Bắt đầu từ hôm nay (22.3), Việt Nam sẽ chính thức áp thuế tự vệ tạm thời đối với mặt hàng phôi thép và thép dài nhập khẩu lần lượt là 23,3% và 14,2% theo quyết định 862/QĐ-BCT của Bộ Công Thương.
Chính sách áp thuế tự vệ tạm thời đối với mặt hàng phôi thép và thép dài nhập khẩu được áp dụng tối đa trong vòng 200 ngày và được đánh giá là có lợi cho doanh nghiệp thép trong nước và làm tăng giá thép nhập khẩu. Đồng thời, mức thuế trên phần nào "cứu" doanh nghiệp thép trong nước giảm bớt áp lực cạnh tranh và khiến các sản phẩm thép nhập khẩu không còn “lộng hành” như trước.
Trước đó, số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, sản phẩm phôi thép nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc năm 2015 (1,5 triệu tấn) tăng gần 300% so với năm 2014 (588.000 tấn). Chưa kể, giá thành của phôi thép Trung Quốc cũng luôn thấp hơn giá phôi thép trong nước từ 1-2 triệu đồng.
Như vậy, với việc áp thuế trên, đây là cơ hội tốt để các doanh nghiệp trong nước phục hồi nội lực, đặc biệt với sản xuất phôi thép.
Tuy nhiên, với quyết định này, trong gần 1 tháng qua, sản phẩm thép đã tăng giá chóng mặt.
Thông tin từ Hiệp hội thép Việt Nam (VSA) cho biết, chỉ trong ngày 16.3, giá thép cuộn bán ra 11,8 triệu đồng/tấn vào đầu giờ sáng, lên 12 triệu đồng/tấn vào buổi trưa và lên 12,5 triệu đồng/tấn vào đầu giờ chiều.
Trong khi trước đó một ngày, ngày 15.3, giá thép cuộn của Việt Nhật được niêm yết từ 10,32 triệu đồng/tấn đến 10,42 triệu đồng/tấn. Giá thép cuộn của Hòa Phát là 9,6 triệu đồng/tấn.
Theo VSA, do giá thép nhích lên nên sản lượng của các doanh nghiệp thành viên trong tháng 2.2016 đạt 1.168.760 tấn, tăng 69,2% so với cùng kỳ năm 2015. Bán hàng sản phẩm thép các loại tháng 2.2016 đạt 918.995 tấn, tăng hơn 70% so với cùng kỳ 2015. Xuất khẩu sản phẩm thép các loại đạt 178.365 tấn, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm trước.
Hiện tại, giá phôi thép giao dịch ở mức 330 USD/tấn, tăng khoảng 20% so với đầu tháng 1.2016. Giá thép phế liệu ở mức 220 USD/tấn, tăng khoảng 20% so với giá giao dịch trước đó (180-185USD/tấn).
Trước việc giá thép tăng liên tục, Hiệp hội Tthép Việt Nam đã đưa ra một số ý kiến lưu ý các doanh nghiệp sản xuất – kinh doanh phôi thép và thép dài xây dựng.
Theo VSA, sau một thời gian dài giảm sút, thị trường nguyên liệu thép thế giới có dấu hiệu phục hồi, tăng trưởng trở lại. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, nhận định việc tăng trưởng trở lại chưa có dấu hiệu chắc chắn.
Thêm vào đó, tác động tâm lý của các nhà thương mại muốn tích trữ để đầu cơ. VSA dự đoán giá thép sẽ tăng do việc áp thuế tự vệ thương mại đối với phôi thép và thép dài theo quyết định áp thuế thép nhập khẩu của Bộ Công Thương.
Do đó, VSA khuyến nghị các doanh nghiệp xuất phôi và thép dài trong nước ổn định, nâng cao hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh, bình ổn thị trường thép trong nước. Đồng thời, có kế hoạch sản xuất kinh doanh hợp lý, đẩy mạnh sản xuất phôi thép và thép dài, cung cấp đủ nhu cầu trong nước với chất lượng và giá cả cạnh tranh phù hợp với biến động thị trường giá thép thế giới.
VSA cũng nói thêm, nhu cầu thực tế về phôi thép và thép xây dựng trong nước tiếp tục tăng trưởng từ những tháng cuối năm 2015, đầu năm 2016. Trong 2 tháng đầu năm 2016, tổng bán hàng thép các loại tăng hơn 100%, trong đó thép xây dựng tăng 56,5% so với cùng kỳ năm 2015.
Theo chu kỳ kinh doanh hằng năm, dự báo nhu cầu thép xây dựng sẽ tiếp tục tăng trong 2 tháng tới do đang trong mùa khô, thích hợp cho việc xây dựng.
Nguồn tin: Một thế giới