Hiệp hội Sắt và Thép Trung Quốc (CISA) cho biết, chỉ số giá quặng sắt Trung Quốc (CIOPI) trong ngày 9/1/2019 đạt 263,4 điểm , tăng 0,14% tương đương 0,37 điểm so với chỉ số trước đó.
Trong số đó, chỉ số giá quặng sắt thị trường nội địa đạt 241,72 điểm, tăng 0,25% tương đương 0,6 điểm so với chỉ số trước đó, chỉ số giá quặng sắt nhập khẩu đạt 266,68 điểm, tăng 0,13% tương đương 0,33 điểm so với chỉ số trước đó.
Giá quặng sắt kỳ hạn tại Trung Quốc ngày 10/1/2019 giảm gần 1%, do các biện pháp chống ô nhiễm khẩn cấp tại khu vực phía bắc Trung Quốc, khiến nhu cầu đối với nguyên liệu sản xuất thép suy giảm.
Giá quặng sắt kỳ hạn trên sàn Đại Liên giảm 0,9% xuống 508 CNY (74,5 USD)/tấn, do dự trữ quặng sắt nhập khẩu tại các cảng của Trung Quốc tăng lên 140,6 triệu tấn tính đến ngày 7/1/2019, cao nhất trong 7 tuần, công ty tư vấn SteelHome cho biết. Giá thanh cốt thép kỳ hạn trên sàn Thượng Hải giảm 0,2% xuống 3.517 CNY/tấn, do các nhà đầu tư thận trọng sau 3 ngày đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Trong khi đó, giá nguyên liệu sản xuất thép cũng giảm trong ngày thứ năm (10/1/2019), với giá than luyện cốc trên sàn Đại Liên giảm 0,4% xuống 1.186 CNY/tấn và than cốc giảm 1,5% xuống 1.933 CNY/tấn.
Bộ Sinh thái và Môi trường dự kiến, một đợt khói bụi nghiêm trọng tại khu vực phía bắc Trung Quốc, bao gồm tỉnh sản xuất thép hàng đầu – Hà Bắc - và trung tâm khai thác than đá Sơn Tây từ ngày 10-14/1/2019.
Một số thành phố đã đưa ra cảnh báo khói và yêu cầu ngành công nghiệp nặng hạn chế sản xuất, đặc biệt việc sử dụng nhà máy thiêu kết, trong giai đoạn dự báo ô nhiễm môi trường. Thiêu kết là quá trình ô nhiễm cao làm tan chảy quặng sắt trước khi đưa vào lò cao.
Nhà phân tích thuộc Huatai Futures cho biết: “Giá quặng sắt có thể biến động trong ngắn hạn, do các hạn chế về nhà máy thiêu kết. Song giá vẫn được hỗ trợ khi các nhà máy thép sẽ bổ sung dự trữ trước nghỉ Tết Nguyên đán của Trung Quốc vào tháng 2/2019, trong khi nhập khẩu từ các mỏ khai thác nước ngoài có thể giảm trong vài tuần tới”.
Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết, các cuộc đàm phán diễn ra rộng rãi và chi tiết, thiết lập 1 nền tảng để giải quyết sự khác biệt giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Các thông tin khác:
Thép: Nhu cầu thép Trung Quốc sẽ tăng trong năm 2019, khi tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại, bảo hộ thương mại trở nên mạnh, nhu cầu quốc tế nghiêm trọng và nhu cầu nội địa suy yếu. Trong môi trường chung, đầu tư cơ sở hạ tầng của Trung Quốc năm 2019 đã hồi phục mạnh, và tốc độ tăng trưởng đầu tư bất động sản sẽ vẫn cao. Cơ sở hạ tầng và đầu tư bất động sản luôn là một lĩnh vực tiêu thụ thép lớn, đặc biệt là trong các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn, có thể dẫn đến tăng trưởng tiêu thụ thép.
Thép tấm mạ kẽm: Theo thống kê, trong tháng 11/2018, Nhật Bản đã xuất khẩu 237.000 tấn thép tấm mạ kẽm, tăng 3,42% so với tháng 10/2018, song g iamr 1,26% so với tháng 11/2017.
Trong số đó, xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 59.000 tấn, tăng 60,16% so với tháng 10/2018 và tăng 16,59% so với tháng 11/2017, sang Mỹ đạt 5.500 tấn, giảm 30,03% so với tháng 10/2018 nhưng tăng 9,79% so với tháng 11/2017, sang Đài Loan (TQ) đạt 11.500 tấn, giảm 8,13% so với tháng 10/2018 nhưng tăng 15,21% so với tháng 11/2017, sang Hàn Quốc đạt 8.800 tấn, tăng 28% so với tháng 10/2018 và tăng 1,68% so với tháng 11/2017.
Thép thô: Theo thống kê từ Viện Sắt và Thép Mỹ (AISI), tính đến tuần kết thúc ngày 5/1/2019, sản lượng thép thô của Mỹ đạt 1,88 triệu tấn, tăng 10,1% so với 1,7 triệu tấn cùng kỳ năm 2018, nhưng giảm 1,2% so với tuần trước đó. Công suất sử dụng đạt 80%, tăng so với 73,1% cùng kỳ năm ngoái.
Trong số đó, sản lượng từ đông bắc Mỹ đạt 220.000 tấn, từ khu vực Great Lakes đạt 720.000 tấn, từ Trung tây Mỹ đạt 200.000 tấn, từ nam Mỹ đạt 660.000 tấn, từ tây Mỹ đạt 70.000 tấn.
Nguồn tin: Vinanet