Vale sẽ bổ sung dự trữ 8 triệu tấn từ mỏ khai thác Alegria. Xuất khẩu quặng sắt của Brazil trong tháng 10/2019 tăng so với tháng 9/2019. Giá quặng sắt có thể giảm xuống 70 USD/tấn trong năm tới.
Giá quặng sắt tại Trung Quốc – nước tiêu thụ nguyên liệu sản xuất thép hàng đầu thế giới và tại Singapore ngày 4/11/2019 giảm sau khi công ty khai thác quặng sắt Vale SA được chấp thuận tiếp tục hoạt động tại mỏ khai thác lớn Brazil.
Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 1/2020 trên sàn Đại Liên giảm 1% xuống 616,5 CNY (87,69 USD)/tấn.
Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 12/2019 trên sàn Singapore giảm 1,5% xuống 80,52 USD/tấn.
Vale, công ty khai thác quặng sắt lớn nhất thế giới và là nguồn cung cấp chủ yếu nguyên liệu cao cấp của Trung Quốc cho biết, đã tiếp tục hoạt động tại mỏ khai thác Alegria sau khi bị gián đoạn vào tháng 3/2018.
Công ty cho biết, việc nối lại các hoạt động khai tahcs tại Alegria sẽ cho phép bổ sung 8 triệu tấn trong số 50 triệu tấn công suất suy giảm sau vụ vỡ đập Brumadinho hồi tháng 1/2019.
Việc nối lại mỏ khai thác sẽ tăng thêm 1 triệu tấn sản lượng trong năm 2019, song sẽ không tác động đến doanh số bán trong năm nay.
Lo ngại nguồn cung thắt chặt sau hậu quả của vụ vỡ đập Vale và đóng cửa mỏ khai thác để kiểm tra an toàn, cùng với các vấn đề hoạt động cũng ảnh hưởng đến các mỏ khai thác tại Australia, đẩy giá quặng sắt tăng đến tháng 7/2019 lên mức cao đỉnh điểm 5 năm.
Giá quặng sắt giảm trở lại sau khi nguồn cung bình thường, với dự trữ quặng sắt nhập khẩu tại các cảng của Trung Quốc tăng lên mức cao nhất 6 tháng vào cuối tháng 10/2019.
Giá quặng sắt 62% Fe giao ngay giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 7 tháng trong tuần trước xuống 85 USD/tấn, công ty tư vấn SteelHome cho biết và có thể ở mức trung bình 90 USD/tấn trong quý 4/2019 và giảm xuống 70 USD/tấn trong năm tới, Andrew Driscoll, người đứng đầu công ty nghiên cứu thuộc CLSA cho biết.
Xuất khẩu quặng sắt của Brazil trong tháng 10/2019 đạt 31,2 triệu tấn, so với 27,14 triệu tấn tháng 9/2019.
Trên sàn Thượng Hải, giá thanh cốt thép tăng 0,4%, giá thép cuộn cán nóng tăng 0,3% và giá thép không gỉ tăng 0,5%.
Giá than luyện cốc trên sàn Đại Liên giảm 1,6% và than cốc giảm 0,4%.
Các thông tin khác:
Thép không gỉ: Theo báo cáo chính thức từ Nhật Bản, tổng nhập khẩu sản phẩm thép không gỉ của nước này trong nửa đầu năm 2019 đạt 116.000 tấn, giảm 17,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong số đó, nguồn cung cấp chính của nước này là Hàn Quốc với 78.000 tấn, Đài Loan (TQ) với 18.000 tấn, và Trung Quốc đạt 10.000 tấn, tất cả đều giảm hơn 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặt khác, tổng xuất khẩu sản phẩm thép không gỉ của Nhật Bản trong nửa đầu năm 2019 đạt 427.000 tấn, giảm 13,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong số đó, điểm đến xuất khẩu chủ yếu là Trung Quốc đạt 76.000 tấn, tiếp theo là Hàn Quốc đạt 57.000 tấn, Thái Lan đạt 49.000 tấn và Đài Loan (TQ) đạt 28.000 tấn và Mỹ đạt 23.000 tấn, tất cả đều giảm hơn 10% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thống kê từ Liên đoàn Sắt và Thép Nhật Bản (JISF), xuất khẩu thép không gỉ của nước này trong tháng 9/2019 đạt 84.000 tấn, tăng 11,6% so với tháng 8/2019. Kim ngạch xuất khẩu trung bình tăng 4,5% và kim ngạch xuất khẩu đạt 335 triệu USD.
Trong số đó, xuất khẩu sang Trung Quốc tăng 28,7% so với tháng 8/2019, sang Hàn Quốc tăng đáng kể 88,9%, sang Đài Loan (TQ) tăng 24,1%, sang Mỹ giảm 3,1%, sang Thái Lan tăng 5,2%. Bên cạnh đó, sang Hàn Quốc tăng đáng kể, dẫn đến tổng khối lượng trong tháng 9/2019 tăng.
Thống kê của hải quan Đài Loan (TQ), tổng nhập khẩu thép cuộn cán nóng không gỉ trong tháng 9/2019 đạt 137.000 tấn, tăng 64,17% so với tháng 8/2019 và 140% so với tháng 9/2018.
Hơn nữa, nhập khẩu thép cuộn không gỉ từ tháng 7/2019 đến tháng 9/2019 tại Đài Loan đạt 277.000 tấn, tăng 39,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thị trường nhập khẩu chủ yếu là Indonesia, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Thép ống dây: Thống kê từ Bộ Thương mại Mỹ (DOC), nhập khẩu thép ống dây của nước này trong tháng 9/2019 đạt 98.000 tấn, giảm 25,7% so với tháng 8/2019 và giảm 23,9% so với tháng 9/2018.
Kim ngạch nhập khẩu đạt 120 triệu USD, giảm so với 136 triệu USD tháng 8/2019 và so với 146 triệu USD tháng 9/2018.
Trong số đó, Canada là thị trường nhập khẩu thép ống dây lớn nhất của Mỹ đạt 20.000 tấn, tăng so với 4.200 tấn tháng trước đó và tăng so với 13.000 tấn tháng 9/2018, tiếp theo là Hàn Quốc đạt 15.600 tấn, các nước khác đạt 25.000 tấn
Nguồn tin: Vinanet