Là thị trường thép VN vẫn bất ổn, y như vẫn bất ổn từ nhiều năm. Vậy thì vì phụ thuộc nhập khẩu, vì đầu cơ, vì thừa công suất... hay vì nguyên nhân gì mà thị trường thép VN lại có “truyền thống” bất ổn như vậy ?
Kênh phân phối
Đã có ý kiến cho rằng, cần tổ chức thật tốt các kênh phân phối thép để quản lý được thị trường này cả về sản lượng, cả về giá cả. Hai đề xuất tiếp theo là quy định thật chặt chẽ để thép phải bán đúng biểu giá công bố, và tổ chức bán trực tiếp tới tay người tiêu dùng thông qua đấu thầu, đấu giá... Mong muốn này là không sai, nhưng biện pháp thì chưa hẳn đã đúng. Vì hiện tại nhà sản xuất nào cũng công bố giá bán thép và yêu cầu đại lý phải bán đúng giá công bố. Nhưng giá thép vẫn tăng đều với lý do nguyên liệu, chi phí, lãi suất... tăng. Và thực ra các công cụ thẩm định giá của VN hiện không có hiệu quả thực tế. Vì khi bản thân các yếu tố sử dụng làm căn cứ thẩm định luôn tồn tại dưới dạng mù mờ, thì đương nhiên kết quả thẩm định không thể được chính xác. Ví dụ cụ thể có thể lấy ngay từ việc thẩm định giá sữa, xăng dầu, điện... thời gian qua và thép cũng không là ngoại lệ.
Thứ nữa, cũng không có cơ sở pháp lý để yêu cầu các nhà sản xuất phải bán hàng trực tiếp tới tay người tiêu dùng thông qua đấu thầu, đấu giá. Vì điều đó vi phạm quyền tự do kinh doanh, thương mại được quy định, cam kết tại các văn bản pháp luật. Mặt khác, kêu gọi, yêu cầu các nhà sản xuất cam kết ổn định giá thép cũng là việc làm có tính hình thức, không hiệu quả. Vì không có nhà sản xuất bán trực tiếp thép ra thị trường, mà thường thông qua hệ thống đại lý. Như vậy, nếu “tình cờ” một vài nhà sản xuất hỏng thiết bị cán, chậm nguồn phôi, hoặc phôi, phế liệu nhập khẩu lên giá... đúng thời điểm “nhạy cảm”: mùa xây dựng, thì chỉ trong thời gian ngắn sẽ tạo ra một cơn “sốt” thép thực sự tại các đại lý và trên thị trường. Trên thực tế, thép luôn có... truyền thống “sốt” tại thời điểm cận kề hoặc ngay trong mùa xây dựng.
Và cũng còn thực tế nữa, là hiện chưa có biện pháp hiệu quả cả về cơ chế lẫn kinh tế để quản lý thị trường thép đúng với định hướng phát triển thị trường với điều tiết của Nhà nước. Việc chưa hình thành mô hình quỹ bình ổn, hay DN thương mại có sự tham gia vốn của Nhà nước chuyên nhiệm vụ bán ra, mua vào thép thành phẩm, phôi, phế liệu... để vừa làm đối trọng, vừa làm điểm tựa cho thị trường và nhà sản xuất đã đành. Nhưng ngay cả sự xuất hiện và vận hành luật, hay quy định chống đầu cơ cũng lại chưa có nốt.
Thiếu cả công cụ về kinh tế và pháp lý như thế, thì lấy cơ sở nào để bình ổn thị trường thép ? Hay là lại tiếp tục chờ kết quả kiểm tra, đề nghị mà các đoàn kiểm tra liên ngành, liên bộ năm nào cũng vội vàng thành lập để tiếp tục duy trì truyền thống bất ổn của thị trường ?
(DĐDN)