Sau khi Bộ Công Thương quyết định áp thuế tự vệ thương mại tạm thời với phôi thép và thép xây dựng, giá thép đã bị đẩy lên cao do tình trạng đầu cơ. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn, giá thép đã hạ nhiệt do nguồn cung dồi dào và một số nhà sản xuất cam kết không tăng giá bán.
Nếu như đầu tháng 3, giá thép đã được các đại lý đẩy lên cao thì chỉ một tháng sau đó, giá thép đã hạ nhiệt. Tại Hà Nội, giá thép bán lẻ trên thị trường đã về mức 11.000 - 11.500 đồng/kg tùy loại và thương hiệu, thấp hơn 15% so với thời điểm cuối tháng 3.
Thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho thấy, quý I/2016, các thành viên của VSA sản xuất được mức sản lượng lớn nhất từ trước đến nay: gần 374 nghìn tấn ống thép, tăng 35,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, lượng tiêu thụ cũng tăng cao do đang vào mùa xây dựng. Tính riêng trong tháng 3/2016, sản lượng thép xây dựng tiêu thụ đã đạt hơn 1 triệu tấn, tăng hơn 55% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung trong quý I/2016, tổng lượng thép xây dựng được tiêu thụ tại thị trường nội địa đạt 2 triệu tấn, tăng 56% so với cùng kỳ năm 2015.
VSA cho biết: Bên cạnh nhu cầu thép do thị trường xây dựng vào mùa thì tâm lý “găm hàng” chờ giá lên cao sau khi quyết định áp thuế tự vệ tạm thời đối với phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam được Bộ Công Thương ban hành cũng khiến tiêu thụ thép tăng cao. Thống kê cho thấy, trong số hơn 1 triệu tấn thép tiêu thụ tháng 3 thì chỉ có khoảng 50.000 tấn thép xây dựng được xuất khẩu, còn lại là tiêu thụ ở thị trường trong nước.
Ngược lại, theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) giá nguyên liệu thép cuộn cán nóng, nguyên liệu chính để sản xuất các loại tôn mạ màu, mạ kẽm, xà gồ... tăng giá bất thường trong vòng 2 tuần trở lại đây.
Theo đó, giá thép cuộn cán nóng đã tăng hơn 100 USD/tấn so với tháng trước, giữ mức 480 USD/tấn với điều kiện giao ngay. Còn nếu giao hàng trong tháng 5/2016 thì giá được chào mức 510 - 515 USD/tấn.
Được biết, thép cuộn cán nóng là loại thép Việt Nam chưa sản xuất được, vì vậy doanh nghiệp sản xuất thép tấm/lá trong nước lệ thuộc 100% hàng nhập khẩu. Theo số liệu thống kê của VSA thì trong quý I/2016 đã có trên 1 triệu tấn thép cuộn cán nóng được nhập khẩu, trong đó nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm 60-70% trong tổng lượng nhập.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, việc thép cuộn cán nóng có giá tăng vọt có thể là do Trung Quốc tiết giảm sản lượng sản xuất sau một thời gian dài thua lỗ, khiến cho nguồn cung thiếu hụt tạm thời, dẫn đến giá bị đẩy lên cao. Tuy nhiên, việc Trung Quốc tăng giá vì Việt Nam là điều không thể bởi nhu cầu tại thị trường Việt Nam là rất nhỏ so với các thị trường quốc tế khác mà Trung Quốc đang cung cấp.
Đồng thời, Phó Chủ tịch Hiệp hội VSA cũng bác bỏ lý do giá nguyên liệu sản xuất tôn các loại tăng vọt là do Bộ Công thương đang điều tra chống bán phá giá đối với tôn mạ kẽm nhập khẩu.
Đối với mặt hàng xi măng, kết thúc quý I/2016, ngành xi măng cũng đã về đích như mong đợi với sản lượng tiêu thụ tăng 10%. Trong lĩnh vực xuất khẩu, dù nhiều doanh nghiệp khi phải cạnh tranh với clinker giá rẻ từ Trung Quốc, nhưng sản lượng xuất khẩu cũng đạt 3,5 triệu tấn, bằng 102% so với cùng kỳ.
Số liệu thống kê cũng cho thấy, thị trường xi măng quý I không có biến động và chính sách của các nhà sản xuất chưa thay đổi nhiều. Nếu tình hình tiêu thụ tiếp tục ổn định như hiện tại thì con số 77 - 78 triệu tấn tiêu thụ trong năm có thể hoàn thành.
Trên lĩnh vực gạch ốp lát, gốm sứ vệ sinh, các DN trong nước vẫn đứng vững nhờ bảo hộ và đầu tư tốt vào công nghệ. Theo đó, thuế nhập khẩu đối với các sản phẩm gốm sứ vệ sinh được áp dụng từ 5 - 35% tùy khu vực nên đã làm giảm sức cạnh tranh của sản phẩm nhập khẩu.
Nguồn tin: Vinanet