Giá quặng sắt tại Đại Liên trong tháng 7/2020 tăng gần 7%. Giá quặng sắt tại Singapore duy trì vững sau 6 ngày tăng liên tiếp. Xuất khẩu của Australia trong tháng 6/2020 đạt mức cao kỷ lục.
Số liệu từ Hiệp hội Sắt và Thép Trung Quốc (CISA), chỉ số quặng sắt (CIOPI) của nước này đạt 382,74 điểm hôm 9/7/2020, tăng 0,31% tương đương 1,19 điểm so với chỉ số trước đó hôm 8/7/2020.
Trong số đó, chỉ số giá quặng sắt thị trường nội địa đạt 344,29 điểm, giảm 0,44% tương đương 1,51 điểm so với chỉ số giá trước đó, chỉ số giá quặng sắt nhập khẩu đạt 390 điểm, tăng 0,44% tương đương 1,7 điểm so với chỉ số trước đó.
Giá quặng sắt tại Đại Liên ngày 10/7/2020 tăng và có tuần tăng mạnh nhất kể từ giữa tháng 5/2020, do gia tăng lạc quan về triển vọng nhu cầu tại nước sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thép hàng đầu thế giới.
Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 9/20202 trên sàn Đại Liên tăng 0,4% lên 794,5 CNY (113,55 USD)/tấn. Tính từ đầu tháng 7/2020 đến nay giá quặng sắt tăng 7%, sau khi tăng 29% trong quý 2/2020.
Xuất khẩu quặng sắt sang Trung Quốc từ trung tâm xuất khẩu hàng đầu thế giới – Port Hedland – trong tháng 6/2020 tăng lên mức cao kỷ lục 46,2 triệu tấn.
Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 8/2020 trên sàn Singapore hầu như không thay đổi ở mức 103,18 USD/tấn sau 6 phiên tăng liên tiếp.
Trong tuần này, giá quặng sắt 62% Fe giao ngay tăng lên mức cao nhất 11 tháng lên 107 USD/tấn, công ty tư vấn SteelHome cho biết.
Giá quặng sắt được hỗ trợ từ nhu cầu Trung Quốc tăng mạnh, cùng với nguồn cung tại Brazil gián đoạn do các hạn chế Covid-19 đối với hoạt động tại các mỏ khai thác, Ray Attrill, người đứng đầu chiến lược thuộc National Australia Bank cho biết.
Xuất khẩu quặng sắt từ Port Hedland trong tháng 6/2020 sử dụng bởi 3 trong 4 mỏ khai thác quặng sắt hàng đầu Australia tăng 7% so với 43,18 triệu tấn tháng 5/2020 và tăng 10% so với tháng 6/2019.
Trên sàn Thượng Hải, giá thanh cốt thép giảm 0,1% sau 6 phiên tăng liên tiếp, trong khi giá thép cuộn cán nóng duy trì vững sau 5 phiên tăng liên tiếp. Thép không gỉ giảm 0,3%.
Trên sàn Đại Liên, giá than luyện cốc và than cốc giảm 0,7% và 1,6% theo thứ tự lần lượt.
Các thông tin khác:
Thép HRC: Do nhu cầu tăng mạnh từ Trung Quốc, xuất khẩu thép cuộn cán nóng (HRC) của Ấn Độ trong quý 1 của năm tài khóa 2021 tăng 124% lên 2,19 triệu tấn. Tuy nhiên, Trung Quốc là nước sản xuất và xuất khẩu thép HRC lớn nhất thế giới, bởi vậy nhu cầu nhập khẩu thép HRC có thể không kéo dài.
Mặt khác, Ấn Độ đóng cửa quốc gia bởi Covid-19 bắt đầu từ tháng 4/2020 đã khiến nhu cầu thép HRC thị trường nội địa chạm mức thấp nhất, buộc các nhà máy thép Ấn Độ tập trung vào thị trường xuất khẩu.
So với các nước khác, giá thép HRC thị trường Ấn Độ tương đối cao, do đó thúc đẩy doanh số xuất khẩu. Khi các nhà máy thép Trung Quốc đã hoạt động trở lại hoàn toàn, trong khi mối đe dọa Covid-19 đã được loại bỏ, thép HRC Ấn Độ vẫn hấp dẫn đối với người mua hàng.
Thép phế liệu: Thống kê từ Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ (USITC), trong tháng 5/2020 nước này đã xuất khẩu gần 1,4 triệu tấn thép phế liệu, tăng 17,6% so với tháng 4/2020 trong khi giảm 20,1% so với tháng 5/2019.
Trong số đó, xuất khẩu sang Thổ Nhĩ Kỳ đạt 298.000 tấn, tăng 21% so với tháng 4/2020 và giảm 12,8% so với tháng 5/2019, sang Bangladesh đạt 275.000 tấn, sang Đài Loan (TQ) đạt 147.000 tấn, sang Mexico đạt 131.000 tấn, sang Canada đạt 130.000 tấn.
Thép cuộn: Thống kê từ Viện Thống kê Thổ Nhĩ Kỳ (TUIK), trong tháng 5/2020 nước này xuất khẩu tổng cộng 104.000 tấn thép cuộn, tăng gần 85% so với tháng 4/2020.
Trong 5 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu thép cuộn của Thổ Nhĩ Kỳ đạt 485.000 tấn, giảm 43,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong số đó, Israel là thị trường xuất khẩu lớn nhất đạt 96.000 tấn, tiếp theo là Haiti và Singapore đạt 47.000 tấn và 43.000 tấn.
Nguồn tin: vinanet.vn