Nhu cầu than luyện cốc suy yếu do các hạn chế sản lượng thép. Giá than luyện cốc trên sàn Đại Liên giảm phiên thứ 6 liên tiếp, giá than cốc cũng giảm. Tỉnh Hà Bắc yêu cầu các ngành công nghiệp tăng cường kiểm soát khói bụi.
Số liệu từ Hiệp hội Sắt và Thép Trung Quốc (CISA), chỉ số quặng sắt (CIOPI) của nước này đạt 337,57 điểm hôm 23/9/2019, tăng 1,06% tương đương 3,55 điểm so với chỉ số trước đó hôm 20/9/2019.
Trong số đó, chỉ số giá quặng sắt thị trường nội địa đạt 332,65 điểm, tăng 0,01% tương đương 0,03 điểm so với chỉ số giá trước đó, chỉ số giá quặng sắt nhập khẩu đạt 338,5 điểm, giảm 1,26% tương đương 4,22 điểm so với chỉ số trước đó.
Giá than luyện cốc tại Trung Quốc ngày 24/9/2019 giảm phiên thứ 6 liên tiếp xuống mức thấp nhất 5 tháng, do nhu cầu đối với nguyên liệu sản xuất thép yếu, trong bối cảnh các hạn chế sản xuất đối với thép và than cốc trước ngày nghỉ lễ Quốc Khánh Trung Quốc.
Giá than luyện cốc kỳ hạn tháng 1/2020 trên sàn Đại Liên giảm 3,8% xuống 1.246,5 CNY (175,12 USD)/tấn, thấp nhất kể từ ngày 19/4/2019.
Các quận sản xuất thép lớn tại tỉnh Hà Bắc có kế hoạch giảm sản xuất trong tuần cuối cùng của tháng 9/2019, để cải thiện chất lượng không khí trước ngày lễ kỷ niệm 70 năm thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung hoa tại Bắc Kinh.
Giá than nhiệt và than luyện cốc tại Trung Quốc giảm khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu do nhu cầu giảm, nhà phân tích Helen Lau thuộc Argonaut Securities cho biết.
Trong khi đó, hoạt động mua than luyện cốc của Trung Quốc đã “khá mạnh” tăng 20% lên 53 triệu tấn trong 8 tháng đầu năm 2019, sau giai đoạn kiểm soát nhập khẩu trong tháng 11/2018 và tháng 12/2018.
Giá các nguyên liệu sản xuất thép khác cũng giảm, với giá than cốc tại Đại Liên giảm 2,2% xuống 1.920,5 CNY/tấn.
Giá quặng sắt trên sàn Đại Liên giảm 1,4% xuống 629 CNY/tấn.
Giá quặng sắt 62% Fe giao ngay sang Trung Quốc duy trì vững ở mức 93 USD/tấn, giảm so với mức cao nhất kể từ ngày 6/8/2019 (98 USD/tấn) hôm 16/9/2019.
Giá thép tại Trung Quốc hồi phục trong bối cảnh dự trữ giảm và tăng cường các hạn chế sản lượng, với giá thanh cốt thép kỳ hạn trên sàn Thượng Hải tăng 2,7% lên 3.548 CNY/tấn. Giá thép cuộn cán nóng tăng 2,4% lên 3.542 CNY/tấn.
Các thông tin khác:
Thép thương phẩm: E-Sheng Steel Co., một trong những nhà sản xuất thép thương phẩm tại Đài Loan (TQ) công bố giá thép thương phẩm không thay đổi trong tuần này.
Theo đó, giá thép thanh góc kích thước nhỏ SS400 ở mức 19.300-20.300 NTD/tấn, thép thanh chuỗi A36 ở mức 19.300 NTD/tấn, thép thanh phẳng A36 và SS400 ở mức 19.300-21.200 NTD/tấn, sắt vòng A36 ở mức 19.300-20.300 NTD/tấn.
Thép thô: Số liệu mới nhất từ Viện Thép Brazil (IABr), Brazil sản xuất khoảng 2,52 triệu tấn thép thô trong tháng 8/2019, giảm 13,4% so với tháng 8/2018. Sản lượng thép cán đạt 1,84 triệu tấn, giảm 3,3% so với tháng 8/2018.
Trong 8 tháng đầu năm 2019, sản lượng thép thô đạt 22,2 triệu tấn, giảm 5,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Sản lượng thép cán đạt 15,4 triệu tấn, giảm 2,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thép: Thống kê từ Bộ Tài chính Nhật Bản (MOF), trong tháng 8/2019 nước này đã xuất khẩu 3 triệu tấn sản phẩm thép, giảm 4% so với tháng 7/2019 trong khi tăng 2% so với tháng 8/2018.
Trong số đó, châu Á là thị trường chủ yếu của Nhật Bản đạt 2,3 triệu tấn, giảm 10,8% so với tháng 8/2018 và 2,8% so với tháng 7/2019.
Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) là thị trường thứ 2 đạt 1 triệu tấn, giảm 14,7% so với tháng 8/2018.
Bên cạnh đó, các nhà cung cấp của Nhật Bản thúc đẩy doanh số bán sang Trung Đông do nhu cầu nội địa yếu. Tổng khối lượng xuất khẩu từ Nhật Bản sang Trung Đông đạt 131.000 tấn trong tháng 8/2019, tăng 19% so với tháng 7/2019 và gần như gấp đôi so với tháng 8/2018.
Thanh cốt thép: Feng Hsin Steel Co., Ltd. Đài Loan công bố sẽ giảm giá thanh cốt thép trong tuần này. Do nhu cầu quốc tế chậm lại, giá thép phế liệu Mỹ suy giảm. Feng Hsin giảm giá mua thép phế liệu thêm 200 NTD/tấn. Bị ảnh hưởng bởi điều này, Feng Hsin quyết định giảm giá thanh cốt thép thêm 200 NTD/tấn trong tuần này. Ngoài ra, nhu cầu tại Đài Loan vẫn yếu.
Theo đó, giá thanh cốt thép ở mức 15.900 NTD/tấn, thép thương phẩm ở mức 20.500 NTD/tấn, thép phế liệu ở mức 7.400 NTD/tấn.
Thép phế liệu: Thống kê cho biết, tổng khối lượng thép phế liệu nhập khẩu của Hàn Quốc trong tháng 8/2019 đạt 400.000 tấn, giảm 29% so với tháng 8/2018, chạm mức thấp kỷ lục 3,5 năm.
Trong 8 tháng đầu năm 2019, nhập khẩu thép phế liệu Hàn Quốc đạt 4,58 triệu tấn, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm ngoái, với nhập khẩu trung bình tháng đạt 572.000 tấn và nhập khẩu năm đạt 6,87 triệu tấn.
Trong số đó, Nhật Bản là thị trường nhập khẩu thép phế liệu lớn nhất của Hàn Quốc đạt 2,77 triệu tấn, giảm 3% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 60,6% trong tổng số.
Thép OCTG: Thống kê từ Bộ Thương mại Mỹ (DOC), trong tháng 7/2019 nước này đã xuất khẩu tổng cộng 15.300 tấn thép ống dẫn dầu (OCTG), giảm 3,1% so với tháng 6/2019, trong khi tăng 0,2% so với tháng 7/2018.
Trong số đó, xuất khẩu sang Canada chiếm phần lớn đạt 8.300 tấn, giảm so với 10.900 tấn tháng 6/2019 và 10.400 tấn tháng 7/2018, sang Mexico đạt 1.800 tấn, sang Tây Ban Nha đạt 1.100 tấn, sang Anh đạt 1.000 tấn.
Nguồn tin: Vinanet