Giá quặng sắt tại Đại Liên hồi phục sau 2 ngày giảm liên tiếp. WoodMac có thể điều chỉnh giảm dự báo giá quặng sắt xuống 80 USD/tấn.
Số liệu từ Hiệp hội Sắt và Thép Trung Quốc (CISA), chỉ số quặng sắt (CIOPI) của nước này đạt 310,94 điểm hôm 24/3/2020, giảm 1,59% tương đương 5,03 điểm so với chỉ số trước đó hôm 23/3/2020.
Trong số đó, chỉ số giá quặng sắt thị trường nội địa đạt 321,38 điểm, tăng 0,02% tương đương 0,06 điểm so với chỉ số giá trước đó, chỉ số giá quặng sắt nhập khẩu đạt 308,96 điểm, giảm 1,9% tương đương 6 điểm so với chỉ số trước đó.
Giá quặng sắt tại Trung Quốc ngày 25/3/2020 tăng hơn 5% sau 2 ngày giảm liên tiếp, do lo ngại nguồn cung nguyên liệu sản xuất thép, khi nhiều nước ra lệnh đóng cửa để ngăn chặn đại dịch virus corona.
Kỳ vọng các biện pháp kích thích toàn cầu và nhu cầu thép hồi phục cũng thúc đẩy giá quặng sắt, với các nhà lập pháp Mỹ gần tiến tới việc thông qua gói viện trợ trị giá 2 nghìn tỉ USD và nhóm 20 nền kinh tế lớn tìm cách hợp tác để đối phó với đại dịch.
Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 5/2020 trên sàn Đại Liên tăng 5,2% lên 666 CNY (94,37 USD)/tấn. Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 4/2020 trên sàn Singapore tăng 3%.
Giá quặng sắt 62% Fe giao ngay ở mức 84,7 USD/tấn, tăng nhẹ so với mức thấp nhất 6 tuần (84,5 USD/tấn) trong ngày 23/3/2020, công ty tư vấn SteeHome cho biết.
Nếu giá quặng sắt duy trì ở mức 80 USD/tấn trong những ngày còn lại của tháng 3/2020, thì giá quặng sắt trung bình trong quý 1/2020 sẽ ở mức 88,5 USD/tấn, song vẫn cao hơn dự báo 85 USD/tấn trước khủng hoảng virus corona, giám đốc nghiên cứu Paul Gray thuộc Wood Mackenzie cho biết.
Các công ty khai thác Nam Phi bao gồm các nhà sản xuất quặng sắt chuần bị cho một tác động lớn từ việc quốc gia này đóng cửa nhằm ngăn chặn virus corona lây lan.
Australia – nước khai thác quặng sắt lớn nhất thế giới – cũng tăng cường các biện pháp đóng cửa.
Công ty khai thác quặng sắt Vale Brazil đình chỉ hoạt động tại cơ sở phân phối Malaysia, một động thái được dự kiến sẽ khiến doanh số bán quặng sắt trong quý 1/2020 giảm 500.000 tấn.
Trên sàn Thượng Hải, giá thanh cốt thép tăng 1,1%, thép cuộn cán nóng tăng 0,8% và thép không gỉ tăng 0,9%.
Trên sàn Đại Liên, giá than luyện cốc không thay đổi, trong khi giá than cốc tăng 1,4%.
Các thông tin khác:
Thép phế liệu: Tính đến ngày 19/3/2020, tồn trữ thép phế liệu Trung Quốc tại các nhà máy thép lớn đạt 1,88 triệu tấn, tăng 5,21% so với tuần trước đó.
Tồn trữ thép phế liệu tại Trung Quốc tăng trong tuần trước đó. Một số nhà cung cấp cho biết, hoạt động mua vào hiện tại chỉ bằng 50-60% so với năm trước.
Ngoài ra, việc nối lại sản xuất của các nhà máy lò điện tại những khu vực khác nhau cũng thúc đẩy nhu cầu thép phế liệu, song giá thép phế liệu có thể chịu áp lực trong ngắn hạn do các nhà máy lò điện đủ dự trữ để sử dụng và sẽ thỏa thuận về giá mua.
Thép thô: Thống kê từ Viện Sắt và Thép Mỹ (AISI), trong tuần kết thúc ngày 21/3/2020, sản lượng thép thô của Mỹ đạt 1,85 triệu tấn, giảm 1,4% so với tuần trước đó và giảm 3,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Công suất sử dụng đạt 79,4%, giảm 1,1% so với tuần trước đó và giảm 2,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính đến tuần kết thúc ngày 21/3/2020, sản lượng thép thô của Mỹ đạt 21,98 triệu tấn, tăng 0,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Công suất sử dụng đạt 81,5%, giảm 0,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thép thô: Số liệu từ Viện Thép Brazil (Instituto Aço Brasil, IABr), trong tháng 2/2020 nước này sản xuất tổng cộng 2,7 triệu tấn thép thô, giảm 1,3% so với tháng 2/2019.
Sản lượng thép thành phẩm đạt 1,86 triệu tấn, giảm 0,3% so với cùng kỳ năm ngoái, thép thành phẩm tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái lên 3 triệu tấn.
Bên cạnh đó, tiêu thụ thép của Brazil đạt 1,7 triệu tấn, tăng 0,7% so với tháng 2/2019.
IABr cho biết, ngành công nghiệp thép Brazil hoạt động bình thường, cũng như sản xuất nguyên liệu và doanh số bán.
Nguồn tin: vinanet.vn