Doanh số bán của Vale năm 2019 có thể đạt 75 triệu tấn. Giá quặng sắt tại Đại Liên tăng tháng thứ 4 liên tiếp. Giá thanh cốt thép tăng do nhu cầu ngành hạ nguồn tăng.
Số liệu từ Hiệp hội Sắt và Thép Trung Quốc (CISA) cho biết, chỉ số giá quặng sắt (CIOPI) của nước này đạt 298,97 điểm tính đến ngày 28/3/2019, giảm 0,58% tương đương 1,74 điểm so với chỉ số giá trước đó ngày 27/3/2019.
Trong số đó, chỉ số giá quặng sắt thị trường nội địa đạt 251,62 điểm, không thay đổi so với chỉ số giá trước đó, chỉ số giá quặng sắt nhập khẩu đạt 307,92 điểm, giảm 0,67% tương đương 2,07 điểm so với chỉ số giá trước đó.
Giá quặng sắt tại Trung Quốc ngày 29/3/2019 tăng, có tháng tăng thứ 4 liên tiếp, sau khi mỏ khai thác quặng Vale giảm ước tính doanh số bán nguyên liệu sản xuất thép năm 2019 xuống 75 triệu tấn. Con số này thấp hơn 20% so với dự báo trước đó của nhà khai thác quặng Brazil, sau vụ vỡ đập tháng 1/2019.
Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 5/2019 trên sàn Đại Liên tăng 1,1% lên 617 CNY (91,57 USD)/tấn. Giá quặng sắt đạt mức cao kỷ lục 657,5 CNY/tấn hôm 12/2/2019 sau thảm họa vỡ đập và các nhà phân tích dự đoán giá sẽ duy trì ở mức cao trong những tháng tới.
Nhà phân tích Helen Lau thuộc Argonaut Securities, Hồng Kông cho biết: “Những người tham gia thị trường và các chuyên gia ước tính sự suy giảm có thể đạt khoảng 40 triệu tấn. Bởi vậy, Vale cho biết sản lượng cắt giảm có thể nhiều hơn so với thị trường dự kiến”.
Bất chấp sự gián đoạn nguồn cung, dự trữ nguyên liệu sản xuất thép tại các cảng Trung Quốc tiếp tục tăng lên mức cao nhất 6 tháng (148,6 triệu tấn) tính đến ngày 22/3/2019, công ty tư vấn SteelHome cho biết. Song Lau dự báo sự thiếu hụt nguồn cung có thể đẩy giá quặng sắt tăng.
Giá than luyện cốc kỳ hạn tại Đại Liên giảm 0,7% xuống 1.226 CNY/tấn, song giá than cốc tăng 0,8% lên 1.976 CNY/tấn. Giá thanh cốt thép kỳ hạn tháng 5/2019 trên sàn Thượng Hải tăng 0,3% lên 3.716 CNY/tấn, được hỗ trợ bởi nhu cầu ngành hạ nguồn tăng. Giá thép cuộn cán nóng duy trì vững ở mức 3.683 CNY/tấn.
Các thông tin khác:
Thép dây: Thống kê từ Hải quan Đài Loan (TQ), nhập khẩu thép dây của Đài Loan trong tháng 2/2019 đạt 1.900 tấn, giảm hơn 60% so với tháng 1/2019. Trong số đó, nhập khẩu từ Thái Lan chiếm phần lớn đạt 1.100 tấn, giảm gần 70% so với tháng trước đó. Việt Nam và Hàn Quốc sau Thái Lan đạt tổng cộng 330 tấn và 310 tấn, giảm 25% và 40% so với tháng trước đó theo thứ tự lần lượt.
Trong tháng 2/2019, Đài Loan đã xuất khẩu 3.600 tấn, giảm khoảng 35% so với tháng 1/2019. Trong số đó, Việt Nam, Thái Lan và Nhật Bản là 3 nước hàng đầu, với khối lượng đạt khoảng 650 tấn, 500 tấn và 460 tấn theo thứ tự lần lượt, giảm 5%, 15% và 30% so với tháng trước đó.
Thép thô: Hiệp hội Thép Toàn cầu (Worldsteel) cho biết, sản lượng thép thô toàn cầu trong tháng 2/2019 tăng 4,1% so với cùng tháng năm ngoái lên 137 triệu tấn.
Trong tháng 2/2019, sản lượng thép thô của Trung Quốc đạt 71 triệu tấn, tăng 9,2% so với tháng 2/2018. Sản lượng thép thô Ấn Độ đạt 8,7 triệu tấn, tăng 2,3% so với tháng 2/2018. Sản lượng thép thô Hàn Quốc đạt 5,5 triệu tấn, tăng 1,1% so với tháng 2/2018.
Sản lượng thép thô của các nước như Tây Ban Nha, Mỹ và Ukraine tăng so với tháng 2/2018, trong khi tại Nhật Bản, Italia, Pháp, Brazil và Thổ Nhĩ Kỳ giảm.
Nguồn tin: Vinanet