Giá quặng sắt tại Đại Liên giảm 1,3%. Dự trữ tại cảng Trung Quốc đạt mức cao nhất trong hơn 1 tháng.
Số liệu từ Hiệp hội Sắt và Thép Trung Quốc (CISA), chỉ số quặng sắt (CIOPI) của nước này đạt 420,53 điểm hôm 19/7/2019, tăng 0,52% tương đương 2,18 điểm so với chỉ số trước đó hôm 18/7/2019.
Trong số đó, chỉ số giá quặng sắt thị trường nội địa đạt 352,09 điểm, hầu như không thay đổi so với chỉ số giá trước đó, chỉ số giá quặng sắt nhập khẩu đạt 4330,47 điểm, tăng 0,6% tương đương 2,59 điểm so với chỉ số trước đó.
Giá quặng sắt tại Đại Liên ngày 22/7/2019 giảm do số liệu cho thấy rằng dự trữ nguyên liệu sản xuất thép tại các cảng của Trung Quốc tăng lên mức cao nhất trong hơn 1 tháng.
Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 9/2019 trên sàn Đại Liên giảm 1,3% xuống 887,5 CNY (129,03 USD)/tấn, trong phiên có lúc giảm 0,4%.
Dự trữ quặng sắt tại Trung Quốc tính đến ngày 19/7/2019 đạt 118,35 triệu tấn, hồi phục từ mức thấp nhất 2,5 năm (115,25 triệu tấn) tính đến 28/6/2019, cao nhất kể từ tuần thứ 2 của tháng 6/2019, công ty tư vấn SteelHome cho biết.
Giá quặng sắt đạt mức cao kỷ lục 924,5 CNY/tấn trong ngày 16/7/2019 và tăng hơn 100% trong năm nay trong bối cảnh nguồn cung tại các nước xuất khẩu hàng đầu – Australia và Brazil – thiếu hụt và nhu cầu tại Trung Quốc tăng mạnh.
Thương nhân có trụ sở tại Thượng Hải cho biết: “Mặc dù dự trữ quặng sắt tại Trung Quốc gia tăng, song quá sớm để cho rằng lo ngại về nguồn cung giảm bớt, ngoài ra nhu cầu quặng sắt của các nhà máy thép vẫn duy trì mạnh”.
Giá quặng sắt 62% Fe giao ngay sang Trung Quốc tăng 0,4% lên 122 USD/tấn, công ty tư vấn SteelHome cho biết. Giá quặng sắt tăng lên 126,5 USD/tấn trong ngày 3/7/2019, cao nhất kể từ tháng 1/2014, công ty tư vấn SteelHome cho biết.
Giá thanh cốt thép kỳ hạn tháng 10/2019 trên sàn Thượng Hải tăng 0,1% lên 3.975 CNY/tấn. Giá thép cuộn cán nóng sử dụng trong sản xuất ô tô và thiết bị gia dụng tăng 0,7% lên 3.894 CNY/tấn.
Giá nguyên liệu sản xuất thép khác biến động trái chiều, với giá than luyện cốc trên sàn Đại Liên tăng 0,5% lên 1.413 CNY/tấn, trong khi giá than cốc thay đổi nhẹ ở mức 2.164,5 CNY/tấn.
Trung Quốc cho biết sẽ áp thuế chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép không gỉ nhập khẩu từ EU, Nhật Bản, Hàn Quốc và Indonesia.
Các thông tin khác:
Thép không gỉ: Thống kê chính thức cho biết, trong quý 1/2019 (từ tháng 1 đến tháng 3/2019) Nhật Bản đã nhập khẩu tổng cộng 59.000 tấn thép không gỉ, giảm 9,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong số đó, nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 5.500 tấn, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm ngoái, từ Hàn Quốc đạt 38.800 tấn, giảm 14%, từ Đài Loan (TQ) đạt 9.900 tấn, giảm 20% so với cùng kỳ.
Trong quý 1/2019, nhập khẩu thép đặc biệt của Nhật Bản bao gồm thép công cụ, thép kết cấu, thép không gỉ… đạt 228.000 tấn, tăng 48,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thép thanh cán nóng: Thống kê từ Bộ Thương mại Mỹ (DOC), trong tháng 5/2019 nước này đã xuất khẩu tổng cộng 25.600 tấn thép thanh cán nóng, tăng 3,8% so với tháng trước đó, trong khi giảm 44,3% so với cùng tháng năm ngoái.
Trong số đó, xuất khẩu sang Mexico chiếm phần lớn đạt 16.100 tấn, tăng so với 13.300 tấn tháng 4/2019 trong khi giảm so với 18.900 tấn tháng 5/2018. Canada cũng là một trong những điểm đến xuất khẩu chủ yếu đạt 8.400 tấn. Xuất khẩu thép thanh cán nóng của Mỹ sang các nước khác đạt dưới 1.000 tấn.
Thép cuộn: Thống kê sơ bộ từ Bộ Thương mại Mỹ (DOC), trong tháng 5/2019 nước này nhập khẩu khoảng 56.400 tấn thép cuộn, giảm 58,1% so với tháng 4/2019 cũng giảm 53,5% so với tháng 5/2018.
Kim ngạch nhập khẩu đạt 45 triệu USD, giảm đáng kể so với 94 triệu USD và 90,4 triệu USD tháng 4/2019 và tháng 5/2018.
Trong số đó, nhập khẩu từ Canada chiếm phần lớn đạt 18.300 tấn, giảm so với 25.300 tấn tháng 4/2019 và 44.400 tấn tháng 5/2018. Các nguồn nhập khẩu khác trong tháng 5/2019 bao gồm Nhật Bản, Brazil, Ấn Độ và Đức với khối lượng đạt 18.200 tấn, 6.500 tấn, 5.000 tấn và 3.100 tấn.
Nguồn tin: Vinanet